Ðường cao tốc 9,000 tỷ trở thành ‘con đường tử thần’
HÀ NỘI (NV) - Nhiều tài xế xe đò chạy các tuyến từ Hà Nội đến Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... gọi đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình là “con đường tử thần.” Trò chuyện với tờ Ðất Việt tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội, các tài xế cho biết, tuy đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình cho phép chạy từ 60-100 km/h nhưng vì mặt đường hư hỏng, nguy hiểm nên họ phải giảm tốc độ xuống 30 hoặc 40km/h.
Một đoạn của đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, chụp hồi tháng 12 năm 2012 - năm tháng sau khi được đưa vào sử dụng. (Hình: Thanh Niên)
Chỉ năm tháng sau khi được đưa vào sử dụng hồi tháng 6 năm 2012, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã bị lún theo vết bánh xe, khiến các loại xe rất dễ bị lạc tay lái. Chưa kể gần như tại tất cả các đoạn nối giữa đường với cống đều bị sụp xuống, tạo thành những gờ cao từ 20 cm đến 30 cm. Ðã có rất nhiều tai nạn vì tài xế không biết trước những trở ngại như thế trên mặt đường và vẫn lái xe ở tốc độ cho phép.
Theo thiết kế, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có chiều dài 56 cây số, bắt đầu ở cột cây số 210 trên quốc lộ 1A, thuộc Hà Nội và kết thúc ở cột cây số 265 + 600 trên quốc lộ 10 thuộc Ninh Bình, Phát Diệm.
Ðường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có 6 làn xe, tốc độ cho phép theo thiết kế từ 100km/h đến 120 km/h.
Tổng vốn đầu tư cho đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình là 8,974 tỷ đồng, trong đó Tổng Công Ty Ðầu Tư Phát Triển Ðường Cao Tốc Việt Nam (VEC Corporation) - một doanh nghiệp trực Bộ Giao Thông Vận Tải bỏ ra 1,000 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu là vốn vay từ việc bán trái phiếu.
Ðường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình không phải là trường hợp đáng ngờ duy nhất về việc sử dụng và phí phạm vốn vay qua việc bán trái phiếu. Tại kỳ họp diễn ra hồi giữa tháng 6 năm ngoái, rất nhiều đại biểu của Quốc Hội Việt Nam tỏ ra hết sức bất bình về kết quả sử dụng các nguồn vốn vay qua việc bán trái phiếu.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2006-2012, nhà cầm quyền Hà Nội được phép phát hành trái phiếu để vay của dân chúng 410 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ VN đã bán ra lượng trái phiếu lên tới 685 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 67% so với dự kiến.
Tiền thu được từ việc bán trái phiếu là tiền mà chế độ Hà Nội nợ dân và sẽ phải dùng ngân sách - cũng là tiền của dân - để trả lại. Song thực tế cho thấy, chính phủ VN đã dùng nguồn tiền khổng lồ này theo kiểu “vứt qua cửa sổ.”
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Kiểm Toán Nhà Nước thực hiện, chất lượng của rất nhiều công trình thực hiện bằng tiền bán trái phiếu rất kém. Những công trình này dù ngốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng vừa làm xong đã hư, chẳng hạn: công trình xây dựng đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, công trình xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình, công trình mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, công trình xây dựng quốc lộ 48-2 đoạn Yên Lý- Nghĩa Thuận.
Có thể vì xem tiền thu được nhờ bán trái phiếu là “tiền chùa” nên theo Kiểm Toán Nhà Nước, tại nhiều công trình đã xảy ra hiện tượng “dễ dãi” tới mức khó hiểu: Lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, điều chỉnh giá trên hợp đồng không đúng quy định, nhà thầu làm ít nhưng chủ đầu tư xác nhận nhiều.
Kiểm Toán Nhà Nước cảnh báo, có nhiều công trình được điều chỉnh nhiều lần khiến chi phí đầu tư tăng vọt gấp vài lần so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên Kiểm Toán Nhà Nước chỉ nêu ra hàng loạt cảnh báo về các biểu hiện “bất bình thường” rồi thôi.
Vào thời điểm đó, tại diễn đàn Quốc Hội, ông Lê Nam, đại biểu của Thanh Hóa nêu thắc mắc: Nhiều năm qua, người ta nói nhiều lần về việc phải chi “hoa hồng” để “bôi trơn” đủ các cửa trong quá trình tranh thầu - thực hiện - nghiệm thu những công trình về hạ tầng. Có người bảo “hoa hồng” là 10%, có người khẳng định “hoa hồng” là 30%. Song chưa bao giờ thấy chính phủ xác định có tham nhũng trong việc thực hiện các công trình hạ tầng từ nguồn vốn kiếm được nhờ bán trái phiếu. Ông Nam khẳng định, ông không tin là “không có gì” và dân cũng không ai tin.
Cũng theo ông Nam, chuyện bán trái phiếu ồ ạt, sử dụng phí phạm là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát khiến dân chúng, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khốn đốn. Ông Nam bảo: Trong cuộc chơi này, dân luôn là phía thua thiệt.
Bà Trần Thị Dung, đại biểu của Hà Giang chất vấn, tuy thất thoát, lãng phí lớn nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Sự lãng phí xuất hiện ngay từ khi xác đinh chủ trương, quy hoạch, kế hoạch. Nhiều chủ trương không khả thi vẫn được ban hành. Nhiệm vụ này chưa hoàn thành lại tiếp tục mở rộng sang mục tiêu đầu tư khác. Bà Dung kêu gọi: Phải mổ xẻ, phân tích rõ ràng về trách nhiệm.
Ðáng ngạc nhiên là những thắc mắc, chất vấn, những lời kêu gọi của một số đại biểu Quốc Hội ở diễn đàn Quốc Hội Việt Nam đã không được phía chính phủ VN hồi đáp. Chúng giống như những tiếng kêu trong sa mạc. Trường hợp đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình là bằng chứng mới nhất. (G.Ð.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét