Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

'Người Hoa cực kỳ thông minh'

'Người Hoa cực kỳ thông minh'
Phạm Toàn, viết riêng cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Trong vụ "nạn kiều" trước khi Trung Quốc xua quân đánh Việt Nam năm 1979, phần nhiều bạn đọc thấy ngậm ngùi cho Hoa Kiều bị "sống giữa hai làn đạn". Tôi xin phép nói ngược, rằng bà con Hoa Kiều ở Việt Nam đã lợi dụng được cả hai làn đạn đó, và tự chứng tỏ là một cộng đồng cực kỳ thông minh.
"... họ đi tiếp qua trại tị nạn Hồng Kông..."
Năm 1979, làn sóng "nạn kiều" gồm hai luồng chính. Ở vùng biên giới là làn sóng đua nhau về với tổ quốc xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Còn một làn sóng khác ở các thành thị Việt Nam - với những "đứa con thân yêu" dẫu sao cũng mở mang hơn những người ở hũ nút biên giới - thì ngược lại, họ chẳng chịu trở về với núm vú Mẹ hiền đâu! Họ chèo thuyền đi ngang tổ quốc và sau đó tìm cách định cư tại Mỹ, tại Canada, tại Úc... và tại những nơi béo bở khác.

Thì đấy, có Bắc Hải là một địa điểm trung chuyển để tiếp tế lương thực dầu mỡ đi tiếp cuộc hành trình "nạn kiều", Bắc Hải chỉ cách vài ba bước chân là lên được đất Mẹ thân yêu. Nhưng họ đi tiếp chứ không dừng lại. Sau Bắc Hải, họ vẫn không rẽ trái lên phương Bắc, mà đi tiếp qua trại tị nạn Hồng Kông chầu chực có khi vài tháng vài năm ròng chờ được phỏng vấn, và tếch. Sự lựa chọn thế là quá rõ.

Do gần chục năm liền làm công việc nghiên cứu dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nên tôi có điều kiện có mặt ở huyện Xín Mần và các huyện vùng cao tỉnh Hà Tuyên vào thời buổi "nạn kiều" đó. Có hôm sáng bảnh mắt ngủ dậy đã nghe tin cả một bản ở sát biên giới đêm trước êm ái bỏ qua Trung Quốc. Cả ông bí thơ chi bộ Đảng cũng bỏ đi theo, chắc là để tiếp tục "lãnh đạo toàn diện" dân kiều nạn.

Khi chiến tranh biên giới bùng nổ đầu năm 1979, đề tài dạy tiếng Việt của tôi phải đóng cửa, hai tác giả cuốn gói về xuôi. Và tôi lại được chứng kiến cảnh "nạn kiều" ở giữa lòng thủ đô.

Ngôi nhà số 99 phố Hàng Buồm là của bà Hoàng Bảo Liên, chị ruột cùng cha khác mẹ với vợ tôi. Trước khi lấy vợ, dĩ nhiên tôi không biết gia đình đó. Trong những thủ tục trước khi cưới, dĩ nhiên tôi phải đến làm quen với gia đình Chị Cả mà khắp lượt đều gọi bằng Phồ - "Bà" của các cháu, và con trai con gái cùng dâu rể cũng thay các con gọi "a má" bằng "Bà".

"Gia đình lớn có vẻ ổn. Còn cá nhân thì hơi đau"

Một dạo Hà Nội cải tạo công thương nghiệp. Gia đình Phồ xung phong vào hợp tác xã. Nộp từ cái quạt trần nộp đi. Nghĩ bụng, đó là đồ gia dụng, sao lại tính là công cụ sản xuất? Nộp! Nhà mình ở, nay hợp tác xã bảo cắt một khúc quây cót ép thành cái buồng cho một ông cán bộ đem vợ con đến ở, cũng đồng ý. Người ta bảo nộp quạt, nộp nhà, cái lý chưa thông, nhưng mình thích xung phong nên thành ra thông cái lý! Những khẩu hiệu học lỏm từ bên kia biên giới hấp dẫn lắm, hứa hẹn lắm! "Lao-Tư lưỡng lợi". "Công-Tư kiêm cố". Những người dân vừa mới hồ hởi vẫy tay chào các chiến sĩ giải phóng Thủ đô tin chắc là không bao giờ mình nhầm.

Vài năm sau, Phồ ra góc phố mở hàng chè chén năm xu. Tôi đến uống và quan sát. Thấy thương Phồ vất vả, cũng thắc thỏm vì thấy Phồ "đi chệch con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội". Phồ giải thích cho tôi ngắn gọn: "Nuôi được cả nhà đó chú ạ". Mãi sau này, tôi mới hiểu, cái năm phần trăm tư nhân ở nông thôn nuôi được cả nhà, thì ở thành phố cũng có cái năm phần trăm chè chén năm xu của nó. Con gái và con rể Phồ khôn hơn, họ mở cửa hàng cà phê. "Cửa hàng"? Vâng, cửa hàng! Không có biển báo gì hết. Ai biết thì lên gác, ở bên phồ Hàng Giầy. Người đi trước rước người đi sau, cùng nhau leo gác. Cà phê hạt do các ông "giặc lái" đường dài cung cấp, mang từ Đông Hiếu, Tây Hiếu ra. Toàn loại cà phê cứt chồn, ngon không thể tả. Rang xay thì anh con rể làm lấy. Anh tên là Lương Côn Minh, phát âm là Mềnh, hoạt động thể thao cho khu phố, giao thiệp rộng, chẳng như Phồ chỉ quanh quẩn mấy đứa "con nuôi" làm ở Phòng thuế ngày ngày uống nước hút thuốc của a-má! Anh Mềnh rang cà phê và có sáng kiến không hãm bằng nước lã, cũng không hãm bằng nước mắm tốn tiền, anh hãm bằng dầu hỏa, bốc hơi nhanh, giữ hương vị đậm.

Sau năm 1975, hợp tác xã của những "lao động chính" ấy chỉ còn cái tên. Họ sống bằng kỹ năng Trời phú cho người Minh Hương: buôn bán và quan hệ. Vẫn cái quán chè chén, nay nâng cấp lên bán đủ thứ. Cũng vẫn cái quán cà phê trên gác nay còn cung cấp cà phê rang xay cho anh nào thích nhâm nhi ở nhà. Và mua bán nhiều thứ, có Giời biết! Mùi cà phê sộc lên mũi, sao giữ kín được? Có Giời và có các ông "con nuôi" của Phồ biết.

Bắc Hải là một địa điểm trung chuyển

Nhà có thằng cháu nội duy nhất bị mắc nạn. Ba bốn thằng choai choai lôi một cô gái lai lịch không rõ ràng ra ngoài đê làm chuyện bậy. Công An bắt được. Tòa xử tội dâm ô tập thể. Gia đình nhờ người cãi, lập luận đó là quan hệ với gái điếm. Nhưng thế là cãi liều: chế độ xã hội chủ nghĩa dứt khoát không có tệ nạn đó. Mấy đứa choai choai đi tù ở Nghĩa Lộ.

Trước khi có vụ "nạn kiều", thằng bé được tha về trước thời hạn. Nó tới thăm tôi, mặt mũi tươi tỉnh, nói năng úp mở "rồi ông trẻ sẽ còn thấy nhiều chuyện lạ!" Nó lấy đôi giầy da cao cổ bộ đội tôi vẫn đi miền núi, nay đã há mõm, đem đi khâu lại tươm tất. Hóa ra đó là biểu hiện tình cảm cuối cùng của nó. Mấy hôm sau, nó biến mất qua ngả Hải Phòng.

Nửa tháng sau, đùng một cái, gia đình Phồ bày bán la liệt các thứ tài sản, bán từ cái nồi đến cái tủ lạnh, bán từ cái áo nhung cổ lỗ sĩ đến đôi giầy mô-đéc mua lại được từ người đi học tận Bungari mang về (Liên Xô không có giầy đẹp thế). Rồi đến ngày tôi cùng gia đình Phồ xuống Hải Phòng tiễn đưa lần cuối. Phồ bảo tôi "Tháng ba bà già đi biển, chú đừng lo cho chị với các cháu". Hóa ra, đã có kế hoạch từ A đến hơn là Z! Nay thì cái tổ ấm cũ ở Hàng Buồm và Hàng Giầy đó chia ra ở hai nơi: Hoa Kỳ và Canada. Cứ nhìn những lần con cháu về thăm quê hương thì thấy họ cùng những "nạn kiều" khác thảy đều sung sướng, sang trọng. Thằng bé đi tù và mù chữ ngày xưa, nay khen tôi "tiếng Anh của ông trẻ khá lắm, nhưng vẫn pha giọng Pháp, tiếc thật!"

Cả nhà hình như có một người bất hạnh. Đó là cháu Trinh, phát theo âm người Hoa là Chếnh. Cô bé đã học xong Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Yêu một cậu cùng lớp, con một nghệ sĩ điện ảnh cao tuổi chỗ bạn bè với tôi. Khi chúng chia tay nhau ở Hải Phòng tôi mới biết chuyện hai đứa. Khi đó, trước khi họ lên đường, cả gia đình đến ở nhờ nhà bạn tôi là hai vợ chồng cùng làm giáo viên (nay vẫn còn mạnh khỏe và đang sinh sống trong Sài Gòn). Bạn tôi vốn thích sưu tầm thơ tình, bảo "đúng là hai con chim cu, thương quá!" Chàng hiệp sĩ sau một hồi chung thủy thì được Chếnh khuyên nên lấy vợ cho bố mẹ yên lòng. Đàn ông dễ nghe những lời nói dẽ dàng phải chăng từ cửa miệng những người con gái hết lòng với mình. Còn Chếnh bây giờ nhiều tuổi lắm rồi, nhưng vẫn không lấy chồng.

Xét ra về đại cục, Hoa Kiều cực kỳ thông mình, họ đi giữa hai làn đạn và tạo được cái hạnh phúc trên đại cục. Gia đình lớn có vẻ ổn. Còn cá nhân thì hơi đau. Nhưng biết làm thế nào? Được cả bầy, cũng cần một vài con lót ổ chứ?

Về tác giả: Phạm Toàn, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập, tác giả Công nghệ dạy Văn, Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục và nhiều sách giáo khoa tiểu học theo đường lối Công nghệ Giáo dục. Ông còn là dịch giả Nền dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville và những sáng tác văn xuôi hoặc dịch phẩm văn học khác với bút danh Châu Diên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét