Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) – Giản Tư Trung:
Khi trong lương tri có Tổ quốc
Dư luận vẫn đang xôn xao về việc bổ nhiệm nhân tài trẻ ở Quảng Nam và việc Đà Nẵng khởi kiện nhân tài đi du học bằng ngân sách nhưng không về. Phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng đã có cuộc trò chuyện với ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo Dục (IRED) và là người sáng lập Trường Doanh nhân PACE xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa ông, vừa qua dư luận ồn ào về quy trình tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở Nội vụ 30 tuổi. Ngoài ra, một sự việc khác cũng gây chú ý không kém là thành phố Đã Nẵng khởi kiện nhân tài đi du học bằng tiền ngân sách nhưng không về làm việc. Ông có thể phân tích hai vấn đề này?
- Ông Giản Tư Trung: Về sự kiện tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi, tôi cho rằng phải nhìn nhận sự việc ở hai góc độ, đó là: quản trị và chính trị. Ở góc độ quản trị thuần tuý, việc bổ nhiệm một cá nhân trẻ hay già không cần bàn cãi, miễn người được bổ nhiệm có tài, có khả năng, đủ phẩm chất làm công việc được bổ nhiệm. Ở nhiều nước vẫn có những bộ trưởng được bổ nhiệm ở tuổi 27, 28. Những người ủng hộ tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm vị lãnh đạo này chắc hẳn họ đứng ở góc độ quản trị.
Ở góc độ chính trị, trong các quốc gia phát triển, nguyên tắc bổ nhiệm trong chính trị và quản trị rất gần nhau. Ví dụ ở Mỹ, ông Kennedy làm tổng thống ở tuổi 44 và không ít vị tổng thống khác cũng nắm quyền tổng thống khi tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm chính trường chưa hẳn là nhiều.
Nhưng ở Việt Nam đây là hai vấn đề khá tách biệt. Ngay những công ty nhà nước nếu có tổng giám đốc tuổi 30 là một vấn đề lớn chứ chưa nói đến trong bộ máy quyền lực nhà nước hay cơ quan công quyền. Vấn đề bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam cũng nằm trong yếu tố này, chưa kể còn có những vấn đề ở mức sâu xa hơn và nhạy cảm nữa.
Căn nguyên của câu chuyện là việc bổ nhiệm của chúng ta không dựa vào tài, đức mà theo quy trình. Quy trình như thế nào một người 30 tuổi không thể làm vị trí này. Xa hơn nữa là thể chế. Nên nhìn thể chế ở góc độ quản trị chứ không phải chính trị. Tức là xây dựng quốc gia dựa trên góc độ quản trị có tính khoa học chứ không dựa trên góc độ chính trị trong đó tính khoa học quản trị hạn chế.
Vấn đề Đà Nẵng kiện nhân tài thì cần nhìn nhận ở hai góc độ là: pháp luật và quy luật. Ở góc độ pháp luật, khi ứng viên được đi học bằng tiền của ngân sách thì thường phải có cam kết, mà một khi đã có cam kết thì cần phải thực hiện cam kết, đó là lẽ đương nhiên. Có thể xem cam kết mà ứng viên ký với cơ quan nhà nước khi đi học bằng tiền ngân sách như là một hợp đồng dân sự giữa nhà nước và cá nhân. Một khi đã ký kết hợp đồng thì phải tuân thủ hợp đồng mà mình đã ký, đó cũng là lẽ đương nhiên. Nếu vi phạm phải bồi thường, cứ theo luật mà làm, không cần ồn ào, không cần bàn cãi. Nhưng vấn đề lớn hơn là người được đi học bằng tiền của ngân sách có xem đây là thoả ước dân sự hay cứ ký cho vui, còn có thực hiện cam kết hay không thì tính sau.
Ở góc độ quy luật, những người đi học không về cũng là chuyện bình thường, bởi lẽ ở đâu “đất lành thì chim sẽ đậu”. Vấn đề là khi hai bên kí kết với nhau có nghĩ đến, có tôn trọng và có dựa theo quy luật thị trường lao động không. Nếu ký một thoả thuận không tôn trọng quy luật của thị trường, thoả thuận này cũng khó thực thi được, mà nếu thực thi được thì cũng gây ra hậu quả cho các bên liên quan. Tôi cho rằng vấn đề này không nên đứng về phía Đà Nẵng hay phía người đi học mà nên đứng về phía pháp luật và quy luật.
- Thưa ông, từ hai vấn đề này có ý kiến cho rằng việc người trẻ làm lãnh đạo đang bị ném đá không thương tiếc cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc người tài được đi học cũng không muốn về - một biểu hiện của chảy máu chất xám? Ông nghĩ sao?
- Trước hết cần làm rõ rằng, chuyện đi học mà không muốn về cũng là chuyện bình thường. Bởi lẽ, con người ta ai có quyền làm những gì mình muốn, ở bất kỳ đâu, miễn là việc đó không làm phương hại đến ai, không trái luật, cũng không trái đạo. Những người đi học nước ngoài rồi ở lại không trái pháp lý và cũng chẳng trái đạo lý. Chẳng có pháp lý hay đạo lý nào cấm người ta tự do lựa chọn nơi sinh sống và làm việc cả.
Nếu nói chảy máu chất xám thì nghe có vẻ tức tối và mất mát. Tại sao có nhiều quốc gia họ hội tụ được rất nhiều nhân tài, nhiều quốc gia lại không. Một công ty không thu hút được người tài thì không thể trách người tài mà phải trách công ty đó hay trách người lãnh đạo công ty đó chứ. Một quốc gia mà người tài không về hay người tài không tới thì không hẳn là do người tài mà do quốc gia hay người quản trị quốc gia chứ.
Sự việc ở Quảng Nam và Đà Nẵng chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng cũng có liên quan ít nhiều. Nhìn chung trong cơ chế của Việt Nam hiện nay, việc bổ nhiệm người trẻ trong hệ thống nhà nước là điều khá bất thường. Do vậy, nếu người tài đi học về nước mà không được trọng dụng thì về để làm gì, và nếu được trọng dụng sẽ có nguy cơ bị ném đá thì cũng thui chột đi.
Tóm lại, tôi cho rằng, không nên đổ lỗi cho người đi không về hay người ngoài không tới, mà nên đổ lỗi cho cơ chế quản trị chưa tạo ra sức hút cho người tài. Còn nếu có trách người đi không về thì chỉ trách ở góc độ là tại sao họ đã ký cam kết mà không thực hiện cam kết. Như thế là vi phạm hợp đồng, mà nếu có bị kiện cũng là chuyện bình thường. Điều này thuần túy là khía cạnh pháp lý, chứ không nên quy chụp vào việc yêu nước hay không yêu nước, vào chuyện chảy máu chất xám. Bản thân mỗi người, nếu trong lòng họ có tổ quốc thì dù ở đâu, làm gì thì họ cũng sẽ hướng về quê hương và đau đáu về đất mẹ.
- Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Theo ông, khi hiền tài không về thì ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của đất nước trong những năm tới?
- Cần xem lại quan điểm về vai trò của hiền tài. Ở mọi xã hội và trong mọi thời đại, hiền tài rất quan trọng. Nhưng trong xã hội văn minh, không chỉ hiền tài là nguyên khí quốc gia, mà mỗi người đều là nguyên khí. Trong những xã hội có quá nhiều vấn đề, người khôn ngoan sẽ bớt nhìn vào những chỗ tuyệt vọng, mà sẽ luôn hy vọng và nơi nhiều hy vọng nhất trong cuộc đời này là chính bản thân mình.
Chuyện người tài chưa về hay chưa tới không có gì sai. Chúng ta cần quản trị xã hội dựa trên nền tảng của quyền tự do cá nhân và quy luật của thị trường lao động, chứ không nên dựa trên tư tưởng yêu quê hương, hay quyền lực để kéo người tài về.
Việc một đất nước trông cậy vào hiền tài là không sai, nhưng không đủ, mà phải trông cậy vào tất cả các cá nhân trong xã hội đó. Tất nhiên, những hiền tài làm được nhiều việc hơn và chắc chắn họ cũng được hưởng nhiều hơn. Điều hiển nhiên chỗ nào quy tụ được nhiều hiền tài chỗ đó sẽ phát triển, nơi nào không quy tụ được thì nơi đó sẽ dần lụn bại.
- Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng người đi thì không về, còn người ngoài không tới, thưa ông?
- Tôi cho rằng có 3 yếu tố cơ bản để thu hút hiền tài. Thứ nhất, chính sách đãi ngộ. Thứ hai là chiến lược phát triển và cơ hội thăng tiến. Thứ ba là cơ chế quản lý và môi trường làm việc để bảo vệ được các giá trị con người.
Trong ba yếu tố này, vấn đề đãi ngộ có thể giải quyết dễ dàng nhưng ở nước ta chế độ đãi ngộ chưa cao, nhất là trong hệ thống nhà nước. Còn cơ hội phát triển phải tuân theo quy trình. Mà quy trình thì chứa đựng nhiều điều chưa hợp lý, đó là chưa kể việc thực hiện quy trình cũng có vấn đề. Về yếu tố thứ 3, nơi làm việc phải giữ được các giá trị con người e rằng hơi khó.
- Ông nghĩ sao khi có nhiều hiền tài cho rằng, vấn đề không phải là đãi ngộ vì thực tế có nhiều cá nhân sau thời gian học ở nước ngoài vẫn cống hiến nhiệt tình cho đất nước với đồng lương ba cọc ba đồng. Cái họ cần là một môi trường làm việc để thăng hoa, phát huy ý tưởng dám nghĩ, dám làm…?
- Tuỳ lựa chọn của mỗi người, việc hy sinh đãi ngộ có thể có, mặc dù điều này không nhiều, không phổ biến. Điều này cũng bình thường, không có gì lạ, nếu gia đình có điều kiện. Nhưng với hiền tài thực sự, họ khó mà hy sinh yếu tố thứ 2 (cơ hội phát triển) và việc họ hy sinh yếu tố thứ 3 (giá trị con người) là điều không tưởng.
Việc hiền tài cần một môi trường làm việc để thăng hoa, phát huy ý tưởng dám nghĩ, dám làm, thoả niềm đam mê, tôi cho rằng nó liên quan đến hai yếu tố cơ chế quản trị và nhà lãnh đạo. Nếu thiếu một trong hai cái này đều không được.
Chúng ta không ai phủ nhận nước Mỹ là siêu cường số 1 thế giới. Nhưng có ai đặt câu hỏi “những người cha sáng lập” (founding fathers) của nước Mỹ đã có giấc mơ gì cho nước Mỹ. Rất bất ngờ rằng câu trả lời không phải là giấc mơ cường quốc số 1 thế giới, mà là giấc mơ biến nước Mỹ thành một nơi mà ở đó, bất cứ ai cũng có thể thành công nếu có tài năng và lao động cật lực. Khi cơ chế vận hành quốc gia giúp cho tất cả những người có tài năng và lao động cật lực đều có cơ hội được thành công thì việc quốc gia trở thành siêu cường số 1 cũng là điều hiển nhiên, vì đó chỉ là hệ quả.
Về yếu tố lãnh đạo, nhà lãnh đạo có thể làm mất một cơ chế tiến bộ sẵn có. Nhưng cũng có thể tạo ra một cơ chế tiến bộ thay những cơ chế hủ lậu. Cơ chế (dù tốt hay tệ) cũng đều do con người (lãnh đạo) tạo ra chứ cơ chế hay thể chế không phải là thứ trên trời rớt xuống. Do vậy, trách cơ chế hay trách thể chế thực chất cũng là trách người lãnh đạo.
Nên có chính sách đầu tư sáng suốt
- Thưa ông, nhiều người tài sau thời gian làm việc và lao động ở nước ngoài không muốn về nước. Họ đang bị gán cho tội không yêu nước. Quan điểm của ông ra sao?
- Tôi nghĩ không nên đổ tội này cho họ và cần phải hiểu rõ về trách nhiệm công dân. Một người có trách nhiệm công dân thì tổ quốc luôn ở trong lòng họ. Khi trong lòng họ có tổ quốc thì những gì họ làm đúng với con người họ thì cũng sẽ tốt cho đất nước. Một con người tự do thì họ sẽ không thể hiện trách nhiệm với đất nước vì lời kêu gọi của ai đó, mà họ sẽ hành động theo “tiếng lòng” của họ. Vì con người tự do luôn sống đúng với con người của mình, đúng với lương tri của mình. Một khi trong lương tri có tổ quốc, có đất nước thì tự thân những gì họ làm cũng sẽ thể hiện tình cảm và tâm huyết với đất nước.
Tôi cho rằng, cách thể hiện lòng yêu nước tốt nhất là cống hiến cho xã hội một con người tử tế, một cuộc đời tử tế, cụ thể là sống hết mình, làm đúng và làm tốt công việc của mình. Nếu lớn hơn thì cống hiến cho xã hội một gia đình tử tế, lớn hơn nữa là cống hiến cho xã hội một tổ chức tử tế… Nếu ai cũng nghĩ và làm như vậy, nếu gia đình nào cũng nghĩ và làm như vậy, nếu tổ chức nào cũng nghĩ và làm như vậy thì lý gì mà xã hội đó, quốc gia đó lại không văn minh!
- Hiện nay, nhiều địa phương có chính sách đầu tư cho người tài đi học nước ngoài. Ông có cho rằng thay vì đầu tư phát triển hiền tài nên có cơ chế thu hút hiền tài, rải thảm cho nhân tài về quê?
- Tôi nghĩ vấn đề đầu tư phát triển hay cơ chế thu hút chỉ là kĩ thuật nhất thời. Nếu thực tâm phát triển phải đưa ra hệ thống quản trị dành cơ hội cho người có tài, tận lực. Cơ chế sẽ tự đào thải những người không có hai yếu tố này.
- Ông có thừa nhận rằng trong những năm gần đây, việc đối đãi với người tài cũng được chú trọng hơn?
- Mặc dù có nhưng tôi thấy đây vẫn là một vấn đề mang tính hình thức vì lâu lâu mới loé lên một lần. Nếu bản chất và thực chất thì cần phải làm có hệ thống từ trên xuống dưới, phổ biến rộng rãi ở khắp nơi.
- Ông có thể lý giải tại sao ngày càng nhiều cá nhân ra nước ngoài du học, có trình độ đều không muốn quay lại nơi sinh ra để cống hiến?
- Tôi cho rằng nguyên nhân dẫn tới điều này chỉ nằm ở vài vấn đề. Thứ nhất, họ không hình dung được cái đích đến và chiến lược phát triển nơi họ làm việc. Thứ hai là họ không thấy cơ chế để hiện thực hoá điều đó. Người tài phải thấy được chiến lược phát triển, thấy được cơ chế và thấy được cá nhân mình trong chiến lược và cơ chế đó như thế nào. Sau đó mới tính đến những vấn đề như: chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển và bảo vệ giá trị.
Ông Giản Tư Trung trong chương trình Leader Talk chủ đề Khát vọng Doanh Trí Việt tháng 5/2015 tại Tân Thuận. |
- Đa số các địa phương hiện nay đều có chính sách cho người tài đi học bằng tiền thuế của nhân dân, theo ông có nên tiếp tục cơ chế này?
- Tôi nghĩ tất cả những chính sách này đều tốt. Đặc biệt trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay càng nhiều cá nhân được ra nước ngoài học tập rất tốt và nên tiếp tục. Có nhiều người được ăn học đàng hoàng là điều vui.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận lại vấn đề lấy tiền thuế của người dân để thực hiện chính sách này. Nếu lấy tiền thuế của người dân đầu tư cho đi học phải có hợp đồng đàng hoàng, sòng phẳng và cẩn trọng. Trong vấn đề này các địa phương không nên xem mình là đơn vị nhà nước mà như một đơn vị tuyển dụng lao động và những cá nhân được nhận tiền đó đi học có cam kết với nhà tuyển dụng. Những cam kết dân sự này phải tuân theo pháp luật và quy luật. Nếu người được đi học thấy pháp lý trái quy luật có thể không ký cam kết và đi học tự túc. Việc đi học và trở về công tác là hợp đồng lao động thuộc quy luật thị trường. Ký kết này phải thực hiện sòng phẳng đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Người được nhận tiền đi học không nên nghĩ đây là tiền chùa mà là tiền thuế của nhân dân. Khi được sử dụng đồng tiền đó phải thực hiện hợp đồng, nghĩa vụ đã kí kết trước đó. Một khi đã ký cam kết mà không thực hiện thì có thể sẽ bị kiện và bị phạt bồi thường cũng là chuyện bình thường.
- Không nói tới chuyện hiền tài đi học nước ngoài, nhiều địa phương hiện đang duy trì chính sách cử tuyển trong giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhưng có một thực tế trái ngược sau một thời gian những đối tượng thuộc diện này không muốn về làm việc cho địa phương như cam kết trước đó. Một trong những lý do họ đưa ra là môi trường làm việc không hợp, vị trí không xứng đáng. Ông có cho rằng trong trường hợp này địa phương cũng nên xem lại việc kí kết trước đó với những người được đi học?
- Tôi nghĩ vấn đề này cần làm rõ trước khi kí kết. Địa phương bỏ ngân sách cho đi học, nếu người đi học có các yêu sách về đãi ngộ, chức vụ nếu thấy phù hợp có thể đưa vào hợp đồng. Đừng nghĩ đây là vấn đề giữa nhà nước với người dân mà là mối quan hệ giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Mọi thứ sẽ được giải quyết nhẹ nhàng, và bản chất là một dạng hợp đồng.
Nếu tâm thế của người đi học là cứ lấy tiền đi học, mọi thứ tính sau là không công bằng, mặc dù chuyện họ được học tiếp hay ở lại là không sai. Nhưng không được lấy chuyện này để biện minh cho chuyện khác.
Trở lại vấn đề của Đà Nẵng kiện các học viên, ở đây không nên lên án phía Đà Nẵng hoặc phía học viên. Cái lên án là một hợp đồng hở, không chặt chẽ, họ kí với nhau nhưng hai bên không ý thức rõ về cái mà mình ký, cũng như chưa làm rõ mình muốn gì và cần phải ràng buộc nhau chặt chẽ như thế nào.
Cả hai bên ký kết là người lớn, nên chắc chắn đều không khó để hiểu rõ bản chất của vấn đề nếu muốn. Cũng không thể nói khi ký thì chưa ý thức hết mọi thứ, sau mấy năm thì mọi thứ đã khác nhiều. Có những văn bản được ký cách đây cả một trăm năm vẫn không lạc hậu tại sao chỉ một vài năm đã lạc hậu?
Tinh thần “thượng tôn pháp luật” là không sai và việc những người không về mà ở lại cũng không sai. Ở đây hai bên không nên bảo vệ mình bằng những lý lẽ không phù hợp, mà nên quay về với bản chất của vấn đề.
Cũng không nên nói những người được đi học bằng tiền thuế của người dân nên phải có trách nhiệm với người dân. Chính xác là những học viên này phải có trách nhiệm với nội dung ký kết. Nếu nghĩa vụ của họ quá nhỏ so với số tiền họ được nhận, lỗi này thuộc về người soạn thảo hợp đồng (địa phương) đại diện cho người dân. Bản chất việc địa phương đầu tư cho đi học là chính sách không sai, nhưng nên làm theo cách khôn ngoan hơn, không nên đầu tư bừa bãi. Nên tuyển dụng những người đang làm có năng lực hay có tiềm năng cho đi học bằng cách ràng buộc nghĩa vụ không phải làm bao nhiêu năm mà làm được chuyện gì. Tức là có nên bỏ đồng tiền này ra và bỏ cho ai, điều này nằm trong chiến lược phát triển của địa phương này.
Nên trẻ hoá hiền tài hơn là trẻ hoá lãnh đạo
- Quan điểm của ông về hiền tài như thế nào?
- Tôi cho rằng có ba loại nhân tài: nhân tài chuyên môn, nhân tài lãnh đạo (kết nối những người chuyên môn lại) và nhân tài tổng hợp - những cá nhân có cái nhìn tổng thể về xã hội có thể chạm tới chân giá trị của mọi vấn đề (thường là những nhà văn hóa lớn).
- Theo ông việc một giám đốc 30 tuổi bị bàn tán và người tài đi học không về ảnh hưởng như thế nào đến chính sách trẻ hoá lãnh đạo của nước ta hiện nay?
- Có lẽ chúng ta nên thay khái niệm “trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo” bằng “hiền tài hoá đội ngũ lãnh đạo”. Tức là đưa những người hiền tài và đủ sức khỏe vào bộ máy nhà nước, mà không quan tâm đến chuyện trẻ hay già. Nhưng với cơ chế như hiện nay chuyện này khó mà xảy ra được. Cái lớn nhất là điều chỉnh mô hình và cơ chế quản trị quốc gia, tất nhiên điều này không thể điều chỉnh một lúc mà phải từng bước.
Ở hai vấn đề này, một bên nếu về sẽ không bổ nhiệm được. Nhưng nếu không về sẽ bị quy kết không yêu nước, không muốn cống hiến. Tôi cho rằng việc một giám đốc 30 tuổi bị bàn tán không phải vì anh này trẻ mà là quy trình và là câu chuyện khác vì cứ theo quy trình máy móc thì hiền tài cũng khó lọt được vào chứ không phải là người trẻ.
Chưa kể, nhiều người xem cái ghế lãnh đạo là bổng lộc, được hưởng, được ban cho chứ không phải bổn phận hay trách nhiệm. Hiền tài hoá lãnh đạo không nên căn cứ vào trẻ hay già. Nhưng chúng ta khó hiền tài hoá được lãnh đạo nếu không có chính sách đãi ngộ, môi trường phát triển và bảo vệ giá trị.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Trần Huyền Lê (thực hiện)
http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Khi-trong-luong-tri-co-To-quoc-371384/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét