Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Ông thợ rèn mỗi ngày kiếm lạng vàng

Ông thợ rèn mỗi ngày kiếm lạng vàng
Những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, có một khu phố chuyên làm nghề rèn nông cụ, công cụ sản xuất, chi tiết máy.. phát triển hưng thịnh. Những nghệ nhân ngày ấy mỗi ngày thu nhập rất khá, nếu quy ra thì đến cả lạng vàng.
Chân dung nghệ nhân rèn Nguyễn Thế Lai.
Một thời hưng thịnh…Trải qua mấy thập kỷ, giờ đây tên phố Lò Rèn chỉ còn lại duy nhất 2 hộ bám trụ với nghề. Chúng tôi tìm đến nghệ nhân Nguyễn Thế Lai (67 tuổi), ông là đời thứ 3 nối nghiệp ông cha tại số nhà 30 (phố Lò Rèn – Hoàn Kiếm – Hà Nội).

Tiếp chuyện chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Thế Lai không khỏi xót xa trước những thay đổi của thời cuộc. Nét mặt thoáng buồn khi vừa tiếp chuyện vừa nhìn xa xăm về dãy phố mà gắn bó với ông cha, với cuộc đời ông hàng thế kỷ.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Hàng Bừa, bởi trước kia tất cả các hộ dân trong khu phố đều rèn cày bừa cho nông dân Hà Thành và vùng lân cận. Những chiếc bừa nức tiếng gần xa bởi chỉ có nơi này mới sản xuất ra được những chiếc bừa ngọt, sắc mà đạt hiệu quả cao nhất.


Giờ nổi lửa cũng khá ít trong ngày...

Dần dần, do nhu cầu của người dân thì các nghệ nhân chuyển dần sang rèn rũa những vật cần thiết phục vụ cho cuộc sống như cuốc, liềm, dao, kéo… và từ năm 1945 phố chính thức đổi tên thành phố Lò Rèn.


Nếu trước kia cha ông Nguyễn Thế lai ngày có thể kiếm vài lạng vàng thì nay ông chỉ làm cầm chừng và kiếm được đôi ba trăm ngàn.

Cụ Nguyễn Thế Canh – tức cha của ông Nguyễn Thế Lai là một trong những nghệ nhân có danh trong đất Hà Thành. Những năm 1948 -1949, chiếc xích lô đầu tiên của Hà thành cũng chính ông cụ sáng chế ra. Sản xuất đến đâu, hàng bán hết đến đấy, đó cũng là thời gia đình ông làm ăn hưng thịnh nhất. Thời đó, cụ Canh cùng những người thợ làm việc đêm ngày và thu nhập cũng rất khá – bình quân một ngày có khi được cả vài… lạng vàng là chuyện bình thường.

Rồi cụ Canh cùng hai người bác bí mật rèn súng kíp, giáo, mác cho Tự vệ để tiến hành cướp chính quyền. Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn.

Người làm nghề thợ rèn gian truân và cực nhọc. Chẳng vậy mà chân dung của người thợ rèn đã đi vào thơ ca: “Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/Suốt tám giờ chân than, mặt bụi/Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn”.


Dù vất vả, khổ cực nhưng với ông Lai thì nghề vất vả này đã gắn vào thân, không thể dứt ra được.

Cuộc đời của ông Lai trải qua 67 năm và cũng chừng ấy gắn liền với cực nhọc. Ông nói “Khổ lắm, làm cái nghề này phải chấp nhận, vậy mà giờ đây thu nhập chẳng đáng là bao, một ngày cùng lắm thì một đôi trăm”.

Vừa châm những thanh sắt đỏ rực từ trong lò ra ông vừa nói: “Làm nghề này phải cẩn thận từng chi tiết, từng milimet bởi nếu chỉ cần lệch một chút là hỏng hết. Khi rèn bắt buộc phải có hai người thợ, phó cả và phó hai. Nhiệm vụ của phó cả quan trọng nhất bởi chỉ có phó cả mới nhìn lửa xem đủ nhiệt hay chưa, rồi cho vật rèn đúng chỗ, chỉ chỗ nào cho người phó hai hạ quai búa”.

Với ông, cách nhóm lò, chọn than và cách đặt bếp cũng là một nghệ thuật và tất cả ông muốn mang đến sự chính xác nhất, hoàn thiện nhất.

Sự phối hợp giữa hai người thợ phải hết sức hài hòa. Hiệu lệnh của người phó cả là tiếng búa phụ, bằng mắt, bằng tay… Và người phó hai cứ thế làm theo lệnh – Sự ăn nhập phải chính xác 100% chứ ở nghề rèn không cho phép sai số.

Nhưng dần đi vào dĩ vãng

Mỗi thời mỗi khác, cách đây mấy năm trước thì chiếc máy ép nước mía là sản phẩm mà gia đình ông sản xuất khá nhiều. Nhưng rồi, nhiều cơ sở sản xuất đại trà lại tung ra những mẫu mã đẹp mà giá thành lại rẻ hơn nên khách cũng thưa dần. Thành ra, ông Lai lại sản xuất những dụng cụ đời thường, các dụng cụ cho thợ xây, thợ khoan cắt hay những chi tiết máy móc nào đó.


Nhận rèn lại mũi khoan bê tông cho thợ nề chứ ít sản xuất nông cụ - điều đó cho thấy thời cuộc đã thay đổi.

Khách ít nên mỗi ngày cha con ông chỉ nổi lửa một buổi, thời gian còn lại cha con ngồi trầm ngâm ngắm phố phường lòng đầy xót xa, nuối tiếc.


Số nhà 30 phố Lò Rèn trở nên lạc lõng đến lạ.


Hầu hết các gia đình đã chuyển sang các ngành nghề kinh doanh khác.

Ông Lai năm nay đã bước sang tuổi 67, sau mấy chục năm theo nghề xương cốt ông không còn vững chắc, bệnh tật bắt đầu tìm đến. Nhiều hôm khi đang rèn mà mặt mày cứ xa xẩm lại, mọi vật xoay như chong chóng. Hóa ra, ông bị chứng huyết áp cao, đó còn chưa kể những bệnh về đường hô hấp do suốt ngày phải hít bụi than bởi mỗi lúc rèn xong móc trong mũi ra một cục đen sì.


Rất may, anh Thành lai nối nghiệp cha ông - điều này khiến ông Lai thấy vui mừng nhưng trong lòng luôn sợ anh chuyển nghề vì thời thế, gánh nặng cuộc sống, gia đình...

Anh Nguyễn Tiến Thành, là con trai duy nhất của ông Lai năm nay bước sang tuổi 30 cũng là người nối nghiệp ông cha. Anh Thành trước kia học xong trung cấp điện, chẳng phải duyên nợ thế nào lại quyết định theo cái nghề cực nhọc này.

Gần chục năm vào nghề, nhưng ông Lai nhận thấy ở anh Thành không có niềm đam mê, không có sự yêu nghề và điều đó cũng làm ông buồn phần nào. Ông chia sẽ “Không yêu nghề thì làm sao mà làm tốt được, tôi biết điều đó qua những quai búa…”.

Phố Lò Rèn chỉ dài chừng vài chục mét, số lẻ thì từ số 1 đến 27, số chẵn từ 8 đến 42. Nhưng thời cuộc và do nguồn thu do nghề rèn không đáng là bao nên cả phố Lò Rèn giờ đây chỉ còn lại duy nhất hai gia đình bám trụ nghề. Tất cả đều chuyển sang buôn bán quần áo, inox, cắt tóc – gội đầu, karaoke…

(Theo Trí Thức Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét