Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

G7 chính thức ra tuyên bố quan ngại về Biển Đông

G7 chính thức ra tuyên bố về Biển Đông
Hôm nay (5/6), các nhà lãnh đạo trong nhóm 7 cường quốc công nghiệp thế giới (G7) cho biết họ đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng và tranh chấp hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, theo AFP.
Trung Quốc ngang nhiên triển khai hàng loạt tàu bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhóm họp tại Brussels trong 2 ngày từ 4 - 5/6, các nhà lãnh đạo G7 đã lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực tại những vùng biển mà Mỹ cho biết Trung Quốc đang gia tăng các hành động tranh chấp chủ quyển lãnh thổ.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực đơn phương của bất cứ quốc gia nào trong việc khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải thông qua hành động đe dọa, ép buộc hay vũ lực”, hãng tin AFP dẫn tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm G7 khi kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại Brussels. 

Tuy nhiên, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 không chỉ đích danh bất cứ quốc gia nào mà chỉ kêu gọi tất cả các nước cần thực thi luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Trước đó, tờ The Japan News – phiên bản tiếng Anh của nhật báo Yomiuri Shimbun đưa tin, tuyên bố liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông của G7 sẽ thể hiện rõ ràng quan điểm của nhóm đối với các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc trong khu vực.

Năm 2012, sự kiện Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa một phần quần đảo tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông – Senkaku/Điếu Ngư, đã khơi mào cho loạt căng thẳng đối đầu với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên gần hết diện tích Biển Đông – vùng biển cả Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền.

Hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc đã lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 199 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn điều động một loạt tàu thuyền với số lượng hơn 100 chiếc cùng chiến đấu cơ tới hỗ trợ cho hoạt động trái phép của Hải Dương-981.

Hành động ngang ngược của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự phản đối của các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế bao gồm Mỹ. Cũng trong tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc đang thực hiện “các hành động gây mất ổn định” trên Biển Đông.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ thông tấn xã AFP. AFP là trung tâm tiếng Pháp lớn nhất và thông tấn xã lớn thứ ba trên thế giới sau AP và Reuters. Hiện AFP có văn phòng đại diện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

MINH THU (lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét