Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

"Nước rút" cho mục tiêu 20.000 tiến sĩ Việt Nam

Có người nói đùa ở Sài Gòn, Hà Nội ra ngõ gặp ăn mày, ăn cắp, đứng bất cứ đâu trong tầm 200 mét đều có thể tìm ra một tiến sĩ.
Dự báo "nước rút" cho mục tiêu 20.000 tiến sĩ Việt Nam
(Giáo dục) - Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT đến năm 2020, cả nước sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Số liệu thống kê Vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD - ĐT
Nước rút

Theo đó, tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học các ngành mũi nhọn, trọng điểm, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Không chỉ tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng của cả nước, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây, theo số liệu thống kê chính thức của Vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT thì từ năm 2001 - 2010, trong vòng 10 năm đào tạo, cả nước mới đào tạo được hơn 4000 tiến sĩ.

Vậy mà trong đề án đổi mới giáo dục vừa được đặt ra thì chỉ trong vòng 10 năm, các trường phải phấn đấu đạt 20000 tiến sĩ, như vậy có nghĩa trong vòng 10 năm, không kể số lượng tiến sĩ đã được đào tạo từ những năm 2000 đổ về trước thì phải đạt thêm 15000 tiến sĩ nữa, trong khi chặng đường 10 năm trước mới làm được 1/4 số lượng.


Tăng số lượng tiến sĩ để nâng cao chất lượng đào tạo

Đồng nghĩa với việc, khối lượng đào tạo sẽ khổng lồ hơn rất nhiều so với những năm trước, để bù kịp số lượng 20.000 tiến sỹ đã đặt ra.

Điểm đáng chú ý nữa là số lượng tiến sĩ chủ yếu nằm vào các trường ĐH khu vực đồng bằng Sông Hồng, nhiều nhất ở Hà Nội.

Như theo số liệu thống kê năm 2010: Tổng số học viên tốt nghiệp tiến sĩ lên tới 504 học viên, trong đó ĐBSH: 384 học viên, Hà Nội: 378 học viên, còn các vùng khác như miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam trung Bộ, Đồng bằng sông cửu long cũng chiếm tỉ lệ thấp.

Theo số liệu năm 2011, Tổng số học viên tốt nghiệp tiến sĩ là 434 học viên, Hà Nội: 282 học viên, miền núi phía Bắc: 13 học viên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam trung Bộ: 31 học viên, TP HCM: 100 học viên, Đồng bằng Sông Cửu Long không có ai.

Tiến sĩ ngành xã hội chiếm ưu thế

Theo số liệu thống kê những năm gần đây, thì số lượng học viên tốt nghiệp ngành xã hội chiếm số lượng lớn hơn cả.

Năm 2011, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp Học viện khoa học xã hội là 121 học viên. Trong khi đó, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Công nghệ chỉ có 3 học viên, Đại học Y không có học viên nào.

Thêm nữa, một số ngành khác như Khoa học tự nhiên, nghiên cứu, kinh tế cũng đào tạo với số lượng khá nhiều. Năm 2011 số lượng tốt nghiệp Đại học khoa học tự nhiên là 38 học viên, ĐH bách khoa: 46 học viên, ĐH kinh tế quốc dân: 44 học viên.

Mà cho đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, thì lượng tiến sĩ nghiên cứu về ngành xã hội thất nghiệp, hoặc làm trái ngành rất nhiều.

Thực trạng, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.

Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), hiện nay cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.

PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới".

Thế nhưng, ông Nguyễn Ngọc Vũ- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ GD-ĐT cho biết: "Việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ trong những năm gần đây là phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ".

Bất cập trong đào tạo giáo dục từng được bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước chỉ ra: "Giáo dục nước ta đang có những quy trình đào tạo ngược, vô lý và khúc mắc trong nhiều khâu. Đặc biệt là ở chương trình đào tạo ĐH".

Bà Bình cho biết, không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua.

Cũng theo bà Bình, trước đây ngành giáo dục đã có chủ chương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra”. Quy trình này được đánh giá là rất hợp lý, phù hợp với một nền giáo dục tiên tiến nhưng nó đã bị gỡ bỏ và các ĐH - CĐ đang thực hiện quy trình đảo ngược.

Thanh Huyền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét