Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Bệnh “nghiện tăng trưởng”

Bệnh “nghiện tăng trưởng” 
(Bài đăng trên TBKTSG số ngày 16/1/2014, bản gốc)
Đoàn tàu siêu tốc có thể đạt tới vận tốc 500 km/giờ 
của TQ được đưa vào thử nghiệm đầu tiên cách đây 3 năm
Phan Minh Ngọc: Những bất ổn kinh tế vĩ mô suốt 2, 3 qua đã dẫn đến sự thay đổI quan trọng về tư duy phát triển kinh tế của Chính phủ, từ chạy theo tăng trưởng GDP bằng mọi giá sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, dường như chính quyền các địa phương vẫn còn “nghiện tăng trưởng”, và việc theo đuổI tăng trưởng GDP vẫn cứ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ.

Bệnh “nghiện tăng trưởng” có lẽ bắt nguồn từ tư duy rằng tốc độ tăng trưởng cao hơn sẽ giúp địa phương (và quốc gia) tạo ra thêm công ăn việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói vớI tốc độ nhanh hơn. Nếu google vớI cụm từ khóa “phấn đấu tăng trưởng GDP” thì sẽ ra cả hàng trăm nghìn kết quả vớI nguyên cụm từ này đi sau tên các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Bằng tinh thần “phấn đấu” ở quy mô cả nước này, xem ra việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao trong địa bàn tình, thành mớI là điều quan trọng, có ý nghĩa sống còn, hơn là mục tiêu phát triển lành mạnh, có tính bền vững của địa phương đó. Điều lạ nữa, mà thật ra cũng không còn lạ lẫm gì nữa, là các mục tiêu “phấn đấu” tăng trưởng GDP của chính quyền các tỉnh thành này đều thường là ở (gần) mức 2 con số trong vài 2, 3 năm nay, trong khi mức “phấn đấu” cho tăng trưởng GDP của cả Việt Nam chỉ là dướI 6-7%. 

Mong muốn cho dân giàu hơn là mong muốn chính đáng, nhưng đây không phảI là mong muốn không kèm theo phí tổn. Phí tổn nhãn tiền chính là nợ công của chính quyền trung ương và địa phương đã và đang tăng nhanh chóng. 

Nếu tiếp tục google vớI cụm từ “phát hàng trái phiếu địa phương” chẳng hạn, thì sẽ thấy một bức tranh hết sức đáng lo ngạI là không chỉ trái phiếu của Chính phủ mà còn trái phiếu của chính quyền các tỉnh thành đang có xu hướng tăng mạnh, vớI nhiều nghìn tỷ đồng ở mỗI tỉnh, thành đã, đang và sẽ được phát hành. Phí tổn này, nếu không kiểm soát được, sẽ làm mất ổn định hệ thống tài chính của Việt Nam.

Không biết đích xác được tổng số nợ của các chính quyền địa phương Việt Nam là bao nhiêu, nhưng cứ nhìn sang Trung Quốc, một trong số ít quốc gia còn lạI trên thế giớI, cùng với Việt Nam, vẫn duy trì việc đặt ra và theo đuổI mục tiêu tăng trưởng hàng năm – một sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch thời Stalin – thì có thể thấy mức nguy hạI của vấn đề. Cũng vớI sự “phấn đấu tăng trưởng” như ở các địa phương Việt Nam, tổng số nợ của các địa phương ở Trung Quốc đã tăng vọt từ 1,7 nghìn tỷ đô la hồi cuối năm 2011 lên 2,9 nghìn tỷ đô la tính đến tháng 6/2013 (tương đương vớI 33% GDP của nước này).

Nợ công (cả trung ương và địa phương) tăng lên sẽ buộc chính quyền các cấp phảI tiếp tục “vay nợ để nuôi nợ”, hoặc từ nguồn vay tín dụng ngân hàng thương mạI, hoặc từ phát hành trái phiếu mớI. Cứ tiếp tục như vậy, việc vay nợ này sẽ đẩy lãi suất trong nước lên cao, gây khủng hoảng thanh khoản và đổ vỡ trên các thị trường như bất động sản và chứng khoán, rồI lan đến hệ thống ngân hàng. Để can thiệp, ngân hàng trung ương phảI bơm tiền vào hệ thống và cứu trợ một số ngân hàng mất thanh khoản, gây áp lực lên lạm phát và sự ổn định của cả nền kinh tế.

Chưa kể, tư duy tăng trưởng nhanh để tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đồng thời rút ngắn khoảng cách thu nhập đầu người so với các nước láng giềng có thể đúng và có ý nghĩa với những nền kinh tế có dân số trẻ, tỷ lệ tăng trưởng dân số cao, thất nghiệp lớn nhưng tỏ ra không phù hợp hoàn toàn với hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay nữa. Tốc độ tăng dân số của Việt Nam đã liên tục giảm mạnh, từ trên 2,5%/năm vào những năm cuối của thập kỷ 80 xuống còn khoảng 1%/năm trong mấy năm qua. 

Bởi vậy, tuy tốc độ tăng trưởng GDP có giảm đi 1 hoặc 2 điểm phần trăm gần đây so với thập kỷ trước nhưng tốc độ tăng thu nhập đầu người vẫn không hề suy giảm, do tốc độ tăng dân số đã chậm lại so với trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam, theo con số công bố chính thức, lại đang ở mức rất thấp (đến mức bị nghi ngờ về tính chính xác), và từ lâu đã xuất hiện dấu hiệu của khan hiếm lao động, kể cả lao động phổ thông, ở nhiều nơi, nhiều vùng, thậm chí ngay cả trong những năm kinh tế đi xuống như những năm qua.

Hệ lụy nữa của việc chạy theo tốc độ tăng trưởng là sự tàn phá môi trường. Đất nông nghiệp, đất rừng đã được ưu tiên dành cho những dự án công nghiệp, trung tâm công nghiệp tập trung. Tuy có sức tăng trưởng nhanh hơn, mang lạI nhiều công ăn việc làm hơn nhưng những dự án, trung tâm công nghiệp này lại tàn phá môi trường ghê gớm, thể hiện ở sự nhiễm độc nặng nề đất đai, không khí, và nguồn nước, cùng với sự biến mất mầu xanh của rừng ở nhiều địa phương trong cả nước. Nợ công tăng nhanh và sự xuống cấp của môi trường đến mức nguy hiểm đã làm thức tỉnh nhiều người. 

Ở Trung Quốc, con bệnh điển hình của “nghiện tăng trưởng”, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất nước này bỏ hẳn việc xây dựng và công bố mục tiêu tăng trưởng GDP, để tạo hậu thuẫn cho việc chuyển hướng của Chính phủ từ việc theo đuổi mô hình tăng trưởng đặt ưu tiên lên tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá sang mô hình tăng trưởng nhấn mạnh đến tính cân bằng và bền vững. Thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc hồI tháng 12/2013 phảI tuyên bố một chương trình đánh giá thành tích các cán bộ ở cấp địa phương dựa vào chất lượng của tăng trưởng, bao gồm cả yếu tố môi trường.

Tiếc là, một tinh thần đổi mới tư duy và chương trình hành động như vậy vẫn còn là điều thiếu vắng ở Việt Nam, một láng giềng có nhiều tương đồng, cho đến tận thờI điểm này, được minh chứng rõ hơn, như đã nói, ở việc chính quyền các địa phương vẫn đặt ra các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, bất chấp hậu quả tiêu cực lên sự ổn định vĩ mô và chất lượng môi trường. 

Và ở đâu đó, ta vẫn nghe thấy những phát biểu từ một vài quan chức về việc phải đẩy cái nọ, tăng cái kia lên để “phấn đấu” đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm qua và cao hơn nữa trong những năm tới, bất chấp những nghị quyết với văn kiện nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng từ những cấp cao nhất.

http://phan-minh-ngoc.blogspot.ch/2014/01/benh-nghien-tang-truong-bai-ang-tren.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed:+blogspot/pMpUg+(Phan+Minh+Ngoc)

2 comments:
  1. Chết tôi rồi, hôm 1.1 theo đề nghị của người thân (vì họ thừa chỗ mà không ai muốn đăng quảng cáo nên cần bài lấp chỗ trống), mình phải viết 1 bài cho báo (tạp chí) Tết với nội dung y chang như bài này của bác Ngọc. Đã gửi về hôm 3.1, chắc họ chưa in xong (vì chờ đến lúc gần Tết). Thế này đến lúc tình cờ đọc được, bác Ngọc sẽ bảo tôi chép lại của bác rồi. Sẽ lại thêm một cái "nghe quen quen", hu hu...

    May mà tôi đã rào đón trước trong bài này:
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2014/01/1-tang-truong-kinh-te-thanh-tuu-va.html
    Bản dài cho Tạp chí NCKT, bản ngắn cho báo Tết.
    ReplyDelete

    Replies
    1. Hehe, đơn giản thôi mà, những tư tưởng không lớn thường gặp nhau!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét