Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Zone 9 và ông quan đầu thành Hà Nội

Zone 9 và ông chủ tịch
Thông tin về việc Hà Nội đóng cửa Zone 9 chẳng khác nào những que hàn trong tay những người nông dân bất cẩn từng gây nên hỏa hoạn tang thương ở Fuse ngày 19 tháng 11. Văn bản đầu tiên của Chủ tịch UBND thành phố đã làm bùng lên, loang rộng trên mạng xã hội hàng loạt ý kiến trái chiều, thái độ, phản ứng khác ngược.
Là một công dân, chắc chắn ông Nguyễn Thế Thảo quá rõ chúng ta đang sống trong một xã hội quá bất toàn. Người Hà Nội đang tồn tại trong một đô thị đầy ngập rủi ro. Việc xảy ra sự cố nhỏ nhưng có quá nhiều cái chết thương tâm, tiếc thay, đau đớn thay lại không phải là những vụ việc, sự kiện hy hữu, chưa từng.

Là chủ tịch thành phố, ông Thảo phải quá rành rẽ: như bất kỳ một dự án bất động sản lớn nào khác, khu vực số 9 Trần Thánh Tông luôn ẩn giấu quá nhiều những câu chuyện loằng ngoằng về lợi ích và tiềm ẩn những xung đột giữa các nhóm đầu tư. Zone 9 là một phát sinh nhỏ bé, đơn lẻ, tự phát, ngẫu hứng, cảm tính và dựa trên những quyền lợi ngắn hạn. Đó là một thực thể quá mong manh, yếu đuối trước các quyền lực hành chính.

Là một nhà quản lý, ông Thảo dễ dàng nhận biết Zone 9 cũng là một cuộc chơi mà dường như tất cả các bên đều có lợi. Kinh doanh tự gắn bó với nghệ thuật, kết nối với văn hóa, giáo dục, mở lối cho du lịch, dần hướng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần của cư dân đô thị. Chính quyền không phải chi thêm một nguồn tài chính. Chủ đầu tư lớn có một giải pháp tình thế. Doanh nghiệp có chỗ kiếm tiền. Nghệ sĩ có không gian sáng tạo hay xả bỏ các ẩn ức. Người dân có thêm những giá trị gia tăng trong đời sống văn hóa.

Là một kiến trúc sư từng du học nước ngoài, một người có học, ông Thảo quá hiểu: Zone 9 không mới với các đô thị phát triển trên thế giới nhưng lại là một hiện tượng lạ nhất trong lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội, của Việt Nam, của Đông Dương từ sau khi người Pháp rút đi. Đó không chỉ là thái độ của các nhà đầu tư, giới văn sĩ, tri thức trẻ. Đó cũng là cảm nhận của rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở Hà Nội, của bà Viện trưởng Viện Goethe, của người đồng cấp với ông Thảo ở Berlin từng biểu lộ trong chuyến đi tới Zone 9 gần đây.

Là một chính trị gia dạn dày, ông Thảo không thể không lưu tâm rằng: Trong tương lai không xa, Zone 9 chính là những thử nghiệm đầu tiên, hình ảnh hấp dẫn của một đô thị sáng tạo, nhân văn và bền vững, những khái niệm, thuật ngữ mà người dân Hà Nội mới chỉ thấy trên giấy tờ, nghe được từ diễn văn của lãnh đạo chính quyền trong 59 năm qua. Không chỉ thế, những mô hình như Zone 9 còn là cơ hội để những nhà quản lý bày tỏ một thái độ gần gũi, thân thiện và có trách nhiệm hơn với đời sống.

Vậy vì sao cùng cháy như Đồng Xuân, Keangnam, Marriott, cao ốc Điện lực…, mà thành phố chỉ quyết Zone 9 ngừng hoạt động? Vì sao từ hiện tượng Fuse, là thủ lĩnh, là người có trách nhiệm, ông Thảo lại không chuyển ngữ cho đúng hay hành xử phù hợp với một nhu cầu mới thiết thân của các công dân Zone 9, một cộng đồng các nghệ sĩ năng động bậc nhất của thủ đô? Vì sao ông Thảo không hàn gắn lại những sự cố nhỏ, không nhen nhóm và thổi bùng lên một sinh khí mới cho cái thành phố đang mất dần sức hấp dẫn, đang triệt tiêu các động năng và đang quá khốn khó này?

Với những phán quyết của mình, ông Thảo chỉ tiếp tục cho người Hà Nội nhận thấy một quán tính trong nhận thức, một mô thức hành xử quen thuộc của chính quyền. Thao tác hành chính ấy, chân dung chính trị đó có khác mấy những người nông dân ngoại thành vừa bỏ tay cày, cầm mỏ hàn và châm lên biến cố?

Loại trừ những nguyên nhân chìm ẩn khác, cho đến mai này, tai nạn của Fuse ngày 19 tháng 11 năm 2013 sẽ chỉ là một đám cháy nhỏ, mô hình Zone 9 sẽ đóng, mở bình thường, nếu những người nông dân không đi ngược con đường cần để thoát hiểm. Từ thảm họa này, không ai, không bao giờ được chọn cách hành xử dễ dãi khi muốn tránh xa ngọn lửa dữ. Phải chấp nhận bịt mặt, lao qua đám cháy để không hít khói độc và làm mồi cho tử khí. Bài học đau thương đó luôn đúng với tất cả mọi trường hợp, mọi người, với cả sự nghiệp chính trị của ông Thế Thảo?

Muôn đời, tai nạn và biến cố là bất ưng, là không đổi. Người ta chỉ có thể thay đổi góc đứng, cách nhìn và thái độ hành xử với nó. Nhận thức đúng điều này, duy trì và phát triển hơn nữa mô hình Zone 9 phải là quy hoạch mới, hiệu lệnh mới của thực tại. Người Hà Nội không cho phép biến Zone 9 thành nhà tang lễ cho những không gian sống sáng tạo và nhân văn. Không ai lỡ giết chết những mầm sống, niềm tin nhỏ nhoi vào những điều… có thể tử tế!

Xuân Bình
(BVN)

1 nhận xét:

  1. Kiểu gì các ông cũng nói được, một khu nhà cũ, muốn tái sử dụng phải có đầu tư sửa chữa cẩn thận, bài bản và tổng thể, may các ông chia nhỏ ra, mỗi ông sửa một góc, chưa hoàn thiện đã lo kinh dónh thu hồi vốn, mạnh ai nấy làm, khi xảy ra tai nạn, bị cấm lại dở lý lẽ ra cao giọn dạy dỗ người. Ông hãy xem lại chính cái đạo đức giả, chính cái lợi ích nhóm của các ông

    Trả lờiXóa