Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Dự cảm kinh tế Việt Nam 2016

Dự cảm kinh tế Việt Nam 2016
Có thể nhận định, triển vọng 2016 tiếp tục có tiến bộ, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, nhưng triển vọng trung hạn 3-5 năm tới nhiều khả năng sẽ phải ứng phólà các bất ổn vĩ mô mới nếu các nỗ lực cải cách triển khai không đủ mạnh mẽ và thiếu tính hệ thống.
Kinh tế Thế giới 2016 sẽ chứng kiến diễn biến phức tạp hơn, nhất là tác động đan xen chính sách của các nước lớn và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng thời kỳ tăng trưởng nhanh của kinh tế Thế giới sắp chấm dứt và kinh tế Thế giới lại bước vào chu kỳ 7-8 năm mới với suy thoái và tăng trưởng đan xen như đã diễn ra trong suốt 50 năm qua với đợt suy thoái gần đây nhất là vào các năm 2007-2008.


Trong bản báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu 2015 - 2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cơ quan này vẫn đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và đạt 3,6% trong năm 2016, thấp hơn so với những con số trong dự báo trước đó. Đó cũng là nhận định chung của WB, OECD, hay nhiều cơ quan dự báo kinh tế khác. Nhưng các dự báo không mấy lạc quan này còn bị điều chỉnh sâu hơn sau sự kiện khủng bố thứ sáu ngày 13/11 ở Paris. Việc IMF công nhận đồng nhân dân tệ tham gia rổ tiền tệ dự trữ quốc tế sẽ có thể đưa tới những hệ lụy khó đoán định cho Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khi bị thâm hụt thương mại và đầu tư quy mô lớn với Trung Quốc.

Xu hướng tăng trưởng
Tiếp nối xu thế tăng trưởng của năm 2015, Chính phủ dự kiến đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7% và tốc độ tăng CPI đạt dưới 5%. Có nghĩa là nền kinh tế được Chính phủ đánh giá sẽ còn tiếp tục tăng trưởng cao hơn nữa và tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo nhóm nghiên cứu EIU (Economist Intelligence Unit), GDP Việt Nam được dự báo tăng xấp xỉ 7%, tương đương mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội đề ra. Với tốc độ này, Việt Nam đứng thứ 9 trong nhóm nước có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.
Hình 1: Dự báo tăng trưởng GDP năm 2016
kinh tế Việt Nam 2016
Nguồn: Economist Group
Còn theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 6,6% (gần sát với mục tiêu kế hoạch của Chính phủ là 6,7%).Tuy nhiên, những rủi ro mà WB cảnh báo nước ta có thể sẽ gặp phải đó là quá trình tái cơ cấu chậm chạp, nợ xấu chưa được xử lý triệt để (cho dù tỷ lệ nợ xấu có nằm dưới 3% theo báo cáo của Chính phủ).
Tỷ lệ lạm phát được dự báo tiếp tục nằm ở mức thấp vì theo các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, giá dầu Thế giới không có xu hướng tăng trong nhiều năm tới vì nguồn cung dầu đang dư thừa và các nước cũng không biết Iran sẽ còn tung ra thị trường bao nhiều thùng dầu nữa sau khi các nước phương Tây gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này.
Theo số liệu thống kê của Vietnam Report qua đợt khảo sát các Doanh nghiệp lớn trong BXH VNR500 2015 tháng 11 vừa qua, có tới 47% số Doanh nghiệp cho rằng tình hình SXKD trong Quý I năm 2016 sẽ tiếp tục được duy trì ở mức ổn định, theo sát tỷ lệ đó là 43% số Doanh nghiệp tin rằng tình hình SXKD sẽ được cải thiện giúp Doanh nghiệp đạt được những kết quả kinh doanh tốt nhất.
Hình 2: Dự báo của DN về tình hình SXKD trong Quý I năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015. (ĐV: %)
kinh tế Việt Nam 2016 
Nói tóm lại, các yếu tố quốc tế tương đối thuận lợi cho kịch bản tốt nhất của nền kinh tế là tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Nhưng kịch bản này khả thi đến đâu còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trước ngưỡng cửa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng
Hội nhập Cộng đồng ASEAN từ năm 2016 sẽ góp thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập TPP ở đẳng cấp cao hơn. Sẽ có cả cơ hội và thách thức đan xen. Thách thức cũng có thể trở thành cơ hội mới để nâng sức cạnh tranh kinh tế nếu Nhà nước và Doanh nghiệp đều nỗ lực. Các Doanh nghiệp nội địa thuần Việt nếu không cố gắng vươn lên trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách kinh tế và chính trị thì các lợi ích của TPP sẽ “rơi” vào khu vực FDI và các đối tác bên ngoài. Tận dụng được cơ hội mới của TPP nhiều hay ít phụ thuộc vào chính chúng ta.
TPP với 12 nước thành viên, trong đó có những nước ở trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật, Singapore và một số nước có trình độ phát triển thấp hơn như Chile, Peru, Mexico, Malaysia. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp hơn cả. Điều đáng nói, các nước thành viên của TPP có những mặt hàng xuất khẩu có tính cạnh tranh cao rất đa dạng từ các mặt hàng công nghiệp, chế tác, chế tạo cho đến các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản. Vì vậy, các sản phẩm của nước ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước thành viên.
Hình 3: Những khó khăn khi giao dịch với bạn hàng trong khối TPP. (ĐV: %)
kinh tế Việt Nam 2016 
Theo như kinh nghiệm của các Doanh nghiệp lớn đã từng thực hiện giao dịch với các bạn hàng thuộc khối TPP, khó khăn lớn nhất của Doanh nghiệp Việt Nam trong những lần hợp tác này liên quan đến yêu cầu về chất lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã của nước bạn thường rất cao, chiếm 29,36% ý kiến của Doanh nghiệp phản hồi. Tiếp đến là các khó khăn liên quan đến tiêu chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm với 25,96% số Doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài ra điểm yếu của Doanh nghiệp Việt Nam còn bộc lộ ở hoạt động nghiên cứu thị trường và khả năng nắm bắt thông tin so với các Doanh nghiệp của các quốc gia khác trong khối.
Trước ngưỡng cửa TPP, nền kinh tế nước ta đang tương đối ổn định và xu hướng tăng trưởng khá bền vững. Tuy nhiên, các nhân tố tạo nên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thể chế, giáo dục và đào tạo bậc cao, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, tính sẵn sàng về mặt công nghệ, phát triển thị trường tài chính, hiệu quả thị trường hàng hóa thì nước ta lại thua kém các nước trong khu vực và các nước thành viên của TPP; trong khi đó năng lực cạnh tranh mới là yếu tố quyết định đến thành bại của quá trình hội nhập.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và TPP nói riêng, nền kinh tế nước ta có dấu hiệu phục hồi tương đối rõ nét, tuy nhiên do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm chạp và mô hình tăng trưởng mới chưa được thiết lập, vì thế thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập là rất lớn.
Việc biến thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành phúc lợi cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế và quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới năng suất, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh, có nghĩa là hướng tới một thể chế kinh tế dựa trên các nguyên tắc của thị trường cạnh tranh để thúc đẩy hiệu quả nhưng đồng thời cũng tạo ra thiết chế xã hội làm cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế thành công cao nhất mà chi phí xã hội thấp nhất.
Có thể nhận định, triển vọng 2016 tiếp tục có tiến bộ, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, nhưng triển vọng trung hạn 3-5 năm tới có nhiều khả năng là các bất ổn vĩ mô mới sẽ phải ứng phó không thể xem thường nếu các nỗ lực cải cách triển khai không đủ mạnh mẽ và thiếu tính hệ thống.
Ngày 12/01/2016, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet sẽ chính thức tổ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm ghi nhận những Doanh nghiệp không chỉ đạt được những thành tựu to lớn trong kết quả kinh doanh mà còn có những đóng góp to lớn cho cộng đồng và xã hội.
Vietnam Report 
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/282992/du-cam-kinh-te-viet-nam-2016.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét