“Chúng ta đang thụt lùi về phẩm cấp”
Tư Giang (TBKTSG) - Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong nền kinh tế vẫn “y chang” trong 10 năm nay, và họ đang còn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro khi hội nhập. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi với TBKTSG.
Ông Vũ Tiến Lộc.
TBKTSG: Thưa ông, nói ngắn gọn về khu vực kinh tế tư nhân mà ông vẫn luôn trăn trở, ông có thể nói gì?
- Ông Vũ Tiến Lộc: Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong nền kinh tế vẫn y chang trong 10 năm nay. Trong khi khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lùi xuống, thì khoảng lùi đó được chiếm lĩnh, lấp đầy bởi khu vực FDI, chứ không phải khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Khu vực FDI đã tận dụng cơ hội tốt để phát triển, còn doanh nghiệp tư nhân lại chưa.
Thực ra, trong suốt thập kỷ qua, doanh nghiệp tư nhân chững lại so với sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, chứ không phải so với chính nó. Đến nay, khu vực FDI đã chiếm tới 70% xuất khẩu, và đóng góp tới 20% GDP. Như nhiều chuyên gia nhận xét, trong bốn động lực của tăng trưởng là hộ gia đình và nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, DNNN và doanh nghiệp FDI, thì chỉ có khu vực FDI hoạt động tốt. Đặc biệt, gần đây khi chúng ta ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì dòng FDI sôi sục lên, nhiều đoàn vào liên tục. Trong khi đó, chúng ta vẫn lặng như tờ và làm kiểu “du kích” chứ chưa tập hợp làm theo ngành hàng, theo chuỗi liên kết.
TBKTSG: Vì sao ông lại cho rằng doanh nghiệp tư nhân trong nước “cô đơn”?
- Chính phủ ngập ngừng trong cơ chế, doanh nghiệp ngập ngừng trong làm ăn. Khi doanh nghiệp cô đơn trong nền kinh tế thì sẽ không trở thành động lực được.
Nhà nước cần tạo chính sách phát triển tốt nhất cho danh nghiệp Việt Nam, chứ không phân biệt doanh nghiệp tư nhân, hay DNNN, hay FDI nữa. Phải đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử. Đối với nhà làm chính sách chỉ có một tư duy duy nhất, đó là doanh nghiệp Việt Nam.
Thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực sẽ là thông điệp thúc đẩy toàn dân làm kinh tế. Làm kinh tế phải là sự nghiệp của toàn dân.
TBKTSG: Thưa ông, ở những ngành nghề như dệt may, giày dép hay nông sản, nơi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang có thế mạnh, ông có băn khoăn gì không, nhất là khi hội nhập đã đến rồi?
- Tôi nghĩ, với công nghiệp dệt may, giày dép thì không đáng lo. Nếu thiếu hụt nguyên liệu, các doanh nghiệp FDI, và cả doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi, và chắc chắn sản phẩm các ngành này tiếp tục thâm nhập mạnh vào EU và Mỹ. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã xây dựng được chuỗi sản xuất, hiện đại hóa quy trình. Thách thức hiện nay của dệt may, da giày là phát triển lên nấc trên của chuỗi giá trị.
Nhưng tôi đặc biệt lo lắng cho nông nghiệp, ngành mà chúng ta cứ tưởng là điểm mạnh nhất.
TBKTSG: Vì sao?
- Nông nghiệp là đại vấn đề. Nông sản được sản xuất bởi các hộ gia đình thì không thể nào sản xuất với giá thành thấp để cạnh tranh được, không cách nào triển khai công nghệ hiện đại được. Nông sản chúng ta không có thương hiệu, và điều đáng lo ngại nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chúng ta coi gạo là niềm tự hào của Việt Nam, nhưng hơn 20 năm xuất khẩu gạo mà chúng ta không có thương hiệu, không chiếm lĩnh được phân khúc cao của thị trường. Giá và chất lượng vẫn luôn ở phân khúc giá rẻ. Chúng ta có nhà buôn gạo chứ chưa có doanh nghiệp sản xuất gạo.
Chúng ta coi gạo là niềm tự hào của Việt Nam, nhưng hơn 20 năm xuất khẩu gạo mà chúng ta không có thương hiệu, không chiếm lĩnh được phân khúc cao của thị trường. Giá và chất lượng vẫn luôn ở phân khúc giá rẻ. Chúng ta có nhà buôn gạo chứ chưa có doanh nghiệp sản xuất gạo.
Về cá ba sa và tôm, trước đây chúng ta tự hào khi chiếm lĩnh được thị trường khó tính như EU và Mỹ. Nhưng hiện giờ cá ba sa và tôm đang mất uy tín trên hai thị trường này vì không kiểm soát được chất lượng. Giờ cá, tôm Việt Nam đang phải đưa sang các thị trường khác như Trung Quốc, châu Phi, là những thị trường dễ tính và có giá trị thấp hơn. Tức là chúng ta đang thụt lùi cả về phẩm cấp, chất lượng, và uy tín.
TBKTSG: Ông có nhiều chuyện để kể chứ?
- Ông Hạnh Nguyễn muốn đưa hàng thủy sản Made in Vietnam sang các nước. Lô đầu ổn, bán được nhiều và ông ấy rất vui. Nhưng ngay sau đó, những lô hàng tiếp theo không đảm bảo chất lượng.
Singapore có quan hệ tốt với Việt Nam, và không có thuế nhập khẩu, nhưng hoa quả Việt Nam chưa bao giờ vào được đây. Với Hồng Kông cũng vậy. Hoa quả chúng ta không vượt qua được hàng rào kỹ thuật. Khi vượt qua được yêu cầu về chất lượng thì lại không thể cạnh tranh được về giá.
Trong khi đó người Thái làm được. Campuchia cũng âm thầm lặng lẽ làm từ giống, phân phối, đến bán lẻ nhiều năm nay, và bắt đầu thành công. Vấn đề là do tổ chức sản xuất thôi.
Chính phủ đang tạo đột phá về thể chế, doanh nghiệp cũng phải nâng cấp mình lên để trở thành các đối tác tin cậy trên thế giới. Các FTA chỉ giúp dỡ bỏ thuế, còn hàng rào kỹ thuật vẫn còn nguyên, thậm chí còn cao hơn. Doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, và rất khó khăn với hàng rào này. Thoát khỏi tư duy làm ăn tiểu nông thì chúng ta mới có thể biến nông sản trở thành lợi thế được.
TBKTSG: Điểm nghẽn nhất này cần được tháo gỡ ra sao, thưa ông?
- Chúng ta phải sửa Luật Đất đai để doanh nghiệp làm ăn trong ngành nông nghiệp phát triển được. Người nông dân không thể hội nhập theo cách sản xuất nhỏ lẻ được, mà phải là doanh nghiệp.
Đất đai là tài nguyên lớn nhất, vậy mà hiện nay đất đai đều được phân phối theo cơ chế xin - cho. Những nơi cần thì không sao có được đất để tích lũy sản xuất. Đất đai phải thị trường hóa chứ.
Chúng ta đang có hơn 11 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh nên không thể tổ chức sản xuất nông nghiệp lớn được, không phát triển thành chuỗi được. Một khi còn sản xuất manh mún thì mới có tình trạng nông dân làm một luống rau cho nhà ăn, các luống khác để bán.
Những cách đó đang tự giết mình với tư cách một dân tộc, một nền kinh tế.
TBKTSG: Nhưng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư bài bản, thì đó là câu chuyện lớn?
- Tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh là một việc, nhưng đảm bảo an toàn là một việc khác quan trọng không kém, ý tôi là phải bảo vệ được quyền sở hữu. Vấn đề an toàn đang nổi lên là vấn đề quan trọng nhất, không chỉ là an toàn về sở hữu, mà còn an toàn trong quan hệ với Nhà nước. Nền tư pháp phải mạnh lên, khi có tranh chấp thì tư pháp phải đảm bảo xét xử công bằng. Chúng ta vẫn chứng kiến sự yếu kém trong các thiết chế tư pháp.
Trong bối cảnh thị trường còn bấp bênh và khó khăn, và chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thì các rủi ro khác phải giảm thiểu bởi các thiết chế của Nhà nước. Không có thiết chế tốt bảo vệ, họ rất khó làm ăn, nhất là làm ăn lớn.
http://www.thesaigontimes.vn/141050/Chung-ta-dang-thut-lui-ve-pham-cap.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét