Nền kinh tế Việt nam đã gặp các khó khăn chưa từng có
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận về những thách thức cũng như thuận lợi của nền kinh tế cùng những mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp về những ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp mong đợi Thủ tướng và Chính phủ tập trung cao độ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan
Những khó khăn chưa từng cóTừ đầu năm 2016, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đã gặp những khó khăn trước đây chưa từng có. Ngay trong những tháng đầu năm, nước ta đã phải đương đầu với nạn hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua, với tình trạng ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung. Kinh tế nhiều nơi trên thế giới bất ổn, thị trường chao đảo, giá cả nhiều sản phẩm trên thị trường toàn cầu sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Một số thị trường nhập khẩu lớn của nước ta giảm nhập, trong khi cạnh tranh tăng lên cả ở thị trường nước ngoài và trong nước cũng khiến hoạt động của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thêm phần khó khăn.
Một thực tế hiển hiện ngày càng rõ là gần như tất cả các ngành trong nền kinh tế nước ta phải đương đầu với những thách thức lớn hơn ngay bây giờ cũng như trong tương lai, trước những tác động mạnh mẽ và nhanh chóng của thị trường toàn cầu, của cạnh tranh, của phát triển công nghệ cũng như biến đổi khí hậu. Ví dụ rõ nhất là nông nghiệp, ngành vừa có tầm quan trọng rất lớn về dân sinh, vừa được coi là lợi thế của nước ta, thì ngay năm 2015 đã suy giảm rõ rệt về tăng trưởng, và có nhiều ý kiến cho rằng nông nghiệp đã tới giới hạn tăng trưởng của nó và đòi hỏi một cách làm khác hẳn so với trước.
Hơn nữa, một số vấn đề kinh tế vĩ mô từ các năm trước kéo dài sang 2016 vẫn chưa khắc phục được và thậm chí ngày càng nghiêm trọng, điển hình như nợ công tăng sát tới ngưỡng Quốc hội cho phép, trong khi khả năng giảm bớt chi để đỡ gánh nặng nợ công chưa thấy rõ, khả năng tăng thu để bù đắp nhu cầu đầu tư, chi tiêu công cũng không được bao nhiêu. Gánh nặng chi trả nợ cao từ nay tới sát năm 2020 và khó khăn trong huy động các nguồn vốn cho ngân sách, trong khi tái cơ cấu đầu tư công, kiểm soát chi tiêu công chưa đạt kết quả đáng kể, làm cho nợ công trở thành vấn đề nan giải số 1 trong các vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay.
Tương tự là vấn đề nợ xấu trong khu vực ngân hàng. Năm trước, theo các báo cáo dường như nợ xấu được giải quyết tốt hơn, nhưng năm nay đã lộ rõ những giải pháp của năm trước chỉ mang tính chất ngắn hạn và không thực chất, tức là chỉ chuyển nợ xấu của ngân hàng sang cho VAMC chứ chưa giải quyết được. Phần lớn nợ xấu mà VAMC ôm về vẫn chưa giải tỏa đi đâu được, do vậy nó trở thành gánh nặng tồn đọng ở đó, và dù cho Chính phủ có cố gắng tăng thêm nguồn vốn cho VAMC thì vấn đề xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn đang bế tắc. Đồng thời, câu chuyện cải cách hệ thống quản trị của các ngân hàng, xử lý những ngân hàng yếu kém, mớ bùng nhùng về sở hữu chéo trong nhiều ngân hàng vẫn còn đó, khiến cho những yếu kém của hệ thống ngân hàng tiếp tục tạo rủi ro cho kinh tế vĩ mô.
Cùng với nợ xấu của ngân hàng, vấn đề nợ nần của nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, cũng chưa giải tỏa được. Khi các doanh nghiệp không giải tỏa được những khúc mắc về tài chính thì ít có khả năng tăng trưởng, niềm tin của các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp đó cũng giảm sút, khiến khả năng thoát hiểm của các doanh nghiệp càng khó hơn. Những doanh nghiệp nhiều vấn đề nhất lại thường là các doanh nghiệp có quy mô lớn, nên hệ quả của các vấn đề của họ cũng nặng nề hơn. Riêng với doanh nghiệp Nhà nước, mặc dù con số doanh nghiệp được cổ phần hóa vào cuối năm 2015 gần đạt chỉ tiêu, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước còn rất cao và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối này vẫn chưa được bao nhiêu, khiến cho việc cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước vẫn kém thực chất.
Những nỗ lực của Chính phủ và niềm tin của doanh nghiệp
Về thuận lợi, từ đầu năm đến giờ đầu tư nước ngoài đang tiếp tục tăng lên, niềm tin của khu vực FDI vẫn khá cao. Niềm tin này xuất phát từ hai lý do chính.
Một mặt các nhà đầu tư nhận thấy Chính phủ mới có quyết tâm cải cách và đã đưa được ra một số biện pháp nêu tại các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, qua đó tinh thần cải cách của người đứng đầu Chính phủ thể hiện tương đối rõ. Các nhà đầu tư cũng hiểu Việt Nam cần tăng trưởng, cần vốn, Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành nhiều ưu đãi cho họ trong khi có những điều chỉnh tất yếu, phù hợp với xu hướng chung như quan tâm hơn tới công nghệ, môi trường và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Họ cũng vững tâm hơn vì các FTA vừa tạo thuận lợi hơn, vừa bảo đảm tốt hơn cho quyền lợi của họ khi hoạt động ở Việt Nam.
Hai là quá trình hội nhập của Việt Nam với các FTA mới cho thấy thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục rộng mở hơn và được kết nối với các nền kinh tế lớn, do vậy nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất các sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường rộng lớn có FTA với Việt Nam. Bản thân thị trường tiêu thụ rất mở và có tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam cũng là cơ hội lớn đối với nhiều nền kinh tế xung quanh Việt Nam. Cho nên Việt Nam tiếp tục là chọn lựa của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhìn vào số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới cũng như số vốn, số lao động họ cam kết sẽ tạo việc làm cũng thấy tín hiệu tăng trưởng. Mặt khác, tuy số doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường vẫn tiếp tục tăng, nhưng số đăng ký mới lớn hơn hẳn số rút khỏi thị trường, nên khi bù trừ cho nhau thì vẫn có thể thấy khu vực doanh nghiệp đang phục hồi dần. Sự phục hồi này có phần lạ, trong khi những khó khăn, trở ngại trong môi trường hoạt động của khu vực tư nhân chưa được cải thiện bao nhiêu. Tuy nhiên cũng có thể giải thích được bằng hai nhân tố. Một là do niềm hy vọng từ những cam kết của Chính phủ mới về cải thiện môi trường kinh doanh, về khuyến khích khởi nghiệp. Hai là do chính “bản năng sinh tồn” của doanh nghiệp nước ta trước những cơ hội, thách thức của hội nhập trong giai đoạn mới. Bản thân doanh nghiệp dù hiểu biết còn hạn chế về hội nhập cũng nhận thức được rằng, muốn tồn tại, muốn phát triển thì họ không có cách nào khác là phải cố gắng bươn chải, cố gắng vượt lên mọi khó khăn trước mắt. Không vượt lên từ bây giờ thì ngay để tồn tại cũng đã khó, và khi các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh mạnh lên nữa thì cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thu hẹp đáng kể, trong khi thách thức lại tăng cao.
Những con số thống kê công bố trong thời gian gần đây khiến cho một số người tin rằng nước ta có thể đạt được gần mức chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đặt ra cho năm nay. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, trong đó có cá nhân tôi, thì tăng trưởng GDP của năm nay đạt được mức Quốc hội đặt ra 6,5-6,7% là rất khó khăn.
Đừng chịu sức ép tăng trưởng bằng mọi giá
Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ không nhất thiết phải cố gồng lên để đạt bằng được tốc độ tăng trưởng đó. Tôi tin rằng, với tình hình của Việt Nam mấy năm gần đây và hiện nay, với những khó khăn lớn và thách thức trong kinh tế vĩ mô như đã nêu trên, điều quan trọng nhất ở nước ta lúc này là thực hiện bằng được việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo cơ sở cho ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển doanh nghiệp một cách vững chắc. Từ đó trước mắt ta có thể chấp nhận lùi một chút về tốc độ tăng trưởng, để tập trung tạo nền tảng tăng trưởng bền vững hơn cho những năm sau.
Tôi rất lo ngại việc, để chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng đó, Chính phủ lại thúc đẩy ngành than hoặc ngành dầu khai thác thêm vài triệu tấn bơm ra thị trường để có ngay vài phần trăm thêm cho công nghiệp, để từ đó đắp vào tăng trưởng GDP, như cái cách thường làm về cuối năm trong mấy năm qua. Mặc dù nó tạo được bức tranh tăng trưởng, nhưng là tăng trưởng không thực chất, bởi đào tài nguyên thô đi bán, lại bán vào lúc giá rẻ thì chỉ có thiệt hại lớn về kinh tế mà thôi.
Tăng trưởng quan trọng nhất vẫn là tăng trưởng bằng năng suất lao động, bằng hiệu quả và chất lượng, bằng tính cạnh tranh. Đừng để Chính phủ phải chịu sức ép tăng trưởng bằng mọi giá để đạt chỉ tiêu đã đặt ra. Vào cuối năm 2015, khi Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2016, thì chưa hề có những tác nhân như hạn hán, ngập mặn, thảm họa môi trường do Formosa gây ra và các tác nhân mang tính toàn cầu như chuyện Brexit, các khó khăn của châu Âu và thị trường toàn cầu mà trước đó không ai hình dung được...
Các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, WTO cũng đều giảm mức dự báo tăng trưởng vào lúc này so với mức họ dự báo đầu năm, có nghĩa là họ thừa nhận tình hình diễn ra không như dự báo ban đầu và chấp nhận dự báo trước đó của mình không đúng, bây giờ phải đưa ra dự báo cho sát với thực tế. Vậy tại sao chúng ta cứ phải khư khư bám vào một chỉ tiêu đưa ra vào một thời điểm mà bối cảnh khác với bây giờ, để rồi nền kinh tế cứ phải gồng lên vì một thành tích không thực chất, vừa có thể lãng phí nguồn lực, vừa có thể sao lãng trọng tâm những việc đích đáng phải làm.
Tôi cho rằng chúng ta phải bớt duy ý chí đi và làm quen với cách sống biết thích ứng trong một thế giới đầy biến động ngày nay. Nếu thời cơ thuận lợi đến mà mình không biết hay không dám chớp lấy, để tuột mất đi thì hết sức đáng trách. Nhưng nếu xuất hiện khó khăn, không lường trước được mà chúng ta không tìm cách điều chỉnh để vượt qua cứ nhắm mắt húc đầu vào tường, thì cũng đáng trách không kém. Sự điều hành của Chính phủ phải rất linh hoạt, tuân thủ các quy luật khách quan, đặt lợi ích chung và hiệu quả của cả nền kinh tế lên trên hết.
Từ nay đến cuối năm, điều tôi mong đợi nhất là Thủ tướng và Chính phủ tập trung cao độ vào việc thực hiện những cam kết của mình với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, như cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế. Phải đốc thúc các bộ, ngành, địa phương thực hiện bằng được những điều đã nêu trong Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, tạo bằng được những chuyển biến thực sự trong toàn bộ bộ máy Nhà nước. Tập trung vào những việc đó là nhiệm vụ cốt lõi của Chính phủ hiện nay.
Vừa mới đây, trong cuộc gặp của Chủ tịch nước với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp vẫn kêu chính quyền “trải thảm đỏ nhưng đầy đinh”. Mong Chính phủ và Quốc hội tập trung “nhổ đinh” để cho các doanh nghiệp hoạt động bớt khó khăn hơn, và thực hiện những cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sang năm 2017 và các năm sau doanh nghiệp sẽ phục hồi và tạo tăng trưởng cao hơn, vững chắc hơn cho nền kinh tế./.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
(VCCI)
Bà Chi Lan nhận xét phân tích xem ra cũng không có gì mới,nhưng cũng khách quan.Bà Chi Lan không phủ nhận chế độ thì đã là điều tốt.Mong bà cũng như những chuyên gia ngày xưa đừng sai lầm để bây giờ người nọ đổ người kia.
Trả lờiXóa