Bội tín là có tội
(TBKTSG) - Nhìn lại nghề báo từ những cơn giông tố ngân hàng vừa qua. Nguyên giám đốc chi nhánh một ngân hàng đã phải thốt lên như sau khi hai vụ đại án gần đây trong ngành ngân hàng vừa tạm khép lại ở phiên tòa sơ thẩm: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy xấu hổ về nghề của mình như lúc này. Tôi không dám nói mình đã từng làm ngân hàng!”.
Trong xã hội, có một nghề sống dựa vào niềm tin của công chúng. Đó là nghề ngân hàng. Và thử nhìn vào bản cân đối kế toán của một ngân hàng Việt Nam, ở cột tài sản nợ, phần tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của người dân bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao. Số tiền đó chính là của cải của người gửi. Họ tin vào thương hiệu của ngân hàng, nghĩ rằng những ông chủ ngân hàng đó sẽ giữ đồng tiền cẩn thận, và ký thác để “đồng tiền liền khúc ruột” của họ được an toàn, sinh sôi.
Tiền tệ có từ xa xưa và chưa bao giờ mất đi ma lực của nó. Tuy nhiên, trong khối thư mục đồ sộ về tiền tệ, ngân hàng, thị trường tài chính... liên tục được viết ra suốt bao thế kỷ qua, các tác giả chỉ dạy cách làm thế nào để các định chế tài chính hoạt động hữu hiệu nhất, đồng tiền được sinh lợi một cách nhân văn nhất, chứ không hề dạy cách kiếm tiền từ những xung đột lợi ích trong ngành, bất chấp đạo đức, lòng tin.
Người làm ngân hàng - mờ mắt vì lòng tham bỏ qua các nguyên tắc quản trị, bất chấp những chuẩn mực đạo đức - đã mang đến một vết nhơ bội tín với niềm tin của xã hội. Đó không chỉ là nỗi đau cho ngân hàng của họ mà là cả ngành ngân hàng nói chung.
Xin trở lại với phần mở đầu của bài viết. Dù đã quen biết gần 20 năm, tôi chưa bao giờ thấy mình có thể cảm thông như thế với tâm trạng của vị giám đốc ngân hàng có phần khép kín đề cập ở trên. Bởi cũng đã từng trải qua cảm giác như ông, và đã nhiều lần không đủ tự tin nói rằng: “Tôi là nhà báo”.
Nhà báo không giống như các nhân viên công sở bình thường. Như người ta vẫn thường nói, nhà báo có “quyền lực và có nghĩa vụ xã hội”. Quyền lực nhà báo do xã hội trao cho để họ thực hiện sứ mệnh nói lên sự thật, đi tìm sự công bằng trong xã hội và đòi hỏi công lý phải lên tiếng.
Nhưng một khi các nhà báo, phải sử dụng một phần thời gian làm việc, một phần nội dung để giải quyết chuyện “cơm áo gạo tiền” hàng ngày, hoặc ảo tưởng về quyền lực để mưu lợi cá nhân hay thỏa mãn yêu cầu của một nhóm quyền lực nào đó, thì chắc chắn sứ mệnh phụng sự xã hội đã bị xao lãng. Một khi nhà báo đánh mất khả năng đưa tin một cách dũng cảm, không thiên vị, ngay khi ấy chính nhà báo đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của nghề báo - đánh mất sự trung thành với công chúng.
Một khi nhà báo không còn khả năng nói đúng sự thật, họ đã bội tín với công chúng. Cũng như câu chuyện ngân hàng bên trên, khi đánh mất sự tôn trọng của xã hội, e rằng người làm báo khó sống được với nghề.
Mười lăm năm trước, trong lần thăm một tòa soạn báo ở Đức, thấy trên bàn làm việc của phóng viên có con vịt bằng vải to cỡ nắm tay nằm vắt vẻo trên màn hình máy tính, tôi đã buột miệng khen: “Dễ thương quá!”. Một phóng viên trong tòa soạn đi ngay phía trước quay ngoắt lại, vừa cười vừa nói: “Con vịt đó là một điều đáng xấu hổ”. Rồi ông giải thích, ở đây khi nhà báo viết sai, họ sẽ bị nhận một con vịt. Thêm vài con nữa thì “a lê”, xin mời “lên đường”!
Liên quan đến hình tượng con vịt, có một câu ngạn ngữ, đại ý như sau: khi tôi nhìn thấy một con chim, kêu cạp cạp như vịt, đi như vịt, bơi như vịt, thì tôi đành phải gọi nó là con vịt. Những mong ở xã hội Việt Nam sẽ không còn xuất hiện những tiếng ta thán: nhìn người ta viết tin, tưởng là làm báo mà đâu phải làm báo; nhìn người ta đếm tiền, tưởng là làm ngân hàng mà đâu phải ngân hàng!
Xây dựng và giữ gìn niềm tin trong xã hội là một thách thức vô cùng khó khăn với bất kỳ ai, cho dù đó là nhà báo hay chủ ngân hàng.
Thục Đoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét