Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

TQ: tăng chi tiêu quân sự là để “đóng góp hòa bình” (?)

Ha ha, chúng ta cứ ngạc nhiên tại sao nói tăng chi tiêu quân sự là để “đóng góp hòa bình”. Đây hoàn toàn là sự thật. Đây chính là nền tảng của Học thuyết quốc phòng và an ninh của Mỹ và Phương Tây: Chiến tranh chỉ không nổ ra khi hai bên có đủ lực để hủy diệt lẫn nhau; do đó càng chạy đua vũ trang thì thế giới càng hòa bình. Ngược lại, học thuyết quân sự của khối Liên Xô cũ là chung sống hòa bình. Phương Tây quan niệm rằng tay không, vũ khí thô sơ... đều dẫn tới bạo lực và chiến tranh; chỉ khi các bên có vũ khí hùng mạnh, có thể hủy diệt được lẫn nhau, thì hai bên mới không dám đánh nhau và mới không có chiến tranh. Dĩ nhiên, ngoài chuyện đó ra, chạy đua vũ trang cũng là cách làm giầu siêu cấp của giai cấp tư bản vì không có gì lãi hơn là bán vũ khí, phương tiện chiến tranh. Do đó, đọc tin về nguy cơ chiến tranh, chạy đua vũ trang... của Lầu Năm Góc như trong bài này thì nên thận trọng vì Bộ QP Mỹ thường thổi phồng nguy cơ để dễ xin thêm tiền ngân sách. Tôi đã bình luận vài lần về chuyện này trong Blog.
Bộ ngoại giao TQ: tăng chi tiêu quân sự là để “đóng góp hòa bình” (?)
Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng chi tiêu quân sự là cần thiết để “đóng góp hòa bình” cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và để thể hiện vóc dáng một cường quốc khu vực. “Quân đội Trung Quốc không phải là Boy Scout (tiếng lóng chỉ đứa trẻ quậy phá với vũ khí như súng, gươm trong tay) như nước ngoài đặt điều”
Vừa qua, Lầu Năm góc đã đưa ra con số mà Trung Quốc chi cho hoạt động quân sự năm 2013 là 145 tỷ USD cao hơn 20% so với những gì mà họ thông báo với thế giới. Trước đó, con số mà Bắc Kinh chính thức công bố là 119 tỷ USD. Dưới con mắt của phương Tây và láng giềng, việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng là đáng lo ngại.

Tại sao việc giấu giếm của TQ đáng lo ngại?

Khi nhìn con số ngân sách quốc phòng của một nước, người ta có thể hiểu anh đang chạy đua vũ trang ở mức độ nào hay tình trạng quân đội của anh như thế nào trong chiến tranh. Thông thường, nếu chi tiêu quốc phòng chỉ dành cho việc bảo vệ và phòng ngự thì sẽ không cao nhưng nếu chi tiêu quốc phóng để hướng sang mục tiêu ra bên ngoài thì ngân sách tốn hơn rất nhiều.

Chẳng hạn chi phí quốc phòng của Mỹ trong năm 2013 là 495 tỷ USD là do họ tốn kém quá nhiều cho việc rải quân khắp thế giới, chỉ riêng cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến họ tốn đến 82 tỷ USD. Do vậy, tổng thống Barack Obama phải triệt thoái quân khỏi Afganistan hay rút quân khỏi Iraq cũng là để đỡ tốn kém. 

Việc xoay trục châu Á cũng là cách Mỹ giảm bớt gánh nặng ở các khu vực khác để đặt trọng tâm ở châu Á – Thái Bình Dương. Những con số chi phí quốc phòng của Mỹ đều là thật vì Nhà trắng hay Lầu 5 góc muốn tiêu thế nào đều phải hỏi quốc hội và phải minh bạch với người dân đóng thuế cho chính phủ Mỹ.

Ngân sách của các nước tập trung cho lĩnh vực phòng thủ cũng đều không tốn kém lắm. Cường quốc như Nga thì ngân sách quốc phòng chỉ là 69,5 tỷ USD, Nhật Bản là 56,9 tỷ USD, Ấn Độ là 39,2 tỷ USD và Hàn Quốc ở mức 31 tỷ USD. Căn cứ vào quy mô quân đội thì con số 119 tỷ USD mà Trung Quốc đưa cho hoạt động quốc phòng năm 2013 có vẻ phù hợp với chiến lược phòng vệ chứ không phải tấn công.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc ước tính ngân sách quân sự của Trung Quốc cao hơn nhiều so với số tiền mà họ đưa ra. Thậm chí con số 145 tỷ USD cũng chưa hẳn là một con số chính xác. Theo Bloomberg hồi tháng 3, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có thể đã chi đến 240 tỷ USD cho quốc phòng. Con số này vượt quá xa cho một nước xây nền quốc phòng mang tính phòng vệ và chỉ có một cách giải thích là họ muốn xây dựng nền quốc phòng không chỉ để phòng vệ.

Nếu Trung Quốc đưa ra con số thực tế cao đến như vậy thì Mỹ và các láng giềng của Trung Quốc sẽ phản ứng và sẽ nâng cao cảnh giác quốc phòng. Do vậy, họ luôn yêu cầu Bắc Kinh phải đưa ra con số thực tế để hiểu Trung Quốc muốn gì?

Đứa trẻ ngày càng phá phách


Trung Quốc có thể không đưa ra con số chi tiêu thực tế để tránh sự phản ứng của Mỹ, Nhật và láng giềng. Tuy nhiên, họ luôn khẳng định liên tục tăng số tiền chi tiêu cho quốc phòng. Đó cũng là một cách để khoe cơ bắp và sức mạnh để láng giềng đủ dè chừng (nhưng đủ để Mỹ không phản ứng).

Hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết ngân sách quốc phòng của chính phủ trung ương - mà sẽ tăng 12,2 % trong năm 2013, lên đến đến 808,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 131,6 tỷ USD). Số tiền khổng lồ này sẽ được sử dụng để hiện đại hóa lực lượng và tăng cường quốc phòng cho thủy lục không quân. Quốc phòng sẽ chiếm một phần lớn hơn một chút trong tổng chi tiêu của chính phủ so với năm ngoái.

Bộ ngoại giao Trung Quốc còn diễn đạt chi tiêu quân sự là cần thiết để “đóng góp hòa bình” cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và để thể hiện vóc dáng một cường quốc khu vực. “Quân đội Trung Quốc không phải là Boy Scout (tiếng lóng chỉ đứa trẻ quậy phá với vũ khí như súng, gươm trong tay) như nước ngoài đặt điều”, ông Hồng Lỗi – phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố. 

“Nhưng kể cả có là Boys Scout thì hàng năm nó cũng lớn lên và cần mua sắm quần áo, giày dép mới. Nó không thể mặc mãi quần áo cũ, đi giày chật của năm ngoái”, ông Hồng Lỗi lý giải về việc tăng ngân sách quốc phòng.

Trên thực tế, chính Trung Quốc đang gây sóng gió trong khu vực khi đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm thuyền ngư dân Việt Nam. Vậy ai là đứa trẻ phá phách trong khu vực?

Anh Tú (theo Bloomberg)

http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/bo-ngoai-giao-tq-tang-chi-tieu-quan-su-la-de-dong-gop-hoa-binh-76712.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét