Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Lương tâm của nhà báo để đâu?

Lương tâm của nhà báo để đâu?
Sau người phụ nữ được gọi là "kiều nữ” phải khóc tức tưởi về những thông tin báo chí đưa râm ran mà chị cho là hoàn toàn "vu khống và phỉ báng danh dự, nhân phẩm”, sẽ còn những ai nữa sẽ trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt được đăng như thật trên các tờ báo lấy tiêu chí "giật gân” làm lẽ sống?
Một ngày sau Hội nghị Báo chí toàn quốc, những giọt nước mắt vỡ òa của người phụ nữ là nạn nhân của báo chí "lá cải” có làm động lòng các nhà báo đang có đầy đủ phẩm chất "kền kền” hay không?

Mỗi khi xã hội có chuyện, người ta hay nói đến hai chữ "lương tâm”. Vậy lương tâm của nhà báo ở đâu, đâu rồi "mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”? Để thay vào đó, đổ xô vào những hở hang, sex, vụ án, đời tư…một cách thiếu tự trọng nghề nghiệp.

Từ bao giờ, tin đồn đã ngang nhiên xuất hiện trên mặt báo như thật? Từ bao giờ, "phẩm chất kền kền” đã trở thành một vết dầu loang, từ một vài tờ báo sặc mùi thị trường sang cả những tờ báo mà trước đó, bạn đọc từng yêu quý vì sự đứng đắn và mực thước? Vụ "kiều nữ Hải Dương” gần như là điển hình cho việc từ một thông tin thất thiệt vu vơ nào đó bên ngoài, thông tin được chễm chệ đưa lên mặt báo, lan truyền từ báo nọ sang báo kia bằng cách dẫn nguồn của nhau, xào xáo của nhau và hỉ hả cùng nhau tăng lượng truy cập. 

Khoan hãy nói tới thông tin kia là "vu khống” hay không, chuyện đó là việc người phụ nữ sẽ đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng chỉ nói về nội dung thông tin, ngay từ khi nó lan truyền từ báo này sang báo khác, đã thấy mức độ nhảm nhí và thiếu căn cứ một cách khó chấp nhận. Vậy mà bất chấp, các tờ báo vẫn đăng ảnh ngôi nhà, đến gặp người nọ người kia phỏng vấn như với một sự kiện thời sự nóng bỏng cần đến vai trò báo chí.

Bây giờ giả sử trên đời có thật một câu chuyện tương tự như vụ "kiều nữ” thì đó vẫn là một sự xâm phạm đời tư người khác nếu báo chí đưa thông tin lên báo. Nữa là một thông tin nhảm nhí, đồn thổi, vu vơ, thiếu kiểm chứng. Và việc nó xuất hiện trên báo có giá trị, có ý nghĩa gì đối với đời sống cộng đồng ngoài việc tăng lượng truy cập. 

Có những tờ báo, nhà báo vẫn lo ngại về sự xuống cấp của đạo đức xã hội nhưng cũng có một số ít nhà báo, tờ báo "gieo rắc” những thông tin thiếu đạo đức nghề nghiệp là mang chuyện riêng người khác ra làm trò giải trí, bình phẩm thiếu lành mạnh (đấy cứ cho đó là thông tin có thật). Nhất là khi những thông tin này là không có thật.

Mỗi khi xã hội có chuyện, người ta hay nói đến hai chữ "lương tâm”. Vậy lương tâm của nhà báo ở đâu, đâu rồi "mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”? Để thay vào đó, đổ xô vào những hở hang, sex, vụ án, đời tư…một cách thiếu tự trọng nghề nghiệp.

Thực trạng báo chí chạy theo tínhgiật gân đưa thông tin thiếu kiểm chứng gây những hậu quả tai hại tới kinh tế, gây hoang mang niềm tin trong xã hội, xúc phạm đời tư người khác, làm lệch lạc thẩm mỹ và thuần phong mỹ tục…đã được các cơ quan quản lý lên tiếng từ lâu nhưng chưa có nhiều những biện pháp xử lý tới nơi tới chốn. 

Báo chí hướng dẫn dư luận sống và làm việc theo pháp luật thì tối thiểu các nhà báo trước hết phải là những người chấp hành luật pháp. Phải hiểu rằng nhân phẩm con người là thứ phải được tôn trọng và bảo vệ. Không thể vì mục đích chạy theo tính giật gân mà chà đạp lên nhân phẩm người khác khi hả hê gán cho ai đó tội "bắt cóc lái xe taxi”.

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc vừa qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng cần siết kỷ cương báo chí trong năm 2014 này. Đó là mong mỏi của dư luận, của những nhà báo chân chính và những tờ báo nghiêm túc, để những con sâu không làm "rầu nồi canh”, để đạo đức làm nghề là thứ phải được nghiêm cẩn gìn giữ. Nhưng cũng như nhiều việc khác, việc lập lại kỷ cương không phải là thứ cứ hô hào là được, nhất là khi gánh nặng áo cơm đang đè nặng lên vai những tờ báo bươn chải ngoài thị trường và áp lực cạnh tranh hơn nhau một cái tin thôi đang là chuyện sống còn của nhiều tờ báo. 

Đã đến lúc, với trình độ dân trí phát triển như hiện nay, các cá nhân bị xúc phạm, bị xâm hại sẽ không ngồi yên chịu "ấm ức” nữa, họ sẽ buộc những người đưa tin vu khống, bịa đặt phải trả giá cho hành động của mình. Và điều này may chăng mới khiến những người đang xem nhẹ tính "sự thật” của báo chí "chùn tay”.

Báo chí ngày nay xét ở khía cạnh thị trường cũng là một loại hàng hóa. Dù vậy, nó phải là một loại sản phẩm có văn hóa và có những nguyên tắc không được phá vỡ. Nếu đi ngược lại, đến một ngày, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt vì tính giật gân sẽ tác động đến tâm lý xã hội, bào mòn và làm băng hoại tâm hồn dần dần mỗi ngày, như "kền kền” rỉa từng tí một.

Thành Vĩnh
(Báo Đại Đoàn Kết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét