Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

"Cụm công trình 1.400 tỷ là quá sức với Sơn La"

Đồng tình với TS Doanh; đang ăn mày ngân sách trung ương tới 3.200 tỷ đồng 1 năm, cao hơn cả tổng thu ngân sách trên địa bàn, mà không biết xấu hổ lại còn bày đặt ra cụm công trình nghìn tỷ. Mục đích chi nghìn tỷ để làm gì có lẽ ai cũng biết nhưng không ai muốn nói và dám nói ra. Ở cái đất nước này, đám quan chức rất khôn. Cứ khoác cho các dự án tên của vị thánh là sẽ không mấy ai dám phản đối, vì phản đối là phạm húy, sẽ bị chụp mũ ngay lập tức. Đi về những tỉnh nghèo như Sơn La thấy vô cùng chướng mắt; trong khi người dân đói rách, nhà tranh vách đất thì trụ sở xã, huyện đứng bên nom như cung điện, chưa nói là trụ sở tỉnh.
TS Lê Đăng Doanh: Cụm công trình 1.400 tỷ là quá sức với Sơn La
Với ngân sách tỉnh đang rất khó khăn, số tiền bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương của Sơn La năm 2015 tới hơn 3.200 tỷ thì... việc xây cụm công trình 1.400 tỷ là quá sức.

Theo TS Lê Đăng Doanh, khi ngân sách đang khó khăn thì
 việc xây dựng cụm công trình 1.400 tỷ là quá sức với Sơn La.
Trước thông tin tỉnh Sơn La dự kiến xây dựng cụm công trình “Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao, chia sẻ với PV Infonet, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh tỏ ra không đồng tình với việc xây dựng dự án này.

Theo ông, hiện ngân sách đang hết sức khó khăn, phải sử dụng làm sao cho thật tiết kiệm và hữu ích.
“Tốt nhất Sơn La nên tập trung cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, cầu, đường sá... hơn là việc xây dựng cụm công trình tượng đài Bác Hồ. Theo tôi, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, các cử tri nên họp bàn lại, có thể tạm hoãn hoặc giảm quy mô xây dựng cụm công trình này. Bởi số tiền 1.400 tỷ đồng có thể xây dựng được nhiều trường học, bệnh viện… là những công trình mà người dân Sơn La đang cần hơn”, ông Doanh nói.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia kinh tế này, khi còn sống Bác Hồ cũng không mong muốn được dựng tượng "hoành tráng", thế nên, Sơn La có xây dựng công trình này thì cũng là điều mà Bác Hồ cũng không muốn.

Trên thực tế, 1.400 tỷ là số tiền không nhỏ, bởi theo tìm hiểu của PV Infonet, dự toán thu chi ngân sách của tỉnh Sơn La năm 2015 thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.737 tỷ đồng, nhưng tổng chi cân đối ngân sách địa phương tới hơn 7.000 tỷ đồng. Do đó, số tiền bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương của tỉnh này là hơn 3.200 tỷ đồng.

Trước những con số này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việc xây dựng cụm công trình tượng đài và quảng trường 1.400 tỷ đồng là quá sức với Sơn La. Dựa vào nguồn thu nào để Sơn La có 1.400 tỷ?”.

Cũng theo vị chuyên gia này, Sơn La cần trình dự án với việc cân đối tài chính rõ ràng, đầu tư phải căn cơ hơn. Thậm chí, nếu Sơn La có nói là sử dụng chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa cho công trình này thì cũng nên hết sức tiết kiệm.

“Sơn La không nên lãng phí tiền huy động từ các doanh nghiệp để xây dựng cụm công trình này mà nên tập trung vào các công trình thiết thực hơn mà Sơn La đang rất cần như tôi đã nói, đó là trường học, bệnh viện, cầu, đường…”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Hơn nữa, trên tổng số 62 huyện nghèo trên cả nước thì hiện tỉnh Sơn La có tới 5 huyện thì việc xây dựng cụm công trình với khoản chi khoảng 1.400 tỷ đồng theo ông Doanh là quá lãng phí và chưa cần thiết.

Về vấn đề này, nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - người sáng lập Quỹ "Cơm có thịt" để giúp đỡ trẻ em, học sinh nghèo vùng cao - cũng có ý kiến bình luận: 
"Về dự án 1400 tỷ ở Sơn La: Lãnh đạo tỉnh đã giải thích rằng "Không có chuyện dựng tượng đài 1400 tỷ". Đó là khái toán của dự án xây khu hành chính, khu quảng trường, và Tượng đài, nhà bảo tàng chỉ là một phần của dự án. Theo Lãnh đạo Tỉnh thì dư luận, kể cả báo chí, đã hiểu không đúng, gây ảnh hưởng uy tín Lãnh đạo Sơn La.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội về việc một số địa phương xây quảng trường, Văn miếu... tốn kém, đã cho biết việc xây dựng quảng trường hay các công trình văn hoá như Văn miếu là quyết định của cấp Tỉnh. Chính phủ nói chung không rót vốn cho các công trình này.
Ý kiến của tôi là:
1- Về chuyện hiểu sai: Tỉnh Sơn La nên cách chức ông Phó Giám đốc Sở của tỉnh, vì ông này nói rằng xây tượng đài là tình cảm, không thể "cân đong, đo đếm". Và nói "cá nhân nào nói lãng phí là sai". Như vậy chính lãnh đạo cấp Sở của Tỉnh vẫn nghĩ 1.400 tỷ là xây tượng đài, trách gì "dư luận" và báo chí? Và cũng nhắn thêm với ông ấy: Tình cảm đã không đo đếm được, thì sao lại lấy cái đo đếm được để chứng minh tình cảm?  Bác Hồ biết điều này, Bác vui hay rầu lòng?
2- Bây giờ hiểu đúng: 1400 tỷ là khái toán không phải xây tượng đài, mà là quảng trường, trung tâm hành chính là chủ yếu, và việc này do Tỉnh quyết định, Tỉnh chi tiền (cho dù tiền ngân sách hay xã hội hoá cũng là sức của Tỉnh) - thì cá nhân tôi thấy dù Tỉnh có quyền quyết định, quyền huy động vốn, quyền chi, nhưng cũng chưa phải lúc nghĩ đến, chưa phải lúc thông qua, càng chưa phải lúc chuẩn bị bắt tay vào làm quảng trường và công sở mới.
Tôi và bạn bè đi vùng núi phía Bắc nhiều. Mỗi lần đi đến vùng sâu, thấy còn nhiều cái thiếu thốn quá, rồi quay về thấy trung tâm Tỉnh đó giao thương đổi khác nhiều, nhưng công sở khiêm nhường, thì có thiện cảm. Còn ở nơi thấy trung tâm hành chính Tỉnh hoành tráng, quảng trường mênh mông, mà phố xá thương mại thì đìu hiu (có nơi trâu bò đi dạo ngay trên phố) thì cảm giác buồn và thất vọng không nói lên lời. Nói thật thì lúc ấy nhiệt huyết vơi phân nửa.
Minh Thư
http://infonet.vn/ts-le-dang-doanh-cum-cong-trinh-1400-ty-la-qua-suc-voi-son-la-post170734.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét