Một góc nhìn về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa
Nguồn: FB Le Na Morgoun
Trả lời các con về Thư báo tin của cụ Tô gửi Chu Ân Lai (trong thư này được cụ Tô gọi tắt một cách thân mật là đ/c Tổng Lý). Bức thư bị các thế lực thù địch với dân tộc Việt Nam nâng lên mức Công hàm và bêu rếu là “Công hàm bán nước Phạm Văn Đồng” và cho là Công hàm này đã “công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung quốc”. Để sáng tỏ nội dung này, chúng ta cần quay về quá khứ xa hơn nữa.KHỞI NGUỒN:
- Theo Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam chống lại mọi xâm phạm chủ quyền (tất nhiên cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
- Ngày 08/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée (còn gọi là Hiệp ước Vịnh Hạ Long) thành lập chính thể Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là cựu hoàng đế Bảo Đại (Bảo Đại là niên hiệu nhưng tục lệ nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên sau này người ta thường dùng như là tên nhà vua). Bảo Đại yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận, tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông (trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa). Khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) đã chấp nhận đơn đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại Hoàng Sa, Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: trạm Phú Lâm số hiệu 48859, trạm Hoàng Sa số hiệu 48860, trạm Ba Bình số hiệu 48419.
- Tháng 6/1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc Gia Việt Nam, Pháp chuyển giao chức năng hành chính cho Quốc Gia Việt Nam. Lúc này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chính phủ khánh chiến, đại bản doanh ở An toàn khu Việt Bắc.
- Ngày 14/10/1950, Tổng trấn Trung kỳ là Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa từ Chính phủ Pháp sang Chính phủ Quốc gia Việt Nam, quân đội Pháp vẫn đóng ở đó cho tới 1956. [Phần này, vì một số mục đích chính trị thiển cận đã không có trong sách GK lịch sử].
ĐIỂM NHẤN SAN FRANCISCO-TRUNG QUỐC KHÔNG ĐƯỢC THAM DỰ:
- Từ ngày 05 đến ngày 08/9/1951, đại diện của 51 chính thể họp tại San Francisco, và 48 nước ký kết Hòa ước giữa Đồng minh với Nhật, chính thức chấm dứt thế chiến II.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không tham dự Hội nghị do Mỹ và Liên Xô không thống nhất được bên nào là đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa, tuy nhiên trong phiên họp toàn thể mở rộng, ngày 05/9, với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận, đã bác bỏ đề nghị của ngoại trưởng Liên Xô về việc sửa đổi khoản 13 của bản Dự thảo Hòa ước có nội dung là: Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam. Như vậy, có thể thấy v/đ HS,TS được đưa ra công khai là từ phía Liên Xô (có thể theo một thỏa thuận ngầm giữa Liên xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa?).
Theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tham dự Hội nghị.
- Ngày 07/9/1951, TTg Trần Văn Hữu long trọng tuyên bố nội dung: “Chúng tôi trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Không một yêu sách nào đưa ra sau tuyên bố đó kể cả Liên Xô.
- Ngày 08/9/1951, Hòa ước với Nhật được ký kết tại San Francisco. Điều 2, mục 7, khoản F ghi: Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và Sprathly (Trường Sa) và cả Đài Loan, nhưng không đề cập tái chuyển giao cho bất cứ quốc gia riêng rẽ nào. Như vậy, về mặt pháp lý, các quần đảo này thuộc quyền quản lý tập thể của 48 bên tham gia ký Hiệp ước – trong đó có hai quốc gia đang đòi chủ quyền đối với các quần đảo này là Philippines và Việt Nam. Ngày 28/4/1952 Hiệp ước có hiệu lực.
- Ngày 04/6/1954, Pháp đã ký một Hiệp định với Quốc gia Việt Nam công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập. Theo đó chính phủ Quốc gia Việt Nam sẽ tự chịu trách nhiệm với những hiệp định quốc tế được ký bởi Pháp trước đó có liên quan tới họ, cũng như không còn bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào do Pháp ký sau này.
HIỆP ĐỊNH GENEVE VỀ ĐÔNG DƯƠNG VỚI SỰ THAM GIA CỦA TRUNG QUỐC:
- Hội nghị Geneve khai mạc 26/4/1954, tới 08/5 thì xoay sang v/đ Đông Dương. Phía Trung Quốc (do Chu Ân Lai trưởng đoàn) là một trong 9 nước tham gia. Ngày 21/7/1954, hội nghị ra tuyên bố cuối cùng là Hiệp định Geneve (đình chỉ chiến sự tại Đông Dương) tạm chia cắt Việt Nam thành hai vùng:
* Điều 1 của Hiệp định quy định đường ranh giới quân sự tạm thời, lấy vỹ tuyến 17 (sông Bến Hải) để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam.
* Điều 4 của Hiệp định quy định giới tuyến tạm thời kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía nam vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Như vậy, chính quyền ở miền bắc VN không có quyền gì với HS,TS.
- Tháng 4/1956, khi quân đội Pháp rút để bàn giao cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Lợi dụng thời điểm giao thời này, Trung quốc và Philippin dùng vũ lực đánh chiếm phần phía đông đảo Hoàng Sa và một số đảo nhỏ.
- Ngày 24/5 và ngày 08/6/1956, Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp quản phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ra Thông cáo quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn luôn là một phần của Việt Nam và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận…
- Ngày 22/8/1956, tàu HQ04 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa ra Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vệ quần đảo trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài Loan và Philippin.
- Ngày 20/10/1956, bằng Sắc lệnh 143/VN, Việt Nam Cộng hòa đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Năm 1960, bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược chức Phái viên hành chính Hoàng Sa.
- Ngày 04/9/1958 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra một bản Tuyên bố với nội dung: "Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc" (Tây Sa là tên Hán của Hoàng Sa).
- Mười ngày sau đó, 14/9/1958 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một bức thư thông báo với nội dung: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc."
- Ngày 22/9/1958 bức thư của TTg Phạm Văn Đồng đăng trên báo "Nhân Dân".
CÓ NHIỀU ĐIỂM CẦN LƯU Ý:
- Thư này được ban hành vào ngày chủ nhật, là ngày nghỉ của cơ quan công quyền.
- Bức thư 14/9/1958 của cụ Tô không đề cập cụ thể đến Hoàng Sa hay Trường Sa vì HS & TS khi đó thuộc quyền của Việt Nam Cộng hòa nên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương nhiên không có quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa để mà cụ Tô thừa nhận hay bàn luận trong một bức thư một trăm từ như thế này.
- Bức thư này chưa được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Chủ tịch nước phê chuẩn để nâng nó lên mức CÔNG HÀM.
- Tại thời điểm năm 1958, quyền hạn của chức danh Thủ tướng được quy định theo Hiến pháp 1946. Điều 44 Hiến pháp 1946 ghi:
* Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, Phó Chủ tịch và Nội các.
* Nội các có Thủ tướng, các bộ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng.
HP 1946 cho thấy: Vị trí người đứng đầu Chính phủ là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hồ Chí Minh). Thủ tướng chỉ là người đứng đầu Nội các, là một thành viên của Nội các, do Chủ tịch nước chọn và đưa ra Quốc hội biểu quyết.
- Hiến pháp 1946 quy định cụ thể quyền hạn của Chủ tịch nước và quyền hạn của Chính phủ. Quyền hạn của Chủ tịch nước tại Điều 49:
* Thay mặt cho nước;
* Chủ tọa Hội đồng Chính phủ;
* Ký hiệp ước với các nước;
Như vậy Chủ tịch nước mới là chức danh đại diện cho nước Việt Nam DCCH nói chung, cho Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam DCCH nói riêng trong quan hệ bang giao. Thủ tướng chỉ là một thành viên của Nội các – một cơ quan của Chính phủ và không có các quyền hạn này.
- Về cụm từ trong Bức thư: “Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành”. Theo tư liệu, nhật ký làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 04/9/1958 đến ngày 14/ 9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chủ tọa bất cứ cuộc họp nào của Hội đồng chính phủ. Cũng không có Phó Chủ tịch nước thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh để chủ tọa Hội đồng chính phủ vì thời kỳ này, không ai được bổ nhiệm giữ chức danh Phó Chủ tịch nước. Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi “Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quy định về hải phận…” là hoàn toàn không chính xác.
- Hiện nay (qua các thông tin công khai) không có bằng chứng nào cho thấy Chủ tịch nước và Hội đồng chính phủ có ủy nhiệm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng được quyền đại diện ra văn bản phúc đáp tuyên bố ngày 04/9/1958 của Trung quốc.
- Theo Hiến pháp 1946, chữ ký của TTg Phạm Văn Đồng trong bức thư không đủ pháp nhân thay cho Chính phủ Việt Nam. Đây chỉ là một bức thư mang tính thân mật đặc thù của tình đồng chí (trong bối cảnh chính trị khi đó), bởi thế trong thư này cụ Tô không dùng đầy đủ chức danh của ông Chu Ân Lai như chuẩn mực phải có trong các Công hàm cấp nhà nước mà gọi rất thân mật là đ/c Tổng Lý. Có thể coi đây là một bức thư thận trọng và khôn khéo của một người tế nhị trong một bối cảnh phức tạp và khó khăn thời ký đó.
Vấn đề chính không phải là ở Bức thư mà ở chỗ, với một tư duy hẹp hòi thiển cận và ngã mạn của Cộng sản, nên các Chính thể đã không được thừa nhận đúng vai trò lịch sử mà bị tẩy xóa, mạ lỵ bằng những cách gọi “chính quyền bù nhìn”, “chính quyền ngụy” hay “chính quyền tay sai”… Nhưng lịch sử sẽ sắp xếp lại một cách công bằng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét