Sống sót kỳ diệu sau 36 giờ giữa biển khơi
- “10 người cùng bám lấy 1 tấm xốp để khỏi chìm, thay phiên nhau mặc 2 chiếc áo phao cho đỡ rét. Rồi từng người, từng người kiệt sức chìm dần xuống biển…”, anh Hồ Vĩnh Lai (thôn Hồng Phong, An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An), một trong 2 thuyền viên sống sót kỳ diệu thảng thốt kể lại.
Người dân đổ về Lạch Quèn ngóng chờ giây phút
các thuyền viên sống sót trở về. Ảnh. Cao Thái
Sống thêm giờ nào hay giờ ấy!Khoảng 16h30’ ngày 30/11, 2 ngư dân may mắn sống sót trong vụ chìm tàu cá giữa biển đã được đưa vào bờ. Hàng trăm người dân địa phương trước đó đã đổ về khu vực Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận), dõi mắt ra ngoài biển để chờ đợi.
Giây phút vỡ òa gặp mặt cũng đến như những thước phim đẫm nước mắt nhất! Anh Lai được gia đình chở ngay về nhà, nơi mẹ già 75 tuổi, nơi vợ trẻ mang bầu 8 tháng cùng 2 đứa con thơ nheo nhóc đang đếm từng giây để gặp mặt.
Hàng trăm người dân địa phương kéo đến chứng kiến cảnh đoàn tụ đều rơi nước mắt trước cảnh anh Lai ôm chầm lấy mẹ già cùng người thân trong nghẹn ngào.
“Em Thế chết rồi mẹ ơi! Anh em chìm dưới biển cả rồi!” – tiếng khóc nghẹn của anh lẫn trong vô số tiếng nấc tức tưởi của gia đình, người thân…
Anh Lai nức nở kể lại phút kinh hoàng. Lúc đó tầm khoảng 4h sáng ngày 28/11, chiếc tàu gặp sự cố và bị gãy sào trước bên đốc tàu. Tàu bị nghiêng và nước biển nhanh chóng tràn vào.
Ngay sau đó, các thuyền viên đã phát tín hiệu cầu cứu qua bộ đàm và cùng nhau tát nước ra nhưng không xuể.
“Tôi kêu cứu đến khản giọng trên bộ đàm. Nhưng nước vào nhanh quá! Chừng 1 tiếng sau, chiếc thuyền bị chìm, cả mấy anh em cùng bám quanh tấm xốp rộng chừng 2m cho khỏi chìm, thay phiên nhau mặc 2 chiếc ao phao cho đỡ lạnh” – anh Hồ Vĩnh Lai vẫn chưa hết hoảng loạn khi nhớ lại.
Anh Hồ Vĩnh Lai sống sót kỳ diệu sau 36 giờ bám trụ giữa biển.
Anh cố gắng kể lại những giây phút kinh hoàng cho bà con.
|
Anh cho biết, lúc dầm mình dưới biển, trời rất lạnh và gió giật trên cấp 8. Các thuyền viên phải gồng mình chống đỡ sóng và cố bấu víu cho khỏi chìm nên chỉ một lát ai nấy đều xuống sức.
“Sóng đánh to quá, nước lại rất lạnh. Anh em cố gắng động viên nhau giữ sức, cố gắng sống được thêm giờ nào hay giờ ấy. Ai cũng nhìn bốn phương tám hướng chờ có tàu qua để kêu cứu”.
Nhưng sự hi vọng đã dần chuyển thành tuyệt vọng…
Không kịp nhìn em trai lần cuối!
Chỉ khoảng 3 tiếng sau khi dầm mình dưới biển, thuyền viên đầu tiên đã kiệt sức.
“Đó là thằng Khiêm!” – anh Lai nhớ lại – “Nó là người ít tuổi nhất, yếu sức nhất. Anh em đau lắm, nói em gắng lên chút nữa chờ người tới cứu. Nhưng nó đã không chờ thêm được phút nào nữa…!”.
Đau đớn nghẹn ngào tại nhà anh Hồ Vĩnh Thế, em anh Lai.
Anh Hồ Vĩnh Lai vừa sống sót về nhà, gia đình đã phát tang em trai.
|
Người thứ 2 chìm xuống biển là anh Hồ Vĩnh Thế, em trai ruột anh Lai.
Nhắc đến em trai, anh Lai đã không cầm được nước mắt, nghẹn ngào kể lại. Khi Thế kiệt sức, anh Lai đã động viên em, cố gắng kéo em lên nằm trên tấm xốp, cố gắng giữ bằng được em trai lại. Nhưng anh không thể...
“Em tôi đã kiệt sức hẳn rồi, không bấu vào xốp được nữa. Sóng dập mạnh quá, tôi chỉ kịp nghe được 3 tiếng ‘Anh Lai ơi!...’. Tôi quay lại thì em đã buông tay, chìm xuống dưới biển mất rồi. Đau lắm! Em chết trước mắt mình mà không làm gì được!” – anh Lai òa khóc.
Đến tối 28/11, các thuyền viên vẫn cố gắng bám lấy tấm xốp, lênh đênh trên biển. Trời vẫn mưa phùn, sóng biển đánh liên hồi vào cơ thể.
“Đến 8h tối 28/11, lúc ấy trời tối đen chẳng còn nhìn rõ mặt ai nữa. Quanh tấm xốp chỉ còn lại 3 người, tôi với Hà (xã Quỳnh Long) và anh Ngoan (xã Quỳnh Nghĩa). Chúng tôi đều kiệt sức cả rồi, nhưng anh Ngoan đã đi trước.
Anh Ngoan đi chẳng kịp kêu lên tiếng nào. Trời tối nên chúng tôi cũng chẳng kịp nhìn anh. Chỉ còn tôi với Hà, hai người vớ lấy 2 cái ao phao và bẻ lấy xốp để ăn.
Chúng tôi lấy cả rong rêu và tất cả mọi thứ vớ được xung quanh để nhai cho ấm miệng, cố gắng để cơ thể khỏi bị cóng” – anh Lai kể.
Thế rồi, giữa lúc sự sống và cái chết chỉ là ranh giới mong manh thì điều kỳ diệu đã đến. Anh Lai và Hà tiếp tục cầm cự thêm gần 1 ngày nữa giữa nước biển lạnh cóng, trước khi được cứu sống.
Ôm chặt hai con sau khi trở về từ cõi chết.
|
“Lúc ấy vào khoảng 15h ngày 29/11, tôi với Hà kiệt sức lắm rồi, nghĩ mình đã cận kề cái chết. Đột nhiên chúng tôi phát hiện một chiếc tàu cá ở cách xa chừng 500m. Chẳng còn sức để kêu cứu nữa, chúng tôi thắt chặt áo phao, cố gắng bơi đến thuyền.
Đó là tàu cá Quảng Bình. Họ vớt chúng tôi lên, cho áo mặc và pha mì tôm ăn lấy sức. Đến 23h30’ ngày 29/11, chúng tôi được chuyển qua tàu ông Nguyễn Văn Kính để vào bờ” – anh Lai kể.
Lúc anh Lai về đến nhà, gia đình cũng làm thủ tục phát tang cho em trai Hồ Vĩnh Thế.
Trong một mái nhà có những người chảy hai dòng nước mắt, vui mừng vỡ òa vì anh sống sót trở về với vợ con, những cũng đau đớn nghẹn lòng khi em trai anh đã nằm lại dưới lòng biển.
Không chỉ gia đình anh, các hộ khác có thuyền viên mất tích cũng khóc hết nước mắt suốt 3 ngày qua.
Nghệ An chỉ đạo trục vớt tàu cá gặp nạn
Sáng 1/12, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB Nghệ An cho biết, trước đó 1 ngày, tỉnh đã ký kết hợp đồng thuê phía Trường Thành tham gia trục vớt tàu cá.
“Trong vụ việc này, về nguyên tắc trách nhiệm dân sự sẽ do gia đình và phía bảo hiểm tự giải quyết với nhau. Tuy nhiên, UBND tỉnh thấy hoàn cảnh gia đình các ngư dân rất khó khăn, nên yêu cầu các cấp phải nỗ lực để trục vớt tàu giúp bà con” – ông Hiếu cho biết.
Ngay trong ngày 30/11 sau khi ký kết, đội ngũ của Cty Trường Thành đã tiếp cận khu vực tàu cá gặp nạn, với phương án là sẵn sàng lai dắt con tàu vào bờ ngay sau đó.
Tuy nhiên, khảo sát hiện trường cho thấy con tàu đã chìm xuống biển ở độ sâu 70m, việc tiếp cận tàu gặp rất nhiều khó khăn.
“Ở độ sâu đó, phần lớn người ta sẽ dừng việc trục vớt vì khó khăn và cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, tỉnh chỉ đạo phải tiếp tục cố gắng trục vớt tàu cho dân. Hiện tàu cứu hộ của Trường Thành đã quay vào cảng Hòn La (Quảng Bình). Phía công ty đang có phương án thuê các thợ lặn đủ chứng chỉ quốc tế để tham gia trục vớt con tàu” – ông Hiếu cho biết.
Trao đổi với VietNamNet trước đó, ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch UBND xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết, tàu cá NA 90249 TS công suất 380CV do anh Nguyễn Văn Trí và các anh em, bạn bè góp vốn, vừa đóng mới được vài tháng.
Chi phí đóng tàu hết gần 1,8 tỷ đồng đều là nguồn tiền vay mượn.
Chiếc tàu gặp nạn do bị gãy một sào bên đốc trước. Lúc lực lượng biên phòng và các ngư dân tiếp cận được, tàu vẫn còn nổi một phần đầu trên mặt nước.
Hiện tại, công tác tìm kiếm 8 ngư dân mất tích vẫn đang được các lực lượng chức năng phối hợp triển khai.
|
Cao Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét