Văn phòng Chính phủ không phải “siêu bộ”
11/04/2016 Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng - khẳng định như vậy khi trả lời một số cơ quan báo chí vào ngày 10-4, đồng thời nhấn mạnh sẽ cố gắng làm tốt vai trò kết nối các “tư lệnh ngành”, địa phương. Khi Thủ tướng giao bộ nào chủ trì làm đề án, chương trình thì VPCP có nhiệm vụ thẩm định, kết nối và xử lý thông tin giữa bộ đó với các bộ - ngành liên quan và các địa phương. Nguyên tắc là phải làm theo quy trình, không thể làm tắt được. Ban hành bất cứ văn bản nào, đặc biệt là của Chính phủ, sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế - xã hội, an sinh nên phải chính xác, chặt chẽ, không được sơ sẩy. Các cơ quan, địa phương thấy chậm thì cho là rào cản, “siêu bộ” nhưng không phải như vậy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng - khẳng định sẽ phát huy trí tuệ, làm tốt vai trò tham mưu, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng Ảnh: Nguyễn Nam
Phóng viên: Các vị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ (VPCP) tiền nhiệm đã làm rất tốt công tác truyền thông về hoạt động của Chính phủ. Ông sẽ tiếp tục công việc này như thế nào?
- Ông Mai Tiến Dũng: Đúng là các đồng chí tiền nhiệm đã làm rất tốt công tác truyền thông. Đây là áp lực rất lớn đối với tôi và tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình. Trước hết là thực hiện tốt chức năng của VPCP trong việc cung cấp thông tin cho báo chí cũng như tiếp nhận, xử lý thông tin, ý kiến của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp (DN).
Sự chủ động thông tin theo hướng minh bạch, công khai và kịp thời đến với người dân sẽ tạo ra sự đồng thuận xã hội và có lợi chung cho đất nước.
Ở vị trí người làm công tác giúp việc cho Chính phủ, điều ông coi trọng là gì?
- Người dân có thể góp ý mình hạn chế về năng lực, chứ đừng để họ nói mình có năng lực mà thiếu trách nhiệm. Có thể cái này mình chưa biết, chưa hiểu hoặc hiểu nhưng cách làm chưa đạt hiệu quả cao nhất thì còn thông cảm được, chứ nếu giỏi mà “đánh võng”, cửa quyền, mặc cả là không thể chấp nhận.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất rõ ràng: Chính phủ mới phải đoàn kết, hành động là phải quyết liệt, lấy hiệu quả hiệu lực làm gốc. Với cương vị của mình, tôi sẽ quy tụ sự đoàn kết trong tập thể VPCP. Tinh thần là trung thành, tận tụy, cần mẫn, chịu khó và đặc biệt là phát huy trí tuệ tập thể, kỷ cương.
Người dân đánh giá cao việc chuyển hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, gắn đồng hành, hỗ trợ DN xuyên suốt từ cấp Chính phủ đến bộ - ngành, địa phương. Quan điểm của ông như thế nào về mô hình này?
- Đây là sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng. Trách nhiệm của VPCP và tôi là kết nối các “tư lệnh ngành”, các bộ, các địa phương để thực hiện tinh thần đó.
Không thể chần chừ làm chậm guồng máy trong bối cảnh tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phải tạo sự kết nối, cung cấp thông tin 2 chiều kịp thời, thường xuyên báo cáo tiến độ công việc của bộ - ngành, địa phương để Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo sát hơn.
VPCP có dự kiến lập “đường dây nóng” để kết nối, lắng nghe ý kiến nhân dân, sâu sát hơn trong chỉ đạo, điều hành?
- Hiện VPCP đã làm tốt việc chuyển tải thông tin về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tới người dân. Ở chiều ngược lại, việc cập nhật thông tin từ phía tổ chức, người dân và DN cũng đã làm nhưng chưa nhuyễn, chưa tốt. Tới đây, thông qua cập nhật dư luận xã hội từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, báo chí…, VPCP sẽ xem xét cách nào để làm tốt hơn.
Có ý kiến cho rằng VPCP là một cơ quan “siêu bộ”, là “cửa khó” đối với DN, địa phương, thậm chỉ cả với các bộ - ngành. Ông dự định thay đổi điều này ra sao?
- Câu cửa miệng nói là “siêu bộ” chứ thực ra không phải vậy. Ở cấp địa phương, văn phòng UBND tỉnh cũng không phải là cơ quan “siêu sở”.
Đó là vì người ta chưa hiểu hết chức năng, nhiệm của VPCP là phục vụ, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng. Khi Thủ tướng giao bộ nào chủ trì làm đề án, chương trình thì VPCP có nhiệm vụ thẩm định, kết nối và xử lý thông tin giữa bộ đó với các bộ - ngành liên quan và các địa phương. Nguyên tắc là phải làm theo quy trình, không thể làm tắt được. Ban hành bất cứ văn bản nào, đặc biệt là của Chính phủ, sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế - xã hội, an sinh nên phải chính xác, chặt chẽ, không được sơ sẩy. Các cơ quan, địa phương thấy chậm thì cho là rào cản, “siêu bộ” nhưng không phải như vậy.
Ông có dự định ra một “tuyên ngôn”, thông điệp cho công việc của mình?
- Không. VPCP là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng. Hành động của VPCP là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Trung thành, tận tụy, đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương chính là tôn chỉ của VPCP.
Trong chức năng được giao phó, tôi sẽ làm hết mình, đề cao tính chuyên nghiệp, đúng pháp luật, đúng quy trình, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Ông cảm nhận những thách thức của Chính phủ trong thời gian tới là gì?
- Trước mắt là thiên tai, biến đổi khí hậu, như rét đậm ở phía Bắc, mặn ở ĐBSCL, hạn hán ở miền Trung... Việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Để có hàng hóa tham gia TPP thì cần phải có quá trình. Giá dầu giảm, cân đối ngân sách, vay nợ... cũng là những bài toán khó. Đó là những vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng sẽ quyết tâm chỉ đạo để tháo gỡ.
Vấn đề chủ quyền quốc gia, nhất là biển đảo, là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Thái độ, quan điểm của Chính phủ như thế nào, thưa ông ?
- Vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chủ quyền trên biển Đông, hải đảo, biên giới... là mối quan tâm của Bộ Chính trị, là chỉ đạo chung của Trung ương Đảng. Khi trao đổi với báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một trong 6 ưu tiên, trong đó có bảo vệ chủ quyền theo hướng kiên trì, kiên quyết đấu tranh, hết sức kiềm chế, kiên nhẫn, không thể nóng vội... Nguyện vọng của nhân dân, của đảng viên cả nước cũng là mong muốn hòa bình để phát triển.
Ngày 12-4, bế mạc kỳ họp Quốc hội
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, sáng nay (11-4), chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Quốc hội (QH) phê chuẩn danh sách một số phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau đó, QH phê chuẩn danh sách đề nghị này bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cũng trong ngày 11-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình QH phê chuẩn danh sách một số phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh. QH phê chuẩn danh sách đề nghị của Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Dự kiến sáng 12-4, QH họp phiên bế mạc với các nội dung: biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016. Sau đó, Chủ tịch QH phát biểu bế mạc kỳ họp.V. Duẩn
Thế Dũng ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét