Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Làm khó hơn nói rất nhiều - Lãnh đạo làm hay dân làm ?

Làm khó hơn nói rất nhiều
Phạm Duy Nghĩa - Thể chế là luật chơi, luật chơi được xác lập giữa những người tham gia cuộc chơi, tương tác giữa những người ấy duy trì và giữ cho luật chơi được ổn định. Như vậy có nghĩa là thay đổi thể chế rất khó nếu những người trong cùng cuộc chơi không bị thúc ép phải thay đổi.
Thủ tướng vừa có Thông điệp đầu năm rất hay, trong đó có đến 
40 từ "phải", không biết là Thủ tướng phải làm hay là dân phải làm ?
Chẳng ai muốn tự túm tóc và hô rằng ta ơi hãy tự cao lên. Ta chỉ cao lên nếu đất dưới chân ta rung chuyển, sóng gào thét quanh ta đe dọa nhấn chìm chỗ ta đang đứng. Chỉ dưới sức ép ấy cái cân bằng giữ những người chơi bị phá vỡ, một luật chơi mới sẽ thai nghén được ra đời. Đó là thời điểm chín muồi nhú ra những thể chế mới.

Chúng ta cần sự oi bức trước cơn dông. Sự oi bức ấy làm cho việc thực hiện quyền lực công cộng không còn an nhàn với những phát biểu chỉ đạo chung chung và các cuộc úy lạo đầy màu sắc dân túy. Cần hối thúc trách nhiệm giải trình của những tổ chức và cá nhân nhận sự ủy trị từ nhân dân mà thực thi quyền lực trên đất nước chúng ta. Mọi lựa chọn chính sách cần được giải thích rõ ràng: vì sao, vì ai và sẽ được thực thi bởi ai, với chi phí và tổn thất ra sao. Mọi thất bại cần có người chịu trách nhiệm cụ thể, người chịu trách nhiệm cho thất bại ấy phải ra đi, nhường chỗ cho những người có đủ năng lực và uy tín khác tiếp bước lãnh lấy trọng trách trước nhân dân.

Thể chế, tức luật chơi hiện hành, đang có lợi cho tổ chức và cá nhân đương quyền, luật chơi ấy có lợi và được chấp nhận cho các địa phương, cho các tập đoàn quốc doanh, cho bất kỳ tư nhân nào có quan hệ thân hữu với chính quyền.

Chẳng ai trong số những tác nhân ấy muốn thay đổi luật chơi. Chỉ có công nhân lao động, nông dân, doanh nghiệp tư nhân muốn quyền lực, tài nguyên và phúc lợi xã hội được chia sẻ công bằng hơn, thêm phần cho họ. Không chỉ ngồi ngoài đợi được chia phần, một khi họ sẵn sàng hơn đòi thêm quyền tham gia cuộc chơi, chỉ khi ấy sự oi bức trước cơn dông mới xuất hiện.

Muốn đầu tư lâu dài vào ruộng đất, nông dân cần quyền tài sản chắc chắn, lâu dài, ổn định, không dễ bị thu hồi. Muốn tham gia vào phúc lợi, công nhân cần tập hợp lực lượng, ngàn chiếc đũa rời rạc cần trở thành bó đũa chắc chắn, họ cần có năng lực đại diện để có tiếng nói chung khi thương thảo với giới chủ. Muốn tiếp cận thị trường, tư nhân cần tự do cạnh tranh, khống chế mọi độc quyền của doanh nghiệp nhà nước và khống chế cả quyền điều tiết của cơ quan hành chính. Những luật chơi mới cần mở rộng cửa đón thêm nhiều người chơi mới. Đó chính là những thể chế dung nạp mà Thủ tướng, thêm một lần nữa, gây được sự quan tâm của dư luận qua thông điệp đầu năm của mình.

Nói trúng và hay đã là quá quý, song từ lời nói tới hành động, gian khổ và có thể sẽ hiểm nguy hơn rất nhiều, nếu hành động ấy thách thức lợi ích của những tổ chức, cá nhân đang hưởng lợi từ luật chơi cũ. Xem thế, lại mới thấy, làm khó hơn nói rất nhiều.

Phạm Duy Nghĩa
(Chia Sẻ Thông Tin Luật Học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét