Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Động lực phát triển kinh tế đã bão hòa

Đọc đoạn này thấy buồn quá: "Quy mô GDP đến cuối năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua tương đương PPP là trên 5.600 USD)". Còn nhớ năm 1990, chúng tôi đã tính GDP Việt Nam năm 1989 theo sức mua tương đương là 1.100 USD. Như vậy sau 25 năm, GDP đầu người chỉ tăng 5 lần (trong khi GDP tính theo giá thị trường tăng khoảng 15 lần), một mức thấp khủng khiếp. GDP theo sức mua tương đương phản ánh thu nhập và tiêu dùng thực tế của người dân trong nước theo mặt bằng giá chung với quốc tế (đại diện là Mỹ). Xem thêm: GDP của Việt Nam theo cân bằng sức mua
Động lực phát triển kinh tế đã bão hòa
Kinh tế đang trên đà phục hồi, song chất lượng tăng trưởng thấp do duy trì mô hình cũ quá lâu... là những vấn đề được đại biểu chỉ ra khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 2/11. Là một trong những nội dung được chờ đợi nhất tại các kỳ họp, phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội và ngân sách diễn ra trong 2 ngày 2-3/11 sẽ nhìn lại tình hình thực hiện các mục tiêu của năm 2015, cũng như toàn bộ giai đoạn 2011-2015.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng động lực phát 
triển của nền kinh tế đã bão hòa. Ảnh: Giang Huy
Phát biểu ngay đầu phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng cho rằng chưa thể nói kinh tế đã ổn định và phát triển, khi trong vòng 5 năm qua, nợ công của Việt Nam tăng từ hơn 40% lên hơn 63% GDP, thuộc nhóm những nước có nguy cơ vỡ nợ công, trong khi tăng trưởng bình quân của nền kinh tế chỉ đạt trung bình chưa tới 6%.

ICOR - chỉ số cho thấy tính thiếu hiệu quả của việc sử dụng vốn tiếp tục ở mức cao, trong khi tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 50% năm 2011 xuống còn hơn 30% năm 2015. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng thụt lùi từ mức 26% trong 5 năm trước xuống mức âm trong 9 tháng đầu năm nay.

So sánh với các nước trong khu vực, ông Kiên nhận định khoảng cách tụt hậu của Việt Nam ngày càng doãng ra. "Chúng ta so với ASEAN còn khó mà vượt chưa nói đến còn cao hơn", ông Kiên phát biểu.

Trước đó, trong 26 lượt phát biểu trong buổi sáng, nhiều ý kiến dù đồng tình với báo cáo tích cực của Chính phủ, song cũng nhận định môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn tiềm ẩn rủi ro, như đà phục hồi kinh tế chưa vững chắc, khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chính sách cải thiện môi trường đầu tư còn chậm triển khai, số lượng doanh nghiệp giải thể lớn, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để...

"Kinh tế giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng 6,5%, thấp hơn 5 năm trước cho thấy động lực phát triển đã bão hòa", đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) nhận định.

Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu cho rằng nền kinh tế đang thiếu các động lực mới để phát triển. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam bị đánh giá thấp về thể chế, sự phát triển của thị trường tài chính, khoa học công nghệ... Năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế, nguyên nhân do thiếu hoặc khó tiếp cận các nguồn lực. Trong khoảng 800.000 doanh nghiệp đăng ký chỉ có khoảng 500.000 đang hoạt động, trong khi không có những tập đoàn lớn, đủ sức hội nhập quốc tế.

Liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) đánh giá quá trình này còn chậm, đầu tư dàn trải, thất thoát vốn, cổ phần hóa chưa đạt tiến độ, tỷ lệ bán vốn thấp, chưa đổi mới được quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp... Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò.

Riêng với hệ thống ngân hàng, vị này cho rằng thanh khoản thời gian qua đã được cải thiện, song việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, phần lớn mới được gom tại VAMC chứ chưa xử lý tận gốc. "Nguyên nhân cụ thể đã được chỉ ra từ nhiều năm qua, nhưng chưa có giải pháp quyết liệt, chưa xác định được trách nhiệm cụ thể nên hạn chế còn kéo dài", vị này bình luận.

Nhắc tới câu chuyện thu chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, lĩnh vực nào cũng đề nghị tăng chi công nhưng không ai đề ra giải pháp tăng nguồn thu. Theo ông, ngành thuế, hải quan khá đơn độc trong lĩnh vực này dù đã rất nhiều cố gắng cải thiện mà nợ thuế vẫn ngày một gia tăng. “Chỉ ngành thuế, hải quan thực hiện theo chức năng của mình, còn hệ thống chính trị lại tham gia chưa nhiều. Chính vì vậy mà có quan điểm nên đề nghị bổ sung tội hình sự với một số trường hợp trốn nợ thuế”, ông Phương nói.

Việc thất thu thuế theo ông Phương còn từ việc người dân không lấy hóa đơn khi mua hàng, người bán không xuất hóa đơn hoặc viết hóa đơn giá trị thấp hơn thực tế. Ông tính sơ bộ, mỗi năm một hộ gia đình chi tiêu ít nhất 50 triệu đồng, nếu xây nhà cửa thì có thể là tiền tỷ, nhưng lại không lấy hóa đơn. “Như vậy Nhà nước đã thất thu số thuế rất lớn”, ông đánh giá.

Đại biểu này cũng nhắc tới việc chính sách hoàn thuế, tạm nhập tái xuất bị lợi dụng cũng như việc để cho doanh nghiệp tự in hóa đơn còn nhiều kẽ hở. Bên cạnh đó, theo ông cần xem lại chính sách, doanh nghiệp nợ Nhà nước phải trả lãi chậm nộp nhưng Nhà nước nợ của doanh nghiệp lại không phải trả gì.

Cũng liên quan đến chi tiêu, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng nhìn nhận bộ máy hành chính với số người ăn lương hiện quá lớn, vượt quá sực chịu đựng của ngân sách. Với chủ trương hiện nay, vị này cho rằng khả năng giảm biên chế là rất khó. Do đó, ông đề nghị nên cân nhắc những ý tưởng như sáp nhập các cơ quan hành chính như ở Quảng Ninh hay cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải... "Làm vậy mới có tiền để tăng lương như nghị quyết của Quốc hội", vị này nhận định.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại dành toàn bộ thời gian phát biểu nói về tình trạng sản xuất kinh doanh và phân bón ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, hiện cả nước có khoảng 5.300 loại phân bón nằm trong danh mục, hơn 1.000 loại đã được cấp giấy chuẩn hợp quy và khoảng 1.000 loại khác nằm ngoài danh mục. “Như vậy thị trường có 7.000 loại phân bón. Trong khi ở Thái Lan, nước phát triển về nông nghiệp hơn chúng ta chỉ có 100 chủng loại. Không hiểu tại sao Việt Nam lại nhiều đến vậy”, ông Cương đặt vấn đề.

Theo vị đại biểu này, chính việc số lượng quá nhiều này gây nên tình trạng khó kiểm soát chất lượng phân bón hiện nay. Do đó, những thiệt hại từ nạn phân bón giả, kém chất lượng, đang khiến người nông dân phải gánh chịu những hậu quả rất lớn mà theo ông Cương gọi là “khôn xiết”.

“Những đợt kiểm tra gần đây có phát hiện một nửa loại phân bón không đạt tiêu chuẩn. Nhưng kết quả cuối cùng vẫn được xử lý êm đẹp rồi nông dân cả xã cả tỉnh lại tiếp tục hứng chịu hậu quả. Có công ty bị kiểm tra chất lượng không đạt nhưng vẫn tiếp tục được vận hành. Sau nhiều đợt chỉ bị kiểm tra chỉ bị phạt vi phạm hành chính”, ông Cương nói.

Do đó, vị đại biểu này đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sớm chuẩn hóa, quy hoạch số chủng loại phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được sản xuất kinh doanh theo quy chuẩn này. “Việc kiên quyết phải làm là giúp những người nông dân đáng thương và đáng kính thoát khỏi nạn phân bón giả”, ông Cương nói để khép lại phần thảo luận của mình tại nghị trường.

Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách sẽ được Quốc hội thảo luận trong 2 ngày đầu tháng 11. Ảnh: Giang Huy

Trước đó, báo cáo của Chính phủ ước tính tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua và vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Nhưng tính bình quân 5 năm, chỉ tiêu này chỉ đạt 5,9% mỗi năm, chưa hoàn thành kế hoạch. Quy mô GDP đến cuối năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).

Năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.450 USD, lạm phát dưới 5%, bội chi ngân sách khoảng 4,95% GDP. Bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng GDP mục tiêu 6,5 - 7% mỗi năm.

Nợ công được công bố vẫn trong giới hạn cho phép (65%) nhưng đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn. Đến hết năm nay, dự kiến nợ công khoảng 61,3% GDP. Tỷ lệ của năm 2011 là 50,1%; năm 2012 là 50,8%; năm 2013 là 54,5% và năm ngoái là 59,6%.

Nhìn chung, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, Chính phủ cho biết có thể hoàn thành và vượt 13 chỉ tiêu (có 8 chỉ tiêu vượt), riêng chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch. Với 26 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có tăng trưởng GDP.

Trong báo cáo thẩm tra sau đó, Ủy ban Kinh tế cảnh báo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, cần lưu ý đặc biệt đến chỉ tiêu xuất khẩu. "Các báo cáo hiện nay đều hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới, dự báo xuất khẩu năm 2016 sẽ khó khăn vì vậy, cần đánh giá kỹ hơn về chỉ tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu 5%", cơ quan này khuyến nghị.

Liên quan đến bội chi ngân sách Nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như cắt giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội đầu tư các công trình dịch vụ công chưa lớn sẽ dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội, do vậy việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Song, Chính phủ cần báo cáo rõ tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, bội chi chủ yếu cân đối đầu tư phát triển, xây dựng chi tiết lộ trình giảm bội chi và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Phương Linh - Thanh Lan

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/dong-luc-phat-trien-kinh-te-da-bao-hoa-3305441.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét