'Tội nghiệp Việt Nam!'
Trước khi đọc bài viết Khách Việt phẫn nộ, nhục nhã khi ghé 'Ngôi nhà Việt Nam' tại Expo 2015 ở Milan (Ý), tôi đã nhận được mail của Steven Nguyễn, Việt kiều Mỹ đang du lịch ở Ý cùng mấy người bạn. Trong mail Steven Nguyễn gửi có đoạn: “Dẫn bạn vào gian hàng Việt Nam mà xấu hổ muốn độn thổ vì sự nhếch nhác tùy tiện đến kinh ngạc. Mấy bạn Ý hỏi - Việt Nam là vậy sao? Chỉ biết á khẩu. Có bạn chép miệng - Tội nghiệp Việt Nam - Không biết là thương hại hay chê bai”.
Một "linh vật" được trưng bày tại gian hàng Việt Nam nhưng không ghi xuất xứ,
ý nghĩa và không ai giải thích - Ảnh: Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cung cấp
Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc, giận dữ bởi thói vô trách nhiệm của nhà tổ chức. Càng dễ nổi nóng với cách trả lời đùn đẩy, tại và bị “trớt quớt”, cũng vô trách nhiệm không kém của các đơn vị quản lý. Đúng là “Thầy nào thì trò đó”.Cảm giác của tôi có lẽ đã chai lỳ, không còn giận dữ, chỉ buồn, buồn tê tái. Bởi chuyện này xưa như Trái đất, xảy ra từ mấy chục năm nay. Báo chí cũng đã từng phản ánh, anh em góp ý gay gắt nhưng cứ như “nước đổ đầu vịt và lá môn”, “mèo vẫn hoàn mèo”, đâu vẫn vào đấy. Thậm chí ngày càng tệ hại. Mà nào chỉ có hội chợ thương mại. Hội chợ, triển lãm gì cũng vậy.
Tôi không tin là lãnh đạo không biết. Biết tất, nhưng sợ đụng chạm. Cũng có thể “một mình không chống nổi mafia” nên đành buông xuôi, ngậm miệng, thật ra là an phận. Đem chuông đi đánh xứ người mà toàn mang chuông bể và chuông dỏm thì làm sao bè bạn nể mình được. Những hành động đó, không chỉ làm nhục quốc thể, tổn hại đến hình ảnh quốc gia mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng chủ nhà, xem thường các quốc gia khác và thiếu lòng tự trọng tối thiểu với bản thân.
Trái cây nghèo nàn về chủng loại và trưng bày đơn điệu, không bắt mắt - Ảnh: Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cung cấp
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hụt hẫng khi đến thăm “Ngôi nhà Việt Nam” tại Expo Côn Minh, Trung Quốc năm 1999 với trên trăm quốc gia tham dự. Nước nào cũng chắt lọc tinh hoa, cố giới thiệu cái hay, cái đẹp độc đáo của xứ mình, kể cả các quốc gia nghèo khó như Lào, Campuchia.
Du khách vào Expo để khám phá thế giới thu nhỏ. Từ ấn tượng của Expo, không ít khách đã quyết định du lịch tới những xứ sở mình yêu thích. Tràn ngập tự hào và háo hức, tôi tìm đến "Ngôi nhà Việt Nam" và thất vọng não nề. Chùa Một Cột lợp tôn giả ngói đỏ kệch cỡm. Mấy trái dừa khô lăn lóc, hàng lưu niệm thì “tả pín lù” rẻ tiền… Ngó qua láng giềng là Lào, Thái Lan, Campuchia nước nào cũng tươm tất và hoành tráng. Gian hàng Thái chất cả đống dừa tươi hấp dẫn, hàng lưu niệm đặc Thái, có cả show Alcaza mini để PR… Tối đó về mất ngủ. Những lần sau quen dần chai sạn. Giờ chỉ còn buồn khắc khoải.
Những ai thường ra nước ngoài và tham dự nhiều sự kiện quốc tế có Việt Nam tham gia đều có cảm giác tương tự. Tôi chỉ cảm thấy tự hào và hài lòng với “Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu Việt - Cam” tại Campuchia từ những năm 2002 - 2012. Ban tổ chức đã chở hàng chục tấn thiết bị qua hội chợ thi công, tỏ rõ đẳng cấp “người Sài Gòn”.
Anh em thì nhiệt tình, trong sáng chứ không có chuyện ăn chia như bây giờ. Có lẽ đó là hội chợ duy nhất buộc các đối thủ của Việt Nam ở Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc phải kiêng dè. Còn những hội chợ, triển lãm như Milan vừa rồi thì năm nào chả gặp và hầu như ngành nào cũng có. Ngay cả các hội chợ và triển lãm quốc tế trong nước, gian hàng của cơ quan chủ quản cũng thường luộm thuộm, kém xa gian hàng của khách từ xa đến.
Chừng nào mà việc tổ chức hội chợ, triển lãm còn độc quyền; còn là dịp để chia chác từ phần trăm phết phẩy đến xí phần tham dự như một ân huệ hoặc tham quan miễn phí như hiện nay thì thực trạng sẽ ngày càng tồi tệ. Chừng nào mà chưa có cơ chế giám sát và kiểm tra hiệu quả, cứ ba phải xuề xòa “gì cũng tốt” như hiện nay thì người Việt cứ tiếp tục ngày càng phẫn nộ và nhục nhã. Tiền chùa cũng có sư sãi quản lý, không thể lãng phí và vung vít như vậy. Mất tiền, xót của còn có thể kiếm bù vào chứ mất danh dự, nhục quốc thể thì biết lấy gì bù đắp? Đất nước sẽ ngày càng nghèo nàn lạc hậu bởi còn những con người vô trách nhiệm mà cứ nhởn nhơ hành xử tùy hứng, thách thức dư luận.
Đã đến lúc, phải nghiêm túc đặt trách nhiệm cá nhân cụ thể và xem xét hiệu quả của các hoạt động đối ngoại, từ thương mại, kinh tế đến du lịch, thể thao, văn hóa… Không thể “mạnh ai nấy làm, bạo ai nấy chi” như lâu nay được. Chỉ làm một việc đơn giản - cho đấu thầu công khai việc tổ chức hội chợ, triển lãm theo kinh phí nhà nước và tranh thủ vận động thêm; giám sát nghiêm việc thu chi và có biện pháp chế tài cụ thể. Vấn đề là có dám hi sinh lợi ích nhóm vì quyền lợi của quốc gia hay không?
Tôi lại nghĩ tới Singapore, vừa kỷ niệm 50 năm độc lập. Nửa thế kỷ, từ một đảo vô danh, chỉ bằng 1/460 lần Việt Nam, Singapore vươn vai như Phù Đổng, thành cường quốc dịch vụ kinh tế, được cả thế giới ngưỡng mộ. Còn Việt Nam, giàu có cả lịch sử lẫn tiềm năng vẫn loay hoay với đủ thứ vấn nạn, tự làm bị thương mình. Bao giờ thì người Việt hết phẫn nộ và nhục nhã? Bao giờ thì bạn bè quốc tế hết “Tội nghiệp Việt Nam"?
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét