Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Bắt "uốn lưỡi" theo quy định thì... sai to!

Xưng hô nơi công sở: Bắt "uốn lưỡi" theo quy định thì... sai to!
Ông cha vẫn có câu “trước khi nói phải uốn lưỡi ít nhất 3 lần”, thậm chí “uốn lưỡi ít nhất 7 lần”. Bây giờ chúng ta lại bắt buộc mọi người làm việc ở công sở “uốn lưỡi theo đúng quy định ở công sở” thì sai to.
Trao đổi với Infonet xoay quanh chuyện nên hay không bỏ xưng hô “chú/cháu, bác/cháu” nơi công sở, PGS.TS Đỗ Đức Định – Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - xã hội lo ngại, nếu văn hóa công sở quy định quá “cứng” thì cải tiến lại thành "cải lùi".


Đối xử tôn trọng hơn là xưng hô

Đón nhận thông tin về chuyện tới đây văn hóa công sở sẽ được bó buộc trong những quy định “cứng” ông có suy nghĩ gì?
Theo tôi, chuẩn mực văn hóa công sở nên có. Từ xưa tới nay văn hóa công sở của chúng ta vẫn ở mức sơ khai, thấp. Khi đất nước đã hội nhập thì văn hóa công sở cũng phải bớt... lạc hậu so với trước đây.
Sự cần thiết thì đã rõ, nhưng mức độ quy định ra sao để có tác dụng tốt, đúng với chuẩn mực của một đất nước vừa thoát nghèo đi lên mới là điều khó. Việt Nam đang ở ngưỡng vừa thoát thu nhập thấp, khởi đầu từ trung bình, và rất dễ tái nghèo. Ở nhiều cơ quan số người làm việc tích cực chỉ chiếm 20-30%, còn số chờ thành tích để được khen thưởng rất đông, tới 80%.
Thay đổi văn hóa công sở trước hết phải xác định nhằm làm gì? Văn hóa giúp công việc tốt lên, hay chỉ là thay đổi hình thức bên ngoài? Đơn cử, đơn vị hành chính, nhất là những bộ phận tiếp dân thì công chức làm ở vị trí này phải đi làm nề nếp, đúng giờ giấc, tác phong ứng xử cũng phải lễ phép.
Trước hết phải xác định sự thay đổi văn hóa công sở phải phù hợp với công việc, người làm dân sự khác, hành chính khác, công an khác, ca sỹ khác.
Bộ Nội Vụ cho rằng cần cấm xưng hô “chú- cháu” nơi công sở. Nếu thay đổi thì thay thế bằng cặp xưng hô nào, thưa ông?
Riêng về xưng hô ở công sở thì rất khó. Ông cha vẫn có câu “trước khi nói phải uốn lưỡi ít nhất 3 lần”, thậm chí “uốn lưỡi ít nhất 7 lần”. Bây giờ chúng ta lại bắt buộc mọi người làm việc ở công sở “uốn lưỡi theo đúng quy định ở công sở” thì sai to.
Trước đây có thời Bác Hồ đưa ra chữ “chiến sĩ gái” rất hay. Nhưng nếu vận dụng “máy móc” cho một hội phụ nữ lại gọi là “hội gái” thì thành dở. Cũng chữ ấy nhưng ai dùng được, dùng ở đâu là phù hợp.
Phải chăng do đại từ xưng hô trong tiếng Việt phong phú, không như tiếng Anh chỉ có 2 đại từ "I" và "You", nên mới có cách xưng hô phức tạp nơi công sở như vậy?
Các thứ tiếng có đại từ “I” và “You”, nhưng tiếng Việt rất phong phú, nếu gọi như vậy rất phản cảm. Bỏ “bác/cô” trong cơ quan, nhưng nếu gọi “tao/mày” thì không được, vì chỉ gọi khi thân thiện/căm ghét vì tiếng Việt có sắc thái biểu cảm đi kèm. Còn tiếng Việt “ông/bà/cô/chú” là trật tự xã hội đã tồn tại hàng nghìn năm, dùng một ngôn ngữ mới thay đổi tư duy ngôn ngữ hàng nghìn năm thì rất khó, phải rất kỹ giống như cắt quần loe, cắt váy dài nhưng có cắt váy ngắn thành dài được không?
Có ý kiến đề xuất gọi “tôi – đồng chí” nhưng từ “đồng chí” không phải từ gốc tiếng Việt trở thành ngôn ngữ giao tiếp phổ biến không được.
Ngay như Nhật Bản, người Nhật bao năm nay họ cũng nghiên cứu cải cách ngôn ngữ nhưng vẫn chưa thực hiện được. Với Việt Nam, vốn văn hóa người Việt là “kính trên nhường dưới”, mọi thứ lễ nghi đã “ngấm” sâu trong tiềm thức, không phải muốn cải cách là cải cách ngay được. 
Ví dụ, trong trường hợp một bạn trẻ vừa ra trường ở độ tuổi ngoài 20, vào làm tại một công sở, gặp người lớn tuổi chừng 55-60, lúc ấy bạn chào bằng “chị/anh” liệu có ổn không? Có đúng với văn hóa xưng hô của người Việt không? Tôi e chắc rằng xưa nay, từ tấm bé đi học, biết đọc, biết viết bạn đã được giáo dục rằng gặp người lớn phải tỏ thái độ lễ phép, ngay cả trong cách xưng hô.
Tiếng Việt không có ngôi chủ - khách chung như ngôn ngữ khác nên rất cần chú ý tới văn hóa trong giao tiếp. Tôi e, nếu làm không khéo thì rất có thể cải tiến sẽ thành cải lùi. Nếu có áp dụng thì phải có thời gian, làm từ từ.
Ông có nghĩa rằng, vì trong công sở xưng hô “chú /cháu, cô/cháu” thì người vế dưới sẽ tự ti, tác động tâm lý và ảnh hưởng đến công việc. Do đó, cần thay đổi cách xưng hô, bỏ “chú/cháu” để tạo vị trí ngang bằng?
Bình đẳng trong công việc là quan trọng. Ngang hàng hay bình đẳng là cách thể hiện với nhau chứ không nên là cách đối xử với nhau.
Không thể phủ nhận lâu nay vẫn tồn tại một thực tế tại các công sở, là người trẻ mới vào sẽ có nhiệm vụ ngày ngày pha nước, quét dọn phòng; trong khi người lớn tuổi thì chỉ có mỗi việc cắp cặp đến sáng chiều… Trong trường hợp buộc phải thay đổi các xưng hô theo quy định từ “chú/cháu” sang “anh/tôi” chẳng hạn, thì việc đổi cách xưng hô liệu sẽ phù hợp hơn? Hay là thay đổi cách nhìn nhận, đối xử tôn trọng đồng nghiệp, coi họ là những người đồng nghiệp có một vị trí tương đối công bằng thực sự sẽ phù hợp hơn?
Tôi cho rằng, trong trường hợp như vậy thì cách đối xử tôn trọng đồng nghiệp mới quan trọng, hơn là việc thay đổi cách xưng hô.
Tương tự, không thể gọi một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến công sở hành chính bằng “chị/tôi” được. Cách xưng hô như vậy trong trường hợp này khó có thể lọt tai người nghe và không phù hợp với văn hóa người Việt.

Phải học nhiều từ văn hóa công sở các nước

Là người đã từng sống, làm việc tại nước ngoài nhiều năm, ông có so sánh gì giữa cách xưng hô nơi công sở của nước ngoài với Việt Nam, thưa ông?
Tôi cho là chúng ta phải học tập rất nhiều từ văn hóa công sở các nước. Như tôi đã nói, về ngôn ngữ, các nước họ dễ hơn ta ở chỗ, thường chỉ có hai ngôi “I” và “You” mang tính khái quát cho người chủ/khách.
Cách đối xử tôn trọng đồng nghiệp mới quan trọng, hơn là việc thay đổi cách xưng hô.
Ảnh minh họa
Còn trong xưng hô, văn hóa công sở của họ thể hiện ở chỗ,  dù dùng “I” và “You” nhưng thái độ ứng xử với nhau rất thân thiện, nhã nhặn, không có kiểu tỏ thái độ coi thường đồng nghiệp.
Việt Nam ngược lại, công chức trong công sở Việt Nam, ở bộ phận hành chính tiếp dân chẳng hạn, thường có thái độ cách biệt với dân, trịch thượng, không tôn trọng người dân.
Ở các công ty nước ngoài, hay ngay tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam họ cũng tạo một phong cách văn hóa công sở khá “mở”, phóng khoáng nhằm kích thích cao nhất sức sáng tạo của người lao động. Theo ông, khi đưa ra những quy định một cách bắt buộc, “cứng” vào văn hóa công sở có là lực cản sự sáng tạo của người lao động?
Đúng vậy, với chúng ta xưa nay sáng tạo vẫn là trở ngại rất lớn. Năng suất lao động cao từ đâu? Chính là từ sáng tạo. Đã có một nghiên cứu về tỷ lệ thành công trong công việc của các sinh viên từng có thành tích học tập xuất sắc. Kết quả, từ 70-80% sinh viên xuất sắc trước đây giờ làm việc ở mức độ bình thường, khoảng 20% phát huy được ở mức tương đối cao, nhưng 0% có năng lực sáng tạo. Con số này nói lên điều gì? Câu trả lời là, công sở Việt Nam quá khắt khe với những người có khả năng sáng tạo.
Tôi đã đi được khoảng 40-50 nước làm việc, giảng dạy, tôi thấy cách làm của người Ấn Độ cho đến người Mỹ, Thụy Điển, Trung Quốc rất sáng tạo, nên mới họ làm ra nhiều sản phẩm sáng tạo mà cả thế giới cũng phải nể phục.
Trong lúc cần khuyến khích sự sáng tạo, trong lúc đất nước chúng ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu mà lại o ép, bắt làm một bộ phận người lao động phải làm theo một khuôn mẫu, tôi e rằng sẽ làm thui chột sự sáng tạo.
Xin cảm ơn ông!


Nguyễn Hoài (thực hiện

2 nhận xét:

  1. cuoi cung thi ong TS giay nay cung chi chem gio chu khong dua ra duoc cach xung ho noi cong so the nao.Hoi cac ngai chang phai mat cong hoc o dau ---hay hoc cach ung xu noi cong so cua CHE DO MIEN NAM truoc kia la chuan nhat.

    Trả lờiXóa
  2. Gốc và ngọn!
    Đơn giản thôi , nếu một chính phủ được bầu từ dân,nó sẽ phục vụ dân. Còn công chức được bổ nhiệm từ quan trên, nó sẽ chỉ phục vụ quan trên. mọi cải cách theo kiểu này chỉ là cải lương và làm trò mà thôi. Bạn hãy thử trồng một gốc bầu và mơ hái mướp thì sẽ hiểu ngay thôi.

    Trả lờiXóa