Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Khi dĩa cơm tấm bằng 6 ký gà

Khi dĩa cơm tấm bằng 6 ký gà
Còn hai tuần nữa là tết Giáp Ngọ. Giữa lúc ai ai cũng tất bật với công việc cuối năm, chuẩn bị dành thời gian mua sắm, vui tươi đón tết, thì vẫn có nhiều nông dân ngày đêm mất ăn mất ngủ với sản phẩm làm ra không bán được, giá rẻ bèo.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Ngọc, làm nghề chăn nuôi gà công nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai mà chúng tôi muốn nói đến sau đây, sẽ phần nào phản ánh tâm trạng của nông dân lúc năm cùng tết đến này.
Chuyện là, cuối tuần trước, anh Ngọc có nhắn tin kể rằng: “Hôm nay mình lên thành phố khám bệnh, vào quán ăn một dĩa cơm tấm Thuận Kiều hết 102.000 đồng, giá này bằng 6kg gà công nghiệp. Uống thêm một ly càphê đá G7 hết 54.000 đồng, bằng 3kg gà”. Sau đó, anh Ngọc kêu than: “Sản phẩm của nông dân làm ra giá chi mà bèo bọt quá?”

Ai đó có theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thị trường thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt gà công nghiệp dịp cuối năm này, mới đồng cảm được lời than oán của ông Nguyễn Văn Ngọc. Ngày 16.1, mỗi ký gà bán ra tại trại chỉ còn 18.000 đồng và còn có thể xuống nữa trong những ngày tới vì… không có người ăn. Để nuôi ra được lứa gà mà thị trường chỉ đang định giá như mớ rau như hiện nay, nông dân phải bỏ ra tiền tỉ đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn. Tốn thời gian thêm 4 – 5 tuần chăm sóc, đồng thời sống trong nỗi lo lắng về dịch bệnh, đầu ra để có thể hy vọng gặt hái lợi nhuận. Cuối cùng thì kết quả thật là cay đắng. Với giá bán này, nông dân lỗ mỗi ký gà công nghiệp 10.000 đồng. Gà có trọng lượng càng lớn, khoản thua lỗ càng cao.

Mỗi ký gà bán ra tại trại chỉ còn 18.000 đồng và còn có thể xuống nữa trong những ngày tới
Mỗi ký gà bán ra tại trại chỉ còn 18.000 đồng và còn có thể xuống nữa trong những ngày tới

Hẳn sẽ có người cho rằng đem giá cơm tấm, càphê ở Sài Gòn so sánh với giá gà công nghiệp tận dưới tỉnh lẻ như ông Ngọc thì đâu còn là kinh tế thị trường. Ở đây giá bán của sản phẩm được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố, bên cạnh thước đo về chất lượng, chi phí, còn có giá trị thương hiệu và các dịch vụ đi kèm. Ngay cả chuyện hơn kém nhau ở lợi thế điểm bán, trung tâm hay không trung tâm, mặt tiền hay không mặt tiền… cũng có sự khác biệt về giá. Nên việc nông dân ở quê có bán ba, sáu, thậm chí 10kg đi nữa để đổi lấy một dĩa cơm, tô phở, ly càphê… thị thành cũng là điều bình thường.

Thế nhưng, những người nông dân như ông Ngọc nói rằng, họ vẫn cảm thấy cay cay nỗi lòng. Cay ở chỗ, giá cả sản phẩm nông nghiệp mà họ tần tảo một nắng hai sương chưa phản ánh đúng, phản ánh đủ chi phí, công sức bỏ ra… Ở chỗ, trong lúc nông dân phải bán sản phẩm rẻ mạt, lỗ lã nhưng lại phải trả tiền cho các dịch vụ khác quá đắt. Họ thiệt đơn, thiệt kép. Họ chưa được bảo vệ bằng các chính sách bảo trợ giá, thuế, lãi vay… để có thể yên tâm duy trì sản xuất, tạo ra sản phẩm cung cấp cho nhu cầu xã hội.

Ông Ngọc cho biết, ngay cả những thông tin như tổng đàn, cung cầu thị trường, kế hoạch nhập khẩu thực phẩm của nhà nước thì người chăn nuôi cũng ít khi biết được. “Chúng tôi chỉ biết nuôi gà, may rủi phó mặc thị trường”, ông chua chát.

THEO SGTT

http://nld.com.vn/kinh-te/khi-dia-com-tam-bang-6-ky-ga-20140118101817123.htm

  • svkinhte
    0Thích  
    19/01/2014 11:11
    Theo tôi, ở đây tác giả đang lấy rỗ hàng hóa so sánh là giá của gà công nghiệp (công sức, tiền của....) để so sánh với dĩa cơm đôi lúc có phần ...."lệch đũa". Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào đó, chúng ta có thể thấy từ món hàng tại nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng thì giá chênh lệch quá nhiều. VD: nếu gà CN nầy giá mới 18 ngàn/kg nhưng ở siêu thị bán cũng từ 45-50ngàn/kg thì thử hỏi ở khâu trung gian họ chiếm bao nhiều?? Từ đó, đặt ra 1 suy ngẩm chi phí trung gian quá cao, dù giá tới người tiêu dùng tăng nhưng nhà sx cũng chả thu được gì! thiết nghĩ, nhà nước nên có biện pháp cụ thể tránh những trung gian thu lợi bất chính!
  • Huu Nhat
    1Thích  
    19/01/2014 09:05
    “Chúng tôi chỉ biết nuôi gà, may rủi phó mặc thị trường” - ông chua chát. Nghề nào cũng vậy thôi bác ơi, có mạnh thì tự bươn chải thôi, từ nông nghiệp, ngư nghiệp... Nhà nước chỗ nào tạo điều kiện (hướng dẫn cho dân giấy tờ ) là tốt lắm rồi. Các sản phẩm của chúng ta từ Nông nghiệp, Ngư nghiệp... không lớn mạnh là vì sau thời gian tự bươn chải bị cạnh tranh gay gắt từ trong nước với hàng ngoại nhập, hoặc nước ngoài hàng xuất khẩu, chúng ta không có cơ chế bảo vệ rõ ràng, do người dân tự bươn chải nên thua thiệt đủ đường. Bao giờ chúng ta mới bằng bạn bè Đông Nam Á này đừng nói Châu Á và Thế Giới?
  • Dẹp loạn
    11Thích  
    18/01/2014 23:47
    Vậy là ông Ngọc chơi sang rồi đó chứ, người dân chúng tôi ở Sài gòn ăn cơm chỉ có 15 hoặc 20 ngàn đồng/dĩa, cafe chỉ có 12 ngàn đồng thôi.
  • Ovaltine
    11Thích  
    18/01/2014 15:50
    Khoản chênh lệch giữa nhà sản xuất bán ra và người tiêu dùng loạt vào túi ai nhỉ?
  • HỒ DUY DĂN
    3Thích  
    18/01/2014 14:33
    Chuyện giá nông sản xưa như trái đất ai mà không biết. Không biết tới bao giờ đất nước mình mới có chế độ ổn định giá nông sản để nông dân được nhờ? Ai có trách nhiệm trong việc này????
  • Nguyễn Đức Hoàng
    1Thích  
    18/01/2014 14:28
    Các com. than thở vì bữa ăn rẻ tiền nhưng vẫn còn ăn được cơm, còn nhiều người có tiền mà bữa ăn toàn là uống nước xay rau với trái cây vì kiêng cử bệnh tiểu đường! Nhiều khi thèm ăn mà chỉ dám ăn như hột điều, đậu phụng cho bụng no.
  • 4 NỔ
    8Thích  
    18/01/2014 11:16
    Tui mỗi buổi sáng chỉ 1 gói mì ăn liền. Một buổi ăn của ông Ngọc bằng 50 buổi ăn sáng của tui, buồn quá!
  • Nguyen Song Giang
    11Thích  
    18/01/2014 11:16
    Tui cho thằng con 50 ngàn đồng nhân dịp ghé thăm nó đang học ĐH ở TP Cần Thơ. Thằng con nói "Số tiền nầy con ăn được 2 ngày, cơm và rau thoải mái ăn no thôi, thức ăn hạn chế nhưng cũng ngon, cũng no". Ông nông dân nầy xài sang dữ nha.
  • Nhất Nghệ Tinh
    2Thích  
    18/01/2014 11:09
    Sao không chuyển sang nuôi gà Đông Tảo?! Người chăn nuôi VN cần phải phá bỏ lề thói bảo thủ, ngại cái mới ... Nhanh nhạy tìm kiếm thông tin, nắm bắt xu hướng nhu cầu XH trong nền KT thị trường đầy thách thức thì mới tồn tại được !
  • Đặng Sơn.
    3Thích  
    18/01/2014 11:03
    So sánh như vậy là khập khiễng! Tại sao không đặt ra câu hỏi cho mình: Lý do tại sao đĩa cơm tấm đó lại đắt như vậy nhưng vẫn nhiều người ăn? Để rồi tìm hướng đi cho sản phẩm của mình.
  • Đảo Chủ
    12Thích  
    18/01/2014 11:01
    Tui cũng vậy, Phó GĐ một công ty cổ phần nho nhỏ, giám đốc một công ty gia đình, mỗi sáng chỉ 1 ổ bánh mỳ 15 ngàn. Ăn riết cô bán bánh hỏi: "Ủa anh làm công nhân cho công ty nào gần đây ah"?. Giá lúc này được làm CN mà vui, không phải đau đầu chuyện tiền lương thưởng, cuối năm cho NV.
  • Mr. P
    3Thích  
    18/01/2014 10:55
    tui thấy cần đẩy mạnh xuất khẩu thì mới giải quyết được tình hình kinh tế hiện nay. Sức cầu trong nước không phải là nền tảng vững chắc của kinh tế VN đâu. Xuất đi đâu cũng được miễn sao giải quyết hàng tồn cho bà con nông dân đỡ khổ.
  • Xích Lô
    12Thích  
    18/01/2014 10:46
    Vẫn còn chơi sang, tui là giảng viên đại học ăn trưa từ 15-20.000đ/bữa đó bác. Một bữa của bác hết 156.000đ, tương đương 8-10 bữa trưa của tui. Ôi, thương mình quá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét