Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Vì sao nhiều doanh nghiệp phá sản?

Vì sao nhiều doanh nghiệp phá sản?
(PetroTimes) - Năm 2013 được đánh giá là năm mà nền kinh tế nước ta đã rơi xuống đáy của khủng hoảng. Chính vì vậy, nhiều khó khăn đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh
là cứu cánh của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Số lượng doanh nghiệp phá sản và thành lập mới đều tăng
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 nhưng tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.


Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013 cả nước chỉ có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, những hỗ trợ về vốn, lãi suất tín dụng, thị trường… giúp số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2013 là 11.299 doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, số liệu của Bộ Tài chính mới cho biết có hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước giải thể hoặc phá sản trong năm 2013.

Còn trong lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như bất động sản, theo báo cáo của Bộ Xây dựng công bố hiện cả nước hiện có gần 70.000 doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động. Năm 2013 có thêm 10.635 doanh nghiệp thành lập mới, đồng thời 10.077 doanh nghiệp phá sản.

Một điểm đáng lưu ý là ngoài các doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động thì số lượng các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng tăng khá mạnh trong năm qua. Điển hình là các thương vụ đình đám như SCG của Thái Lan mua 85% cổ phần của Prime Group, DaiABank và SGVF sáp nhập vào HDBank, PVFC và Western Bank hợp nhất thành PVcomBank, hai công ty MBS và VITShợp nhất với nhau thành công ty chứng khoán MBS,…

Đâu là nguyên nhân?

Như vậy, nhìn chung, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc phải ngừng hoạt động vẫn còn ở mức rất cao. Đặc biệt số lượng các doanh nghiệp này chủ yếu từ khu vực kinh tế tư nhân. Với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP), 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và tạo nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, thì điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của nước ta còn chưa thật ổn định và các doanh nghiệp còn yếu kém trong hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao.

Qua điều tra, khi trả lời về lý do ngừng hoạt động, có tới 56,4% số doanh nghiệp trả lời do sản xuất thua lỗ kéo dài, chỉ có 5,1% trả lời do năng lực quản lý, điều hành hạn chế và 38,5% trả lời do nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.

Ngoài ra, do khó khăn của nền kinh tế, sức cạnh tranh giảm sút, nhu cầu thị trường xuống thấp nên nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng co cụm, tìm cách sáp nhập hợp nhất với nhau để tăng sức mạnh hoặc bị chính các đối thủ cạnh tranh thôn tính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những khó khăn về vốn, thị trường… khiến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động thì khá nhiều doanh nghiệp lách các chính sách về thuế để thành lập các “doanh nghiệp ma” nhằm trục lợi. Chính sự tồn tại của hàng chục nghìn “doanh nghiệp ma” chỉ trong thời gian ngắn và thành lập rồi giải thể trong vòng vài tháng hoặc nhiều lắm chỉ đến một năm khiến số lượng doanh nghiệp giải thể và thành lập mới luôn tăng mạnh trong nhiều năm qua.

Với một góc nhìn khác, theo một điều tra không chính thức, có tới trên 90% doanh nghiệp nhỏ giải thể sau 3 năm hoạt động.
Lý giải cho hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng: Nhiều doanh nghiệp nhỏ thường dùng chiêu giải thể sau 3 năm hoạt động để tránh thuế, rồi sau đó lại thành lập một doanh nghiệp tương tự để hoạt động. Hiện số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sống nhờ lách thuế kiểu này cũng không hề nhỏ.

Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp của cán bộ, công chức theo kiểu “chân trong, chân ngoài” hoặc kinh doanh theo sở thích, cảm hứng. Chính vì vậy, khi mà công việc “chân trong” không còn hỗ trợ được nhiều thì họ sẽ rút “chân ngoài” cho nhẹ gánh hoặc đơn giản là hết thích, hết cảm hứng kinh doanh.

Hệ lụy phá sản

Với một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản, đặc biệt đối với nước ta khi yêu cầu có một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài thì việc có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản trong một năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.

Mặt khác, những hệ lụy về mặt xã hội như công ăn việc làm cho lao động, ảnh hưởng môi trường sinh thái khi nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng làm đau đầu các nhà quản lý.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khi nói về tác động của việc doanh nghiệp “chết” hàng loạt gây ra nhiều hệ lụy: “Nếu mà hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, tất nhiên số lao động bị mất việc rất nhiều. Thị trường là gì, thị trường là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc thì không có sức mua nữa, hàng hóa trên thị trường không có chỗ tiêu thụ. Vì vậy bây giờ phải cố gắng làm sao cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hồi phục, phát triển lại thì mới có công ăn việc làm thì lúc đó mới có nguồn tiêu thụ được, ngược lại không thể trông đợi sức mua tăng lên được.”

Ngoài ra, trong tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp phá sản, trong số những người lao động mất việc có không ít những người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp sẽ chọn một giải pháp mong đổi đời là đi xuất khẩu lao động qua con đường môi giới không chính thống. Đây là cơ hội để cho xấu lợi dụng lòng tin của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản và càng làm tăng những hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Thành Trung

Nhiều doanh nghiệp phá sản vì thích... hoành tráng

Nhiều doanh nghiệp năng lực có hạn nhưng sĩ diện, thích hoành tráng mà lãng phí dẫn đến phá sản.

Tại hội thảo "CEO và đa dạng hóa trong chiến lược kinh doanh” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo vừa tổ chức chiều 4/5, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhận định, trước sức mạnh của nhà đầu tư nước ngoài hay các tập đoàn lớn trong nước, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) không thể cạnh tranh trong cuộc đua giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, DN cần thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng tính cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, tận dụng mạng lưới bán hàng, hạn chế các điểm yếu trong hoạt động kinh doanh cho DN. Đồng thời, thúc đẩy việc liên minh, liên kết các doanh nghiệp là cần thiết nhằm trụ vững, sống sót và phát triển đang được đặt ưu tiên hàng đầu.
Sức ép lên doanh nghiệp đang tăng
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNVVN đang tồn tại trong một thế giới thay đổi nhanh, mạnh, sâu chưa từng có, sức ép cạnh tranh tăng lên. Những sức ép đó, bà Lan chỉ ra là: Cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng gay gắt. Nguy cơ bị lấn sân nhà tăng lên với số lớn DN, trên mọi mảng thị trường, đặc biệt từ Trung Quốc. Có sự cạnh tranh quyết liệt hơn tại Đông Nam Á và Đông Á khi các cam kết mới trong khu vực được thực hiện và mở rộng. Việt Nam không dễ thay đổi vị thế trong khu vực. 
 Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại Hội thảo
Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại Hội thảo
Hơn nữa, theo bà Lan, việc sáp nhập và mua lại DN (M&A) diễn ra trong nhiều lĩnh vực, giữa các DN Việt Nam với nhau và với DN FDI. Các công ty đa quốc gia và DN FDI điều chỉnh chiến lược cạnh tranh ở Việt Nam và khu vực, dịch chuyển mạnh và nhanh. DN Việt Nam cũng ở thế bất lợi do môi trường kinh doanh chậm cải thiện, năng lực cạnh tranh thấp, bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn.
Đã thế, con đường phía trước còn nhiều thách thức khi kinh tế vĩ mô còn bất ổn trước mắt, dự báo tăng trưởng thấp trong năm 2013. Nhiều vấn đề dài hạn cũng chưa thể sớm giải quyết. Trong khi “Nhà nước muốn gỡ khó cho DN nhưng không dễ thực hiện”- bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi kinh tế thế giới cải thiện chậm, một số nước sẽ có sự thay đổi chính sách. Điều này khiến việc huy động vốn cho đầu tư của nền kinh tế và DN tiếp tục khó hơn. Sức ép cạnh tranh tăng lên với sự đổ bộ của các DN và hàng hóa nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc và ASEAN.
Trong khi đó, bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới. Nhưng nguồn lực các mặt lại có hạn, tương lai chưa chắc chắn, niềm tin thấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với nhà nước.
Còn sĩ diện, DN còn... chết
Chính vì những thách thức nêu trên, theo bà Lan, các doanh nghiệp cần có những cân nhắc sáng suốt để đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược cho phù hợp thực tiễn. Chiến lược đó phải hướng đến tương lai. Nó đòi hỏi phải có nguồn lực (thời gian, con người, tiền bạc) lớn hơn và lâu dài hơn. Đặc biệt là cần một tư duy chiến lược và năng lực của người lãnh đạo phù hợp.
Song song với đó, DN cần tập trung vào môi trường bên ngoài để xem xét chiều hướng thay đổi, với những cơ hội/rủi ro và tìm kiếm sự tương tác giữa bên trong và bên ngoài. DN cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện. DN cũng cần thông tin rộng và sâu; cần kết hợp phân tích định lượng và định tính cùng với sự nỗ lực vượt bậc, khác thường để vượt qua khó khăn và vươn lên.
Còn ông Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái, cho rằng, có 2 nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá sản của nhiều DN Việt Nam là: Đầu tư cho nghiên cứu, tư vấn chiến lược phát triển còn thấp, sơ sài và DN còn mắc bệnh thích sĩ diện, hoành tráng.
Do vậy, muốn vươn lên, các DN phải biết lượng sức mình. Theo ông Đoàn, nếu DN không chữa bệnh sĩ diện, thích hoành tráng trước, thì còn “chết”. Bởi hiện nay, căn bệnh này biểu hiện là năng lực quản lý, điều hành, tài chính... có hạn nhưng thích làm lớn, với những dự án to cho oai, nhưng vượt sức của mình. Điều này khiến phân tán nguồn lực, lãng phí, tốn kém... và dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.
Bằng kinh nghiệm bản thân, ông Đoàn đưa ra lời khuyên các DNVVN đặt ra chiến lược phát triển DN thông qua việc tăng quy mô và tăng doanh số trên cơ sở của 4 yếu tố chính là: Tìm cách tăng doanh thu; Tăng số lượng nhân viên; Đầu tư PR và tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần luôn đổi mới trong hoạt động kinh doanh. Sự đổi mới này, đơn cử, nếu cứ mãi giữ một mẫu mã sản phẩm là không nên. Tư duy người quản lý cũng phải đổi mới hợp thời, hợp xu thế.
Trong khi năng lực có hạn, ông Đoàn khuyên DN cần tập trung phát triển đúng theo ngành nghề cốt lõi của mình, không nên tham mở rộng ngành nghề “tay trái”. Sau đó, DN lớn lên thì bành trướng, mở rộng thị trường sau.
Ông Đoàn lấy ví dụ: Nếu DN đang kinh doanh bánh đậu xanh, không nên làm thêm các sản phẩm khác mà nên tập trung phát triển bằng cách đổi mới sản phẩm bánh đậu xanh, tăng nhân viên, mở rộng thị trường.
Muốn thế, các DN cần tránh cạnh tranh trực tiếp, nội bộ; tập trung vào các thế mạnh với những kế hoạch dài hạn. Cần chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính phù hợp. Hơn nữa, DN phải tham khảo mô hình thành công chung của DN các nước xung quanh để chắt lọc bài học cho mình.
Ông Đoàn đặc biệt lưu ý các DN, nhất là người đứng đầu cần không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, giữ uy tín trên thị trường, và DN phải biết hợp tác cùng có lợi, biết “dựa” vào các công ty, tập đoàn lớn hơn để phát triển thương hiệu, tham gia chuỗi kinh doanh của họ.
Theo Xuân Thân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét