Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Đề dẫn của VILACAED tại Hội thảo Sửa đổi Luật Đầu tư

Đề dẫn của Hội Phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia tại Hội thảo Sửa đổi Luật Đầu tư ngày 09/06/2014
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI, THẢO LUẬN, GÓP Ý KIẾN VỀ
 ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI TRONG LUẬT ĐẦU TƯ SỬA ĐỔI
Ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch Hội phát triển hợp tác
kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, ảnh minh họa 
Luật đầu tư năm 2005, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Đây là đầu tiên sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư về cơ bản áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Những quy định của Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Những hạn chế của Luật đầu tư 2005 đã làm cho môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực. Theo đánh giá của các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, so với một số nước trong Khu vực thì hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính của nước ta vẫn chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong đó có Luật Đầu tư để thích ứng với đòi hỏi cao hơn của quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như thực hiện cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Đầu tư 2005, nghiên cứu, khảo sát pháp luật đầu tư của một số nước để tham khảo, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương. Sau nhiều lần chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) trình Chính phủ và đã được Chính phủ trình Quốc hội để các đại biểu quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ VII, Quốc hội Khóa XIII.

Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở những mục tiêu, quan điểm và những yêu cầu cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn nữa để huy động tối đa nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hai là, tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu qủa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ; góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn.

Ba là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế đã và sẽ thỏa thuận trong thời gian tới.

Bốn là, những nội dung của Luật phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đồng thời kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định thông thoáng của Luật Đầu tư hiện hành còn phù hợp với thực tế.

Nội dung Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 Chương, 69 điều. So với Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 11 điều, sửa đổi 49 điều, bổ sung 9 điều mới và bãi bỏ 29 điều, trong đó bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Dự thảo Luật nghiên cứu sửa đổi bổ sung 49 điều tập trung vào các vấn đề sau:

Ngoài sửa đổi về Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng pháp luật đầu tư (Điều 1và Điều 5, Chương I), các nội dung sửa đổi liên quan đến các quy định cụ thể, gồm: chuẩn xác một số khái niệm, thuật ngữ (Điều 3, Chương I); Bảo đảm đầu tư (Chương II), Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư (Chương III), Hình thức đầu tư (Chương IV); Lĩnh vực, địa bàn đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (Chương V). Dự thảo Luật đã có những nội dung sửa đổi rất căn bản về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam (Chương VI) và hoạt động đầu tư ra nước ngoài (Chương VII).

Về Thủ tục đầu tư, Dự thảo Luật đã đưa ra phương án bãi bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Khoản 1, Điều 41) được coi là bước cải cách đột phá trong quản lý đầu tư tại Việt Nam.

Riêng quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài (Chương VII) Dự thảo Luật Đầu tư đã sửa đổi rất căn bản nhằm xác định rõ mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công tác này (trong Luật hiện hành được nêu ở Chương VIII, với 6 điều), Dự thảo Luật sửa đổi (nêu ở Chương VII, với 18 điều).

Xem xét nội dung Chương VII dự thảo Luật và phù hợp với khung khổ của cuộc Hội thảo này, Ban Tổ chức Hội nghị nhận thấy có một số vấn đề sau:

- Nội dung về Đầu tư ra nước ngoài trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được sửa đổi khá cơ bản cả về kết cấu và nội dung. Về mặt kết cấu từ 6 điều trong Luật hiện hành tăng lên 18 điều trong Dự thảo, chứa đựng nhiều nội dung, trong đó đã sửa đổi một số quy định cụ thể của Luật hiện hành theo hướng:

Một là, khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường, tăng năng lực xuất khẩu, thu ngoại tệ và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Căn cứ định hướng phát triển kinh tế, xã hội và chính sách quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ, Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và Danh mục lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. (Điều 65).

Hai là xác định rõ quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài (các Điều 69, 70) trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài (Khoản 3 Điều 58).

Ba là, xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài (Điều 71, 72). Theo đó, đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Việc quyết định đầu tư ra nước ngoài sử dụng nguồn vốn khác thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật liên quan.

Căn cứ quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định nêu trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuẩn bị đầu tư ở nước ngoài, Dự thảo Luật bổ sung Điều 76, 77 để cho phép nhà đầu tư được chuyển vốn ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.

- So sánh với quy định hiện hành (Luật Đầu tư 2005 và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 19/8/2006 của Chính phủ về Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài) nội dung Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề cụ thể đã được nêu trong Luật. Có thể thấy một số điểm thay đổi cơ bản thể hiện qua các quy định về:

+ Hình thức đầu tư ra nước ngoài bao gồm cả việc mua lại vốn điều lệ và các hình thức đầu tư gián tiếp khác (như vậy không nhất thiết phải có dự án như quy định trước đây);

+ Điều kiện đầu tư, đưa vốn ra nước ngoài được quy định rõ và cụ thể hơn, đặc biệt là vấn đề nghía vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam được quy định cụ thể (được cơ quan thuế xác nhận không nợ đọng thuế); Về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư cũng được quy định cụ thể hơn;

+ Về thẩm quyền chấp thuận và quyết định đầu tư ra nước ngoài, một mặt yêu cầu phải có sự chấp thuận của Quốc hội đối với các dự án quan trọng quốc gia hoặc của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp có quy mô lớn, mặt khác mở rộng quyền quyết định đầu tư phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư và quản lý vốn nhà nước và pháp luật về doanh nghiệp;

+ Về thủ tục đăng ký đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; Như vậy chỉ có thủ tục đăn ký cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, không quy định thẩm tra như Luật hiện hành.

+ Về việc chuyển vốn ra nước ngoài đã quy định rõ việc mở Tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài (Điều 76), việc chuyển vốn ra nước ngoài (Điều 77).

+ Ngoài ra, Luật đã quy định nhiều nội dung khác liên quan đến việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài như: Chuyển lợi nhuận về nước; Điều chỉnh và chấm dứt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Thực hiện chế độ báo cáo v.v.

So với nội dung Luật hiện hành, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã có nhiều quy định cụ thể hơn về đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần được Chính phủ quy định chi tiết hơn như: Danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, Danh mục ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện và Danh mục ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; Mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài; hình thức đầu tư, điều kiện, hồ sơ, thủ tục đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư v.v.

Cùng với việc trình Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi, Chính phủ cũng đã trình ra Quốc hội (i) Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; (ii) Dự thảo Nghị định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên trong khuôn khổ của Hội thảo này chúng ta chưa có điều kiện để đi sâu thảo luận trao đổi về những nội dung chi tiết nêu trong các dự thảo nghị định và sẽ có cơ hội để tham gia ý kiến trước khi Chính phủ ban hành các nghị định nói trên. Dự kiến Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015 thay thế cho Luật Đầu tư 2005.

Liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, chúng tôi thấy cần nêu ra một số điểm để chúng ta cùng thảo luận để có thêm ý kiến đóng góp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi và Nghị định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Thứ nhất, theo quy định của Dự thảo Luật Đầu tư dự thảo (Khoản 2, Điều 3), Nhà đầu tư bao gồm cả: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo quy định tại Luật Hợp tác xã; Hộ kinh doanh, cá nhân;

Tuy nhiên, trong Dự thảo Chương VII (Hoạt động đầu tư ra nước ngoài) còn thiếu các quy định cụ thể áp dụng cho các đối tượng nói trên là những người có hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói chung khá mạnh mẽ, đặc biệt đối với các nước lân cận Việt Nam, về thủ tục và trong chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích lực lượng này đầu tư ra nước ngoài. Theo quy định tại Điều 74, hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy đối với các hộ kinh doanh, cá nhân có những hoạt động đầu tư nhỏ lẻ (dân doanh) sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện điều này và sẽ dẫn tới không thực hiện quy định này.

Thứ hai, trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi về địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 25) không đề cập đến địa bàn ưu đãi đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài và trong Chương VII cũng không có quy định về vấn đề này. Như vậy không thể đưa vào Nghị định về Hoạt động đầu tư ra nước ngoài các quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư ra nước ngoài. Đây là vấn đề rất quan trọng trong chính sách và khuyến khích đẩy mạnh đầu tư của các nhà đầu tư vào các nước có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam như Lào, Campuchia.

Thứ ba, về quản lý nhà nước quy định tại Chương VIII dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi không có các quy định riêng đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, như vậy sẽ áp dụng các yêu cầu và nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư ra nước ngoài như đối với hoạt động đầu tư trong nước là không hợp lý vì hoạt động đầu tư ra nước ngoài có những đặc điểm riêng như phải tuân thủ luật pháp của nước tiếp nhận đầu tư, phải đêm vốn và nguồn lực trong nước ra nước ngoài, phải chuyển lợi ích về nước và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đặc biệt, việc hỗ trợ đối với các nhà đầu tư đầu tư ra nước ngoài từ phía Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan nhà nước là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, xúc tiến đầu tư, triển khai thực hiện các dự án và quản lý hoạt động đầu tư nói chung ở nước ngoài. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa đối với hoạt động đầu tư ra các nước trong Tiểu vùng Mekong.

Thứ tư, trong Dự thảo này, các quy định về hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư ra nước ngoài nói riêng đề cập đến quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư khá cụ thể và chặt chẽ, nhưng thiếu hoặc ít nói tới trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư trong tất cả các khâu xúc tiến, chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án và kinh doanh. Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài hầu như không có quy định nào về trách nhiệm của địa phương (điều này rất quan trọng đối với các tỉnh biên giới) về hỗ trợ xúc tiến đàu tư, khuyến khích đầu tư; trách nhiệm các cơ quan nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện nhanh chóng thủ tục đầu tư, việc chuyển vốn ra nước ngoài, cân đối hay bảo đảm ngoại hối, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư, hay cơ quan Thuế, Hải quan trong việc bảo đảm thực hiện thuận lợi, nhanh chóng các thủ tục liên quan đến các hoạt động đầu tư ra nước ngoài v.v.

Thứ năm, nội dung dự thảo chương VII (Hoạt động đầu tư ra nước ngoài) dường như chưa đề cập tới hoạt động đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây là bộ phận khá lớn các nhà đầu tư ở nước ngoài cần được động viên, khuyến khích, hỗ trợ để đạt được mục tiêu, nguyên tắc như đã nêu ở Điều 65. Về kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cần được quan tâm và thể hiện nội dung thích hợp trong Dự thảo luật theo hướng đẩy mạnh quan hệ liên kết, phối hợp giữa các nhà đầu tư trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài trong hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Cuối cùng, việc lấy ý kiến về nội dung hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần được tổ chức để mọi thành phần đầu tư ra nước ngoài có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, doanh nhân đã thực hiện đầu tư ở nước ngoài. Như vậy Luật được ban hành sẽ đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực và hiệu quả thi hành tốt nhất.

Trên đây là một số vấn đề xin được gợi ý để các đại biểu dự Hội nghị tham gia ý kiến . Rất mong được sự hưởng ứng của quý vị để chúng ta có thể đóng góp được nhiều ý kiến hay trong trách nhiệm phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi nói chung và nội dung hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong Dự thảo Luật nói riêng./

http://www.vilacaed.org.vn/phat-bieu-de-dan-cua-hoi-phat-trien-hop-tac-kinh-te-viet-nam-lao-campuchia-tai-hoi-thao-sua-doi-luat-dau-tu-ngay-09062014/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét