Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Việt Nam: Vỡ nợ ngân sách đã hiện hữu!

Việt Nam: Vỡ nợ ngân sách đã hiện hữu!
Phạm Chí Dũng - Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu. Hiện thực nổ ra khá bất ngờ là hiện hữu vỡ nợ đầu tiên đang thuộc về ngân sách quốc gia chứ không phải khối ngân hàng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Phút nói thật hiếm hoi
Kỳ họp Quốc Hội tháng 10, 2015 đã hiện ra một câu nói thật hiếm muộn: Trong trạng thái bức xúc hiếm thấy, Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh thông báo tại phiên họp tổ rằng tiền trong ngân khố nhà nước cho dự toán năm 2015 chỉ còn vẻn vẹn 45,000 tỷ đồng mà “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả.”

Sự thật đã từ trong chăn vọt ra, vào lúc tình cảnh ngân sách trở nên nguy ngập từ dưới lên và cả từ trên xuống. Thế nhưng điều cay đắng là sự thật ấy không phải được công bố chính thức trước diễn đàn của gần 500 dân biểu mang tâm thế nín lặng, mà chỉ được phát ra bên lề bởi một trong số hiếm hoi đại biểu không còn “trùm mền” được nữa.

Không chỉ là người đầu tiên công bố về sự thật ngân sách Việt Nam, Ủy Viên Trung Ương Đảng Bùi Quang Vinh cũng là người đầu tiên nói về chủ nghĩa xã hội “có thứ đó đâu mà tìm” vào giữa năm 2015, trong bối cảnh số ít nhà bảo thủ trong đảng vẫn còn chìm đắm trong mơ mộng “đến cuối thế kỷ này không biết có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Nằm trong bộ sậu quan yếu nắm tay hòm chìa khóa cho chính phủ và được một số dư luận đánh giá là người lịch lãm và cũng là một trong số nhân cách Hà Nội còn sót lại, ông Bùi Quang Vinh nhiều khả năng sẽ về hưu sau đại hội đảng 12 vào đầu năm sau. Có thể đó là lý do để ông không còn quá phải kìm nén tâm tư của mình.

Ngay trước kỳ họp Quốc Hội này, học viện chính sách công của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã bất ngờ công bố một sự thật hiếm có về nợ công quốc gia: Theo tính toán lại của cơ quan nghiên cứu này, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước thì tỉ lệ nợ công quốc gia phải lên đến hơn 66% GDP, tức vượt cả ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Trong khi trước đó, các con số mà Bộ tài chính tham mưu cho chính phủ để Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo trước các kỳ họp quốc hội vẫn chỉ là “nợ công vẫn an toàn.”

“Nghe rất vui nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền. Tăng này mang tính nghiệp vụ mà thôi!” - Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh mỉa mai báo cáo của Bộ Tài Chính thay mặt chính phủ gửi lên Quốc Hội về Thu năm 2016 tăng cao hơn 60,750 tỷ đồng so với dự toán năm 2015.


Vì sao ngân khố quốc gia chỉ còn 45,000 tỷ đồng?

“Thực tế ngân sách nhà nước là 255,750 tỷ đồng, thì riêng cân đối cho ngân sách địa phương là 131,500 (chiếm hơn 52%). Ngân sách trung ương còn lại là 154,000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì còn 45,000 tỷ đồng” - Bộ Trưởng Vinh trải lòng trong một phút nói thật.

Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 69% và chi trả nợ, viện trợ chiếm gần 15% tổng chi ngân sách. Đồng thời, chi trả lãi nợ cũng đang chiếm gần toàn bộ phần tăng trưởng của thu ngân sách.

Dù Thứ Trưởng Tài Chính Hoàng Anh Tuấn có “đính chính” rằng cần cộng thêm 50,000 tỷ ODA vào 45,000 tỷ của ông Vinh, thì con số 95,000 tỷ vẫn chỉ chiếm chưa đầy 10% so với dự toán chi ngân sách 2016 lên tới 1,268,500 tỷ đồng.

Chẳng còn gì gọi là “tích lũy.”

Năm ngoái, một chuyên gia nhà nước là ông Vũ Đình Ánh - dù thuộc trường phái luôn “phản biện trung thành,” đã phải bật ra “Làm ra 100 đồng thì đã phải dành hết 98 đồng để trả nợ.”

Gần tương đồng với cơn lũ phân hóa trong đảng, cũng đang hiện ra ngã ba sông phân rã giữa các thành viên trong nội các chính phủ.

Một khi sự thật đã được lôi khỏi bóng tối, điều gì sẽ xảy ra?

Bán, bán và bán...

“Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách” - rốt cuộc đã có một quan chức là Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy Ban Tài Chính - Ngân Sách của Quốc Hội phải thừa nhận động cơ thực sự của việc chính phủ Việt Nam chỉ đạo phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế - cùng thời gian với tình trạng cạn kho ngân sách.

Theo kế hoạch vay nợ của chính phủ đã được duyệt thì năm 2015 phải huy động 436,000 tỷ đồng để bù đắp bội chi (226,000 tỷ), đầu tư (85,000 tỷ) và vay để đảo nợ (khoảng 125,000 tỷ). Dù kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong nước là 226,000 tỷ đồng, nhưng chín tháng đầu năm 2015 mới thực hiện được 51% kế hoạch.

Nếu trước đây nhiều ngân hàng thương mại còn được ngân hàng nhà nước “động viên” để bỏ hàng ngàn tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ, thì trong thời gian gần đây bản thân một số ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu cạn tiền và do đó phải tăng lãi suất huy động. Những đợt bán đấu giá trái phiếu chính phủ dù phảng phất không khí “mua một tặng một” vẫn bị ế ẩm không ngớt.

Trong khi đó, ngân sách Việt Nam lại có trách nhiệm phải trả 363,166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm 2015-2016. Cho đến nay, không ai biết làm sao để có nổi số tiền này để trước mắt cơ cấu lại số nợ này.

Một sự thật tê tái khác là đã 4 năm qua Việt Nam không thể trả nợ đúng hạn, mà toàn phải đi vay để đảo nợ.
Tuy thế, kế hoạch phát hành 3 tỷ US trái phiếu quốc tế lại vấp phải “lỗi kỹ thuật” là nếu năm 2017 mới phát hành thì trước mắt chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn trả nợ đến hạn, trong khi các nguồn vốn khác đều đã có địa chỉ. Đó chính là lý do mà chính phủ phải đề nghị Quốc Hội “ra nghị quyết cho phép áp dụng.”

Không thể nói khác hơn là cái kim trong bọc lâu ngày đã phải lòi ra. Bị Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) xếp hạng minh bạch quá thấp về ngân sách, điều quá rõ ràng là chính phủ và các bộ ngành cấp dưới của nó đã chi xài vô tội vạ tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn từ nước ngoài. Trong khi “tham nhũng vẫn ổn định” (nói theo từ ngữ của Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh), ngân khố quốc gia bị biến thành thùng không đáy mà dẫn đến tình trạng vô cùng bi đát hiện thời.

Không chỉ bán trái phiếu quốc tế, chính phủ Việt Nam còn phải chỉ đạo Bộ Tài Chính tìm bất kể lối thoát nào, kể cả việc phải rút vốn từ những “con bò sữa” lợi nhuận như tập đoàn Vinamilk để có tiền bù đắp ngân sách rỗng ruột mà do đó có thể tránh thoát tình thế vỡ nợ.

Khi nào vỡ nợ?

Thực ra từ mấy năm qua, người ta đã nói đến kịch bản vỡ nợ của nền tài chính Việt Nam. Chỉ chưa biết là cơn ác mộng này sẽ bắt đầu từ đâu - ngân hàng hay ngân sách?
Đối tượng thường bị “găm” nhất là giới ngân hàng thương mại. Cuối năm ngoái, người mà vào năm 2011 đã bị tạp chí Global Finacial xếp vào “một trong 20 thống đốc ngân hàng có thành tích điều hành tệ nhất thế giới” - ông Nguyễn Văn Bình - đã lần đầu tiên buộc phải công khai con số thực về nợ xấu nằm trong giới ngân hàng: Khoảng 500,000 tỷ đồng. Con số này đã tồn tại từ vài năm trước đó, khi số báo cáo của ngân hàng nhà nước về nợ xấu chỉ vào khoảng 100,000 - 150,000 tỷ đồng.

Khối ngân hàng cũng bởi thế đã trở thành nhóm có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Tuy nhiên, ngân hàng nhà nước đã làm tất cả những gì có thể làm để “khoanh nợ.” Không chỉ liên tiếp ban hành các văn bản pháp lý cho phép các ngân hàng thương mại được “đảo nợ,” mà thực chất là chuyển trên giấy tờ nợ từ nhóm rất xấu lên nhóm đỡ xấu hơn, hàng loạt ngân hàng thương mại có khả năng vỡ nợ đã bị ngân hàng nhà nước áp cơ chế “mua lại với giá 0 đồng.” Do hành vi cố gắng khoanh che rất đặc biệt này, cho đến nay chưa ngân hàng nào rơi vào tình trạng vỡ nợ, cho dù toàn bộ 500,000 tỷ nợ xấu vẫn hầu như chưa xử lý được gì.

Thế nhưng hiện thực nổ ra khá bất ngờ là hiện hữu vỡ nợ đầu tiên đang thuộc về ngân sách quốc gia chứ không phải khối ngân hàng.

Triển vọng bán trái phiếu ra quốc tế vào thời điểm này lại quá khó. Nếu không thể bán được trái phiếu, cũng như không bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ.

Để sau đó không lâu - có thể 2 hoặc tối đa là 3 năm và dù có in tiền ồ ạt để “bù đắp ngân sách” - tất cả, và cả nền chính trị nữa, đều sẽ hỗn loạn!

Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216816&zoneid=97

1 nhận xét:

  1. Báo chính thống thì viết bài toàn lạc quan, ông Dũng này thì viết bài toàn bi quan, phân tích số liệu luôn dựa trên cảm giác nên tính thực tế cũng chẳng cao.

    Trả lờiXóa