Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Xuất xứ bài hát "Kết đoàn"

Xuất xứ bài hát "Kết đoàn"
QĐND - Thứ Sáu, 23/05/2008, “Kết đoàn” là bài hát mà sinh thời Bác Hồ thường cho cả tập thể cùng hát trước khi Bác chia tay một cuộc họp mặt. Còn có một bức ảnh Bác cầm que nhạc trưởng chỉ huy (battre la mesure) cho dàn nhạc hòa tấu bài “Kết đoàn”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và cho đến tận sau hòa bình hàng chục năm, sinh hoạt tập thể nào của bộ đội, các đoàn thể quần chúng, dưới khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, đều hát vang bài “Kết đoàn”. Bài hát được Bác dùng như một lời nhắc nhở đoàn kết và được dùng rộng rãi như vậy, nhưng rất ít người biết tác giả là ai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” tại dạ hội của thanh niên Thủ đô chào mừng thành công Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam và Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (tháng 9-1960). Ảnh tư liệu

Xuất xứ

Lần đầu tiên tôi được đọc văn bản bài hát “Kết đoàn” là ở tập ca khúc in li-tô vào năm 1956, do các thầy đi học Trung cấp Sư phạm Khu học xá Việt Nam ở Quế Lâm, Trung Quốc mang về nước. Chỉ có nhạc và lời tiếng Việt, không ghi tác giả. 

Năm 1967, tôi tình cờ mua ở hiệu sách cũ Hà Nội được một tập nhạc Trung Quốc “Cách mạng quần chúng ca khúc tuyển”, “Đệ nhất tập”, “Thượng Hải nhân dân quảng bá điện đài âm nhạc tổ biên”, “Thượng Hải văn hóa xuất bản xã-1965”. Dịch là: “Tuyển tập ca khúc quần chúng cách mạng-tập I”, “Tổ âm nhạc đài phát thanh nhân dân Thượng Hải biên tập”, “Nhà xuất bản Văn hóa Thượng Hải-1965”.

Trong tập bài hát trên, trang 226 có bài “Đoàn kết tựu thị lực lượng”, “Mục Hồng từ, Lư Túc khúc, Chú: Thử ca tác vu 1943 niên”, viết bằng nhạc số là hình thức kí âm bằng chữ số đặc thù của nhạc Trung Quốc. Ví dụ: nốt Đô ghi là số 1. Rê=2. Mi=3. Pha=4. Sol=5. La=6. Si=7.

Dịch là: “Đoàn kết chính là sức mạnh”-“lời Mục Hồng-nhạc Lư Túc-Ghi chú: Bài ca này sáng tác vào năm 1943”. Lời âm Hán Việt như sau: “Đoàn kết tựu thị lực lượng-Đoàn kết tựu thị lực lượng. Giá lực lượng thị thiết. Giá lực lượng thị cương. Tỷ thiết hoàn ngạnh, tỷ cương hoàn cường. Triều trước Pháp-tây-tư đế khai hỏa, nhượng nhất thiết bất dân chủ đích chế độ tử vong. Hướng trước thái dương, hướng trước tự do, hướng trước tân Trung Quốc phát xuất vạn trượng quang mang”. 

Hát theo âm Trung Quốc như sau: “Thoán chía chiu sư li leng-Thoán chía chiu sư li leng. Trưa li leng sư thỉa, trưa li leng sư cang; pỉ thỉa hái ing, pỉ cang hái txiéng. Tsáo trưa Phả-xi-xư ti khai hủa. Giang y txia pu mín trủ ti trư tu xử oang. Xeng trưa thai yáng, xeng trưa chư yếu xeng trưa xin Trung Cúa pha tsu oang trang quang máng”. Ba câu sau dịch nguyên văn là: “Nhằm vào bọn Phát xít mà bắn, làm cho tất cả các chế độ phản dân chủ phải diệt vong. Hướng về mặt trời, hướng về tự do, hướng về nước Trung Quốc mới đang bừng lên ánh hào quang ngút trời”.

Bản dịch tiếng Việt hồi đó rất hay, phổ quát, nước nào cũng dùng được, không còn màu sắc Trung Quốc nữa:Kết đoàn chúng ta là sức mạnh-Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động, ta đập tan hoang. Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo bừng trong ánh dương, xây đời mới trong dân chủ mới!”.

Bản dịch rất sáng tạo, phù hợp với nội dung cách mạng kháng chiến kiến quốc thời chống Pháp, và ta cứ tưởng là bài hát Việt Nam.

Ai dịch và từ bao giờ?

Chưa rõ. Ai biết và ai là dịch giả, xin lên tiếng để khỏi khuyết danh dịch giả. Điều chắc chắn là, bài hát này truyền vào Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp, tất nhiên là phải sau năm 1943 khi nó ra đời, và trước năm 1949 khi Cách mạng Trung Quốc thành công. Bởi vì trong kháng chiến chống Pháp, ta tiếp thu nhiều kinh nghiệm chiến thuật của bạn thì việc Việt hóa một bài hát của bạn có lợi cho kháng chiến và tư tưởng đoàn kết cũng không có gì lạ. Cũng giống như Tố Hữu đã dịch và được phổ biến bài thơ “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp (Liên Xô), hay bài “Tự do và ái tình” của Pê-tô-phi nước bạn cùng vào thời ấy.

Tóm lại: Bài “Kết đoàn” là bài hát Trung Quốc “Đoàn kết chính là sức mạnh”, lời của Mục Hồng, nhạc của Lư Túc, sáng tác năm 1943; khi truyền sang Việt Nam đã chuyển từ nhạc số sang nhạc khuông, và đã Việt hóa phần lời. Chắt lọc tinh hoa văn hóa quốc tế rồi sáng tạo, dùng lợi cho nước mình một cách kịp thời là cần thiết và đáng trân trọng.

Vũ Quốc Huệ
http://ct.qdnd.vn/cuoituan/vi-vn/91/68/72/72/72/31756/default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét