Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Thế kỷ châu Á ngắn ngủi?

Thế kỷ châu Á ngắn ngủi?
Có lẽ, câu chuyện có triển vọng nhất là của Nhật Bản. Sau hai thập niên, cuối cùng nước này đã bắt đầu đảo ngược lại sự trì trệ chính sách cố hữu. Những thói quen cũ trong việc ưu ái ngành nông nghiệp, năng lượng điện, và các khu vực kinh tế khác đang bị loại bỏ. Với cách tiếp cận táo bạo của mình, Abe đã trở thành một kiểu mẫu cho các nhà lãnh đạo khác tại châu Á nói chung – cũng như tại Trung Quốc nói riêng. Sự táo bạo như thế là điều cần thiết nếu chúng ta muốn “thế kỷ châu Á” tồn tại một cách lâu dài.

Nhà sử học Mác-xít người Anh Eric Hobsbawm đã từng gọi giai đoạn từ Cách mạng Pháp năm 1789 đến sự bùng nổ Thế chiến I năm 1914 là một “thế kỷ dài”. Hơn một thập niên trước, người ta bắt đầu nói về một “thế kỷ châu Á”. Ý tưởng này được đưa ra dựa trên thực tế về một Trung Quốc phát triển không ngừng và được củng cố thêm bởi giả thiết về sự suy yếu không thể tránh khỏi của Mỹ. Tuy nhiên, với tình trạng bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc, sự lúng túng của các “con hổ” Đông Á khác như Malaysia và Thái Lan, và ngay cả Singapore cũng đang đối mặt với các câu hỏi về khả năng tồn tại của mô hình kinh tế của mình, thì liệu có phải “thế kỷ châu Á” đang đi đến một cái kết sớm hơn dự kiến?

Các vấn đề kinh tế và chính trị tồn tại ở mọi nơi trong khu vực, từ đông sang tây. Tại Ấn Độ và Indonesia, những hi vọng về một làn sóng mới của những cải cách kinh tế tại mỗi nước sau khi Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joko Widodo được bầu lên đã tan thành cát bụi. Tương tự, tại Hàn Quốc, hai vị tổng thống kế tiếp nhau đã thất bại trong việc theo đuổi những lời hứa táo bạo của họ trong việc kiềm chế các chaebol – các tập đoàn gia đình khổng lồ tại nước này – nhằm giải phóng tiềm năng kinh doanh của các doanh nghiệp khác. Tại Nhật Bản, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện những cải cách sâu rộng, các cải cách nay vẫn chưa kích hoạt được sự năng động của nền kinh tế, trong khi đó các nỗ lực đối phó với nguy cơ đến từ tốc độ già hóa dân số nhanh chóng thậm chí vẫn chưa được bắt đầu.

Ngoài ra còn có rất nhiều thách thức nghiêm trọng về an ninh và chính trị tại châu Á, bao gồm sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, những dấu hiệu về sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc trong khu vực, và sự rạn nứt của mô hình quản lý “một đất nước, hai hệ thống” tại Hong Kong. Những yêu sách của Trung Quốc đối với những lãnh thổ rộng lớn tại biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như đối với tỉnh Arunchal Pradesh của Ấn Độ, càng tạo ra sự bất ổn. Sau cùng, và có lẽ là vấn đề nguy hiểm nhất, chế độ bị cô lập và thất thường của Bắc Triều Tiên đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết dưới sự lãnh đạo non nớt và bạo lực của Kim Jong-un.

Với sự thiếu vắng các khuôn khổ khu vực chặt chẽ, không ngạc nhiên khi một cấu trúc thay thế đang dần hình thành, với việc Mỹ thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nối kết 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương vào một khu vực thương mại tự do rộng lớn, được điều chỉnh bởi một hệ thống hoàn chỉnh gồm các quy tắc đã được thỏa thuận. Về phần mình, Trung Quốc đang xúc tiến một khu vực thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm, thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á và sáng kiến “Con đường tơ lụa”, để khẳng định vị thế bá quyền khu vực cũng như mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của mình.

Tất cả những bất định này cho thấy những thiếu sót căn bản trong ý tưởng về một thế kỷ châu Á mà cho đến tận gần đây vẫn được che khuất đằng sau tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của khu vực. Thực vậy, các chuỗi sản xuất lớn nối kết các doanh nghiệp giữa các nước mang lại cảm tưởng về một kiến trúc thượng tầng độc đáo của châu Á. Khi mà các nền kinh tế khu vực còn đang thịnh vượng, người ta không thấy cần phải làm rõ – và càng không cần phải giải quyết – các vấn đề mà họ đang phải đối mặt.

Hậu quả của nó là sự trì trệ về chính sách trở thành một vấn đề trọng tâm trong số rất nhiều vấn đề tại các nền kinh tế đang nổi lên của khu vực. Trạng thái li bì này sẽ khó được giải quyết, một phần là do nó bắt nguồn từ chính hệ thống chính quyền của các quốc gia. Ví dụ, mô hình liên bang của Ấn Độ là một cản trở lớn đối với các cải cách, lớn hơn nhiều so với những gì ông Modi dự đoán, khi các chính quyền bang cản trở những biện pháp như cải cách đất đai hay hệ thống thuế bán hàng thống nhất – trong khi cả hai cải cách này đều quan trọng trong việc mang lại cho Ấn Độ khả năng xây dựng một nền kinh tế nội địa thống nhất được củng cố bởi hệ thống cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Việt Nam cũng đối mặt với một vấn đề trì trệ chính sách tương tự do những chia rẽ trong bộ máy lãnh đạo tập thể của đảng cộng sản.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước từ trên xuống giúp Trung Quốc tránh khỏi vấn đề này do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền lực tương đối thống nhất đối với chương trình kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển gần như không được kiểm soát của nền kinh tế này trong những thập niên qua đã tạo ra những thách thức to lớn khác – đó là sự xuống cấp về môi trường ở mức độ chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, mức nợ lớn của chính quyền địa phương và tình trạng tham nhũng trên diện rộng. Các vấn đề này giờ đây đột ngột bùng nổ. Khả năng giải quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không chắc chắn như đã thấy qua sự quản lý rối loạn của đảng đối với cú trượt dốc gần đây trên thị trường chứng khoán.

Người ta không thể thấy rõ mức độ nghiêm trọng của các vấn đề kinh tế mà Trung Quốc đối mặt bởi vì cả quá trình ra quyết định và các thống kê quan trọng vẫn bị che giấu trong bí mật. Điều có thể thấy được là việc chính quyền tìm cách chuyển sang một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng và dịch vụ manh tính bền vững hơn sẽ cần đến những cải cách sâu rộng theo định hướng thị trường. Đây là một sự lựa chọn sống còn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc bởi những cải cách này muốn thành công thì chính phủ phải từ bỏ bớt quyền kiểm soát, điều xung đột trực diện với những mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tăng cường sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với đất nước.

Malaysia và Thái Lan cũng phải đối mặt với một sự lựa chọn gần như mang tính sống còn giữa việc tiếp tục con đường hiện tại của mình – độc đảng dựa trên sắc tộc (one-party ethnocracy) tại Malaysia và chính quyền của quân đội/ giới tinh hoa tại Thái Lan – hay bắt đầu một tiến trình hòa giải chính trị với mục đích đưa số đông những người bị gạt ra bên lề tham gia vào tiến trình chính trị. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia đều không nhìn nhận các lựa chọn mà họ đang đối mặt.

Có lẽ, câu chuyện có triển vọng nhất là của Nhật Bản. Sau hai thập niên, cuối cùng nước này đã bắt đầu đảo ngược lại sự trì trệ chính sách cố hữu. Những thói quen cũ trong việc ưu ái ngành nông nghiệp, năng lượng điện, và các khu vực kinh tế khác đang bị loại bỏ. Tất nhiên, nói chung vẫn còn nhiều điều cần phải thực hiện, nhất là việc phê chuẩn TPP – một hiệp định sẽ nới lỏng nhiều khu vực của nền kinh tế Nhật Bản hơn nữa.

Với cách tiếp cận táo bạo của mình, Abe đã trở thành một kiểu mẫu cho các nhà lãnh đạo khác tại châu Á nói chung – cũng như tại Trung Quốc nói riêng. Sự táo bạo như thế là điều cần thiết nếu chúng ta muốn “thế kỷ châu Á” tồn tại một cách lâu dài.

Nguồn: Yuriko Koike, “The Short Asian Century?”, Project Syndicate, 24/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp



Yuriko Koike, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia, từng là Chủ tịch Đại Hội Đồng của Đảng Dân chủ Tự Do, và hiện là thành viên Quốc hội Nhật Bản.


Copyright: Project Syndicate 2015 – The Short Asian Century?


(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét