Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

'Vì sao lãnh đạo Việt Nam chọn ông Phúc?'

'Vì sao lãnh đạo Việt Nam chọn ông Phúc?'
Bằng việc sớm thay thế Thủ tướng Chính phủ tuần này, trước khi có cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng Năm tới đây, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam dường như muốn điều chỉnh trở lại chế độ lãnh đạo tập thể thay vì một lãnh đạo có sự nổi bật và dấu ấn cá nhân, và người ta đã chọn một người có thể đáp ứng lối chơi 'tập thể', được tất cả các bên chấp nhận để thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc (đứng) được giới thiệu tại Quốc hội Việt
 Nam khóa 13 vào chức vụ tân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Đó là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nói với BBC hôm 05/4/2016, một ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng rời chức vụ theo chính lời của ông mới đây được thuật lại trên truyền thông Việt Nam.
Thay đổi nhân sự cấp cao ở nội các chính phủ Việt Nam là đề tài của Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, được phát vào lúc 19h30 giờ Việt Nam, ngày thứ Năm, 07/4, mời quý vị đón theo dõi.
"Thủ tướng Dũng theo tôi là người đã đưa Việt Nam tới một sự hội nhập tích cực, chủ động và ông ấy là một phong cách lãnh đạo mới trong cương vị Thủ tướng như một dấu ấn cá nhân," Giáo sư Carl Thayer nói với BBC hôm thứ Ba.
"Chúng ta đã thấy ở cuối Đại hội Đảng (CSVN lần thứ 12), người ta đã đưa trở lại chế độ lãnh đạo tập thể và để cho ông Tổng Bí thư tái lập trật tự này...
"Tuy nhiên Việt Nam không phải là một hệ thống mà người thắng sẽ đoạt đi tất cả.
"Và mặc dù ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi, danh sách những nhân vật trong Bộ Chính trị và những nhân vật trong nội các tới đây dường như chỉ ra rằng tất cả các phe phái, nhóm chính trị đều có chỗ của mình, mặc dù cũng có một số ngạc nhiên nhất định..."

Người thay thế ra sao?

Việt NamImage copyrightGetty
Image captionViệt Nam đang tiến hành chuyển giao quyền lực từ sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản.
Khi được hỏi người được giới thiệu tại Quốc hội khóa 13 để thay thế Thủ tướng Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc, liệu có đem lại thay đổi gì không cho Việt Nam về các mặt chính sách, đường lối, nhân sự v.v., Giáo sư Thayer đáp:
"Tôi không nghĩ như vậy, ông là một Phó Thủ tướng thường trực, ông đã đi theo con đường tuần tự và trở thành Thủ tướng Chính phủ, trong suốt thời gian làm quan chức nhà nước ấy, ông vẫn chưa thiết lập được cho mình một dấu ấn cá nhân đáng kể nào như là một nhà lãnh đạo.
"Và trong giai đoạn đầu tới đây ở cương vị mới, ông sẽ còn phải thấy một thực tế là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng, vào một thời điểm nào đó, sẽ nghỉ hưu và một tân Tổng Bí thư sẽ kế nhiệm. Tôi nghĩ trong lúc còn chưa rõ về độ chắc chắn của người kế nhiệm, người ta sẽ có một mức độ thận trọng, chờ đợi điều gì xảy ra.
"Và quy hoạch kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam đã được hoạch định rồi, nên người ta đã thấy bức tranh tổng thể nhất của Việt Nam mà không cần thiết nhìn vào một số chi tiết, chẳng hạn như TPP đã được đưa vào Việt Nam, Hoa Kỳ có thể sẽ thông qua nó, tôi nghĩ những nét lớn của chính sách kinh tế đã được thiết lập, do đó chúng ta sẽ thấy một sự kế tục nhiều hơn là thay đổi."
Trước câu hỏi vì sao ông Nguyễn Xuân Phúc đã được chọn để thay thế Thủ tướng Dũng, trong khi Việt Nam có thể cũng có nhiều ứng viên sáng giá khác, Giáo sư Thayer trả lời:
"Rõ ràng đây là một sự mặc cả trong Đảng, sau sự nổi bật của ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi nghĩ người ta đã thận trọng, và cũng chưa sẵn sàng cho những lãnh đạo trẻ hơn và năng động.
"Có thể họ muốn tìm đến những người chơi lối chơi tập thể (team-players) và tôi nghĩ ông Phúc... là một người được chọn vì ông là một người của hệ thống đó, ông ấy được tất cả các bên chấp nhận.
"Trong thời gian ở Văn phòng Chính phủ, ông đã phục vụ dưới quyền của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng như tôi đã nói, ông chưa làm gì để nổi bật bản thân trước những thành viên khác trong chính quyền," Giáo sư Carl Thayer nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160405_thayer_vn_power_transitions

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét