Năm nào cũng vay tiền để đảo nợ
Liên tục nhiều năm liền, thu ngân sách không đủ chi, bội chi ngân sách tăng cao. Từ năm 2012 đến nay, năm nào Việt Nam cũng phải đi vay tiền để đảo nợ. Vốn vay năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, nợ công chiếm 61,3% và dự kiến 2016 sẽ là hơn 64%. Trong khi đó, chi cho thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản lại tăng đến chóng mặt. Ngoài việc khó cân đối được nguồn để tăng lương thì giải pháp bù chi cho năm 2015 đang được Chính phủ trình Quốc hội vẫn là “giật gấu vá vai”.ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Thấy cứ giật gấu vá vai mãi thế này thì khổ lắm
Giật gấu vá vai
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ. Ông Lịch cầm trong tay tập tài liệu do Bộ Tài chính chuyển đến mà không biết nghĩ ra từ gì để chia sẻ với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đề xuất của Bộ Tài chính và Chính phủ quyết định trình Quốc hội về phương án sử dụng 10 ngàn tỷ đồng từ vốn các DNNN để bù chi ngân sách 2015.
Về việc này, ĐB Trần Du Lịch bảo: “Xem thế nào chứ thấy Bộ Tài chính cứ giật gấu vá vai thế này thì khổ lắm. Tôi không biết tới đây, ngân sách sẽ cắt của ai, thêm cho ai và lấy đâu ra tiền để tăng lương. Chỉ có cảm giác, có cái gì đó không ổn trong nguyên tắc chi tài chính của chúng ta”.
ĐB Lịch đặt ra một nghi vấn rằng, dường như phú quý sinh lễ nghĩa. Chúng ta chưa phú quý nên đừng lễ nghĩa lắm làm gì. Vì thế phải cắt bỏ bớt đi những cái không cần thiết. Lâu nay chúng ta chưa hiểu rằng, chi cho xây dựng trụ sở và mua xe công là chi cho tiêu dùng chứ không phải chi cho đầu tư. Do đó ngân sách của chúng ta cứ thế mà thủng. ĐB Trần Du Lịch đề xuất nên lấy tổng chi thường xuyên 2015 làm căn cứ để chi cho 2016. Trong trường hợp thu của 2016 tăng lên thì phần thu tăng đó lấy ra mà trả nợ.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) và ĐB Trần Du Lịch tán đồng việc Chính phủ trình Quốc hội xin lấy 10 ngàn tỷ đồng từ bán vốn DNNN để bù chi ngân sách 2015. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, đó vẫn là giải pháp “giật gấu vá vai” nhưng cực chẳng đã song vấn đề là phải ghi cụ thể cho từng mục chi phải rõ ràng.
Trong khi đó ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lại đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc trước đề nghị này của Chính phủ. Cá nhân ĐB Hùng thì không tán thành đề xuất này của Chính phủ. Vì có rất nhiều cử tri nói với ĐB Hùng rằng, sử dụng số tiền này thì không khác gì ăn mòn đồng vốn đi. Mục đích của việc bán vốn nhà nước từ DN là để chuyển nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn, chứ không phải để tiêu.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015, thu ngân sách Trung ương hụt thu 31 ngàn tỷ đồng. Giải pháp xử lý hụt thu theo đề xuất của ĐB Đỗ Mạnh Hùng là tích cực giải quyết nợ thuế ở các DN.
Thông tin mà báo chí phản ánh từ Bộ Tài chính cung cấp thì số nợ này đang ở mức 76 ngàn tỷ đồng. Nếu trừ đi những khoản bất khả kháng, khó đòi thì vẫn còn trên 30 ngàn tỷ đồng nợ thuế chưa thu được.
Trong số này có khoản thuế của Liên doanh dầu khí Việt Nga nợ 86 triệu USD. Vậy thì phải thu cho bằng được từ số thuế nợ đọng đó để đưa vào bù chi. Việc xử lý dứt điểm nợ đọng thuế không chỉ tăng nguồn thu mà còn thể hiện được kỷ cương, phép nước. Đi cùng với đó là cắt giảm chi những thứ không cần thiết. Trong 9 tháng đầu năm mới cắt giảm chi thường xuyên được 27% như thế là còn thấp.
Vay đảo nợ năm sau gấp đôi năm trước
Đề cập đến nợ công, ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, tâm ý lo lắng trong nhân dân vẫn đang rất phổ biến. Nợ công tăng nhanh theo từng năm. Năm 2010 tăng 2,1% so với năm 2009. Các năm tiếp theo năm nào cũng tăng và tăng cao. Sức ép trả nợ ngày càng tăng, bắt đầu từ 2012 chúng ta đã phải vay tiền để đảo nợ. Số tiền vay nợ mới để trả nợ cũ ngày càng tăng lên. Năm 2014 là 70 ngàn tỷ, năm 2015 gần như là gấp đôi số đó để đảo nợ.
Đồng thời việc sử dụng ngân sách để trả nợ công, theo thông lệ quốc tế thì dưới 25% là an toàn, trong khi đó, chúng ta đã dành đến 31,9% tổng thu ngân sách để trả nợ công. Đó là những con số rất đáng báo động, lo ngại, không an tâm.
Tiếp mạch lo lắng về tình hình thu, chi ngân sách đang ở mức báo động, ĐB Trần Văn (Cà Mau) bấm nút đăng đàn vào thẳng vấn đề, nợ công nước ta 5 năm qua tăng bình quân 20%/năm. Từ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng từ 2011 lên 2,17 triệu tỷ đồng năm 2015.
Từ 2013 lại nay không cân đối được nguồn để trả lãi và nợ gốc. Số nợ vay thêm để đảo nợ đang có xu hướng tăng lên rất nhiều. Nếu như năm 2013 lần đầu tiên chúng ta vay 40 ngàn tỷ đồng để đảo nợ thì năm 2014 là 70 ngàn tỷ và số đó năm 2015 là 125 ngàn tỷ. Từ những con số này, không thể không nói đến sự bất an của nhân dân và chính chúng ta.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chỉ ra con số cụ thể về số nợ riêng Chính phủ đang “gánh” hiện nay gần đạt “đỉnh” cho phép của Quốc hội. Cụ thể, bình quân mỗi năm Chính phủ vay 200 ngàn tỷ đồng, 5 năm là 1 triệu tỷ, cộng với 330 ngàn tỷ đồng của phát hành trái phiếu nữa thì con số nợ mà Chính phủ đang có là 1,3 triệu tỷ đồng (bằng 48% GDP).
Còn ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) thì đề nghị Chính phủ phải chấp hành nghiêm túc các quy định mà Bộ luật Lao động đã ban hành. Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Vì thế, ĐB Đặng Ngọc Tùng một lần nữa kiến nghị Chính phủ phải sớm tăng lương cho người lao động trong năm 2016. “Nếu đầu năm không tăng được thì giữa năm 2016 nhất quyết phải tăng lương cho người lao động” – ĐB Đặng Ngọc Tùng quả quyết đề nghị.
Có thể nói, tình hình kinh tế đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những tác động lớn từ ngoại cảnh như giá dầu thô thế giới giảm, biển Đông nóng lên… thì nguyên nhân được các ĐBQH chỉ ra là do chúng ta. Phát biểu kết thúc hai ngày thảo luận tình hình KT – XH, thu chi ngân sách năm 2015, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành các giải pháp mà ĐBQH đề nghị, trong đó đáng chú ý là giữ bội chi ngân sách trong các năm 2016, 2017 như 2015 để lấy khoản tăng GDP trong hai năm đó làm vốn cho việc chi trả nợ.
Theo Nông nghiệp VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét