Đời Cha Im Lặng, Đời Con Tát Nước !
LÊ NGUYỄN DUY HẬU Chúng ta giàu đến mức sẵn sàng tiêu hàng nghìn tỷ đồng vào những tượng đài vô tri vô giác, xây những công trình nhất nhì Đông Nam Á để lên mặt với thiên hạ. Chúng ta tổ chức những lễ hội linh đình, những lễ diễu binh hoành tráng. Chúng ta giàu chứ, rất giàu. Và, hơn mọi thứ, chúng ta sẵn sàng đều đặn bỏ cả trăm nghìn tỷ mỗi năm để nuôi một bộ máy để rồi lại cúi mặt cho nó cười hề hề bỏ mặc chúng ta xoay xở giữa dòng nước cuốn phăng cả cuộc sống an lành ta hòng theo đuổi. Sự "giàu có" đó thật cay đắng!Ngày mưa nhưng mình chọn tấm ảnh đại diện cho status này khi trời còn khô ráo.
Tấm ảnh nói lên khá nhiều điều.
Một ngày đẹp trời, lô cốt được dựng lên che phủ con đường huyết mạch của thành phố. Không một bản cảnh báo, không chỉ dẫn con đường thay thế, không một bóng cảnh sát giao thông. Tất cả để mặc cho người dân động não tìm cho mình lối thoát. Rất nhanh chóng, giải pháp được đưa ra, đó là chạy xe lên lòng đường.
Sự bực dọc của người đi đường trút lên đứa đi xe bên cạnh (hoặc lên người đi bộ). Nhưng mọi thứ sẽ mau chóng qua đi. Chỉ vài ngày hoặc vài tuần (tùy vào tấm lòng của nhà thầu và quan chức thầu), mọi thứ sẽ trở lại như cũ, và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tất cả đều có giải pháp của nó. Giải pháp nằm trong dân chứ không đâu cả.
Chính quyền có thể không tin tưởng người dân ở nhiều điều nhưng tuyệt đối đặt lòng tin vô hạn vào sự luồn lách, khả năng thích ứng của người dân để vượt qua những rào cản do chính chính quyền dựng lên. Niềm tin đó thật vô hạn nhưng cũng thật ngang trái.
Cơn mưa hai ngày nay cũng vậy, không có quá nhiều quan chức đứng lên nói về nó. Có lẽ họ đang mong chờ chúng ta hãy làm quen với lũ lụt, hãy tìm giải pháp cho nó, vượt qua nó như cách chúng ta hàng ngày vượt qua những lô cốt kia. Mọi thứ có thể thay đổi, người dân cần sáng tạo, cốt chỉ để chiếc ghế của vị quan thoát nước năm này qua năm khác vẫn giữ yên. Lời nói hớ năm nào của bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trách móc người dân quá dựa dẫm nhà nước hóa ra lại là khẩu hiệu, là nguyên tắc vận hành của bộ máy hiện nay. Họ biết rằng, người dân rồi sẽ có cách. Sức dân sẽ mạnh hơn sức nước, họ tin vậy. Thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta đã chấp nhận như vậy, sau cơn mưa nước sẽ rút.
Cho đến một ngày, chúng ta gọi nó là văn hóa, là nét đặc trưng.
Nhiều người mỉa mai rằng "nước" đã mạnh đến mức trôi cả nhà 70 tỷ rồi, chỉ có dân là chưa được giàu lắm.
Nhưng mình tin chúng ta rất giàu. Chúng ta giàu đến mức sẵn sàng sở hữu một chiếc iphone 7 giá gấp 2 lần giá ở Mỹ, hoặc lái những chiếc siêu xe với bao nhiêu loại phí trên con đường lồi lõm ổ gà. Chúng ta sẵn sàng tiêu hàng nghìn tỷ đồng vào những tượng đài vô tri vô giác, xây những công trình nhất nhì Đông Nam Á để lên mặt với thiên hạ. Chúng ta tổ chức những lễ hội linh đình, những lễ diễu binh hoành tráng. Chúng ta giàu chứ, rất giàu.
Và, hơn mọi thứ, chúng ta sẵn sàng đều đặn bỏ cả trăm nghìn tỷ mỗi năm để nuôi một bộ máy để rồi lại cúi mặt cho nó cười hề hề bỏ mặc chúng ta xoay xở giữa dòng nước cuốn phăng cả cuộc sống an lành ta hòng theo đuổi.
Sự "giàu có" đó thật cay đắng!
https://nhabaotudo.com/2016/09/28/doi-cha-im-lang-doi-con-tat-nuoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét