Tư tưởng độc lập của hai vị tiên sinh họ Ngô
Nhân ngày mất của hai con người yêu nước ấy. Xin được nhắc lại vài lời của họ với sự kính trọng. Người Việt đã từng có người dẫn đầu cho cuộc trường chinh vào tự do, thoát khỏi bóng ma xâm lược của Trung Cộng. Người Việt cũng đã có người chết, có người tù đày vì hào khí anh linh của giống nòi. Người Việt cũng đang kêu gọi, chờ đợi một thế hệ sẽ nối chí để đưa đất nước này ra khỏi gọng kìm phương Bắc.Ngày 2/11/1963, trước khi một người sĩ quan bị mua chuộc và hèn nhát ra tay hạ sát cả hai anh em mình, ông Ngô Đình Diệm đã đến nhà thờ Cha Tam, Quận 5 để cầu nguyện. Ít ai biết được lúc đó ông Diệm và em mình, ông Ngô Đình Nhu, đã im lặng cầu nguyện điều gì. Không lâu sau đó, hai anh em lãnh đạo nền Đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam bị hạ sát. Dân tộc Việt mất đi những nhà chính trị kiệt xuất mà có thể nhiều thế kỷ sau vẫn không thể có người sánh bằng.
Sự xuất sắc của anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được thấy, qua việc hai ông nhận ra rất sớm, âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh, thông qua ngõ Hà Nội. Các tài liệu nghiên cứu ghi lại từ 1952, cho thấy ông Ngô Đình Nhu đã lập nên một mạng lưới thu thập thông tin về việc can thiệp của Trung Cộng ở miền Bắc. Sự kiện cải cách ruộng đất đẫm máu mà ông Hồ Chí Minh thực hiện theo yêu cầu của cố vấn Trung Cộng vào năm 1953-1954 đã khiến cho hai vị lãnh đạo miền Nam càng quyết tâm hơn nữa trong việc ngăn không cho chủ nghĩa cộng sản tràn vào miền Nam.
Sau khi ông Ngô Đình Nhu mất, năm 1964, nhà xuất bản Đồng Nai, Saigon, cho ra mắt tập Chính đề Việt Nam của ông với bút danh Tùng Phong. Tất cả những gì viết trong đó, là máu và nước mắt, là tương lai đầy uẩn khúc của dân tộc Việt được dự đoán - xác đáng trong từng con chữ.
"Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô". (trích)
Sự kiên quyết với tự do và độc lập, sự thành kính và quyết liệt với di sản của tổ tiên người Việt trao lại của hai ông vị lãnh đạo ấy, đã khiến cho hai ông vẫn được nhắc nhở, kính trọng sau khi qua đời. Đặc biệt, với những xung đột xã hội trước khi bị lật đổ - như với phía Phật Giáo - người Việt ngày càng nhận ra bên trong có sự dàn dựng và can thiệp từ phía Bắc.
Rất nhiều thông tin tuyên truyền cho rằng hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là căn cơ Công giáo nên ghét bỏ Phật giáo. Nhưng cũng ít ai biết rằng năm 1959, khi ông Ngô Đình Diệm được giải thưởng Leadership Magsaysay (dành cho các nhà lãnh đạo xuất sắc) với ngân phiếu 15,000 USD, ông đã gởi sang cho ông Đỗ Vạn Lý, Tổng Lãnh Sự VN tại New Delhi, Ấn Độ, để biếu Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lúc đó đang rất khó khăn vì bị Mao Trạch Đông cho quân đội truy đuổi. Chính Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã xác nhận điều này trong một bài nói chuyện trước cộng đồng Việt Nam - Mỹ, tại California.
Ý nguyện về một Việt Nam độc lập của hai vị Ngô tiên sinh cũng rất rõ. Năm 1961, khi đi kinh lý tỉnh Kiến Tường. Phía đón tiếp chuẩn bị rất nhiều cờ hai màu vàng trắng của Vatican. Thấy thiếu cờ quốc gia, Ngô tổng thống đã gọi viên thiếu tá tỉnh trưởng đến để chất vấn ”Đây không phải là xứ Vatican, đây là xứ Việt Nam, vậy cờ Việt Nam đâu?”.
Thật khó mà biết được hai vị đã cầu nguyện điều gì với Đức Jesus trong những giây ngặt nghèo ấy của đời mình. Nhưng có thể không phải là sự sợ hãi cho bản thân, mà sự sợ hãi cho một nền độc lập, một nền tự do non trẻ của nhân dân Việt Nam sẽ mai một.
Sinh thời, câu nói nổi tiếng của Ngô tổng thống vẫn hay được nhắc đến:
"Tôi tiến. Hãy tiến
Tôi lui. Hãy giết tôi
Tôi chết. Hãy nối chí tôi!"
Nhân ngày mất của hai con người yêu nước ấy. Xin được nhắc lại vài lời của họ với sự kính trọng. Người Việt đã từng có người dẫn đầu cho cuộc trường chinh vào tự do, thoát khỏi bóng ma xâm lược của Trung Cộng. Người Việt cũng đã có người chết, có người tù đày vì hào khí anh linh của giống nòi. Người Việt cũng đang kêu gọi, chờ đợi một thế hệ sẽ nối chí để đưa đất nước này ra khỏi gọng kìm phương Bắc.
Sĩ khí của hai con người yêu nước, đã nhắc chúng ta rất nhiều điều vào lúc này.
Tuấn Khanh
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét