Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Khổ cho TT Phúc: Kinh tế đang chựng lại?

Kinh tế Việt Nam đang chựng lại?
"Tăng trưởng 6% thì đúng là đáng thất vọng bởi mức thu nhập bình quân đầu người như ở Việt Nam hiện nay khoảng chừng 2.000 USD nhích hơn một tí thì các nước khác ở Châu Á họ tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Đài Loan và Hàn Quốc tăng trưởng đến 10%. Mình tính 6% của 2.000 USD/ người khác rất xa với 6% của 60.000 đôla/người như ở Singapore. Khi mình thu nhập thấp thì đáng lẽ mình phải tăng trưởng cao, nhưng mình không tăng trưởng cao được bằng các nước ở tầm thu nhập như mình. Cho nên chỉ 6%, chữ “chỉ’ thứ nhất là thấp so với tiềm năng, kỳ vọng, kế hoạch đề ra đầu năm, và thấp so với các nước cùng trình độ với mình ở cái thời điểm mà họ thu nhập như mình.

Do ảnh hưởng của thảm họa môi trường Formosa, nhiều hợp đồng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị phía đối tác nước ngoài hủy bỏ.

Trong các báo cáo cập nhận tuần này, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB và Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF đều cho rằng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Các chuyên gia kinh tế trong nước nhận định như thế nào về đánh giá của hai định chế quốc tế này?

Thực trạng kinh tế VN 

Trong báo cáo cập nhật vể triển vọng kinh tế Châu Á, công bố ngày 27/9 vừa qua, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB loan báo Việt Nam chỉ tăng trưởng 6% trong năm 2016.

Ông Bùi Văn, giảng viên Chương Trình Fulbright Vietnam, chuyên nghiên cứu về kinh tế trong nước, nói rằng đây là sự điều chỉnh mà ADB phải thực hiện:

“Từ năm ngoái tới nay ADB cũng điều chỉnh liên tục không phải chỉ  với Việt Nam mà với cả các nước khác. Nói chung điều chỉnh theo xu hướng đầu năm đưa ra một con số cao, giữa năm điều chỉnh thấp xuống, cuối năm lại điều chỉnh thấp xuống một chút nữa. 

Điểm thứ hai, 6% thì đúng là đáng thất vọng bởi mức thu nhập bình quân đầu người như ở Việt Nam hiện nay khoảng chừng 2.000 USD nhích hơn một tí thì các nước  khác ở Châu Á họ tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Đài Loan  và Hàn Quốc tăng trưởng đến 10%. 

Mình tính 6% của 2.000 USD/ người khác rất xa với 6% của 60.000 đôla/người như ở Singapore. Khi mình thu nhập thấp thì đáng lẽ mình phải tăng trưởng cao, nhưng mình không tăng trưởng cao được bằng các nước ở tầm thu nhập như mình. 

Cho nên chỉ 6%, chữ “chỉ’thứ nhất là thấp so với tiềm năng, kỳ vọng, kế hoạch đề ra  đầu năm, và thấp so với các nước cùng trình độ với mình ở cái thời điểm mà họ thu nhập như mình.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện phó Viện Quản lý Thị trường Giá cả, hiện là chuyên gia kinh tế độc lập, giải thích:

“Mục tiêu Nghị quyết của quốc hội Việt Nam về tăng trưởng kinh tế 2016 là 6,7% tức phải tăng hơn năm ngoái. Nhưng nhìn chung từ quí 1 đến quí 2 thì tốc độ tăng trưởng rất thấp. Quí 3 thì tốc độ tăng trưởng có cao hơn ở  6,4%.  Quí sau hơn quí trước là qui luật chung thôi nhưng nhìn chung tốc độ của 3 quí năm nay so với 3 quí của năm trước là hoàn toàn thấp. 

Cho nên để thực hiện được mục tiêu 6,7% của 2016 thì khó khả thi. Với hiện trạng kinh tế của Việt Nam, những điều kiện chủ quan và khách quan thì  năm nay kinh tế Việt Nam hầu như khó đạt tốc độ tăng trưởng đề ra, tôi nghĩ dự báo  chỉ tăng trưởng 6% là chắc chắn.”

Làm sao để duy trì mức tăng trưởng? 

Theo giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trong 6 tháng cuối năm nay nhờ vào sự gia tăng mạnh hơn của nhiều yếu tố như nguồn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp bên cạnh việc đẫy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản qua các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia ADB còn nhấn mạnh là mặc dù kinh tế vận hành tương đối tốt trong bối cảnh đầy thử thách, Việt Nam vẫn phải giải quyết một số vấn đề,  đặc biệt trong lãnh vực tài chính và ngân hàng, thì mới có thể bảo đảm và duy trì được sự tăng trưởng bền vững.

Theo giảng viên kinh tế Bùi Văn của chương trình Fulbright Vietnam, hệ thống ngân hàng là căn bệnh trầm kha, đã ngăn cản đà phát triển của kinh tế Việt Nam:

“Thẳng thắn mà nói hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam có bệnh nặng đấy. Tất nhiên là chữa được nhưng cần nhiều thời gian hơn để hồi phục. Trong việc sử dụng hệ thống ngân hàng để kích thích tăng trưởng thì Ngân Hàng Nhà Nước cũng làm một điều tôi nghĩ rất đúng là cần thắt chặt hơn. 

Hiện nay hệ thống ngân hàng đang vô cùng trầm trọng, đó là vấn đề hoàn toàn nội tại của chúng ta chứ chẳng liên quan gì thế giới cả. 

Doanh nghiệp có sống được hay không thì cũng dựa phần lớn vào ngân hàng, và ngân hàng có phát triển hay không thì dựa vào niềm tin để hào hứng để đầu tư, mà hiện hai cái đó đều có vấn đề. 

Nói chung chúng ta vẫn đang tăng trưởng chỉ có điều chúng ta tăng trưởng không cao được như mong muốn. Về tiềm năng mình vẫn liên tục tiến bộ dần, môi trường kinh doanh tiến bộ dần, nhưng đòi hỏi của doanh nghiệp là phải tiến bộ hơn, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về luật pháp, về cơ chế.”

Nâng cao năng lực cạnh tranh 

Cũng liên  quan đến lãnh vực kinh tế, cùng ngày với báo cáo từ Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB là Việt Nam chỉ tăng trưởng 6% năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF cho hay Việt Nam giảm xuống 4 bậc trong phúc trình Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu 2016-2017.

Như vậy, trong số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam giữ thứ hạng 60, tụt 4 bậc so với năm 2015. Chuyên gia kinh tế độc lập, tiến sĩ Ngô Trí Long:

“Đấy là biểu hiện xu thế đi xuống về khả năng cạnh tranh. Bản thân Việt Nam phải xem xét lại lý do tạo sao nó lại như thế. Thực trạng hiện nay là cải thiện môi trường đầu tư trong khi môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề bất cập. 

Bên cạnh đó thì còn những rào cản về mặt thủ tục về mặt hành chính. Tất cả làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, thể hiện là  chủ trương của nhà nước  chưa phú hợp và chưa hiệu quả.”

Nâng cao năng lực cạnh tranh là điều quan trọng và cần thiết hàng đầu mà Việt Nam phải thực hiện  bằng hành động chứ không chỉ lời nói hay giấy tờ, tiến sĩ Ngô Trí Long khẳng định:

“Nhà nước từng đưa ra rất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao trình độ, nâng cao trang thiết bị máy móc, cải cách thủ tục hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Đấy là những giải pháp hầu như đã có hết rồi, bây giờ phải xem cụ thể trong bối cảnh đó,  những chỉ tiêu gì, những vấn đề nào còn yếu thì phải tập trung nâng cao. 

Nâng cao năng lực cạnh tranh phải bao gồm cả yếu tố vĩ mô và vi mô, có nghĩa ngoài chính sách của nhà nước để tạo điều kiện và môi trường thì chính sách đó phải được thực thi và đi vào cược sống chứ không phải thực thi trên giấy. Hoặc chính sách đề ra nhưng người thực thi lại tạo khó khăn cho doanh nghiệp cạnh tranh.” 

Một mặt là chính sách thực tiễn và khả thi của nhà nước, mặt khác thì doanh nghiệp cũng phải tự ý thức trách nhiệm về năng lực canh tranh của mình. Đó là  hướng chung, là yếu tố công bằng mà từng doanh nghiệp phải xem xét và phát triển, tiến sĩ Ngô Trí Long kết luận.

Thanh Trúc
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét