Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Chủ tịch tỉnh Bình Dương và khối tài sản trăm tỷ đồng ?

Chủ tịch tỉnh Bình Dương và khối tài sản trăm tỷ đồng ?
Mấy ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin bình luận về việc doanh nhân Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung dùng quyền lực để cản trở trái pháp luật, gây khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ông Dũng làm thiệt hại nhiều tỉ đồng cho công ty Đại Nam. Việc làm trên của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chưa biết đúng sai nhưng tạo nên sự bất bình trong dư luận xã hội.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG TRẢ LỜI 
BÁO CHÍ XÚC PHẠM DOANH NHÂN
Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo làm rõ vụ việc, thật bất ngờ ngày 29/10/2013 Chủ tịch ông Lê Thanh Cung trả lời phóng viên VTC cho rằng ông Dũng: “Bịa đặt lừa đảo”. Dưới góc độ là một luật sư tôi không khỏi ngạc nhiên, ở thế kỉ 21 này lại có một ông quan đầu tỉnh mà ăn nói hàm hồ, bất chấp pháp luật như vậy. Coi lợi ích cá nhân, danh dự cá nhân mình hơn lợi ích tập thể và cá nhân khác thì thật đáng chê trách.
Qua phân tích dưới góc độ pháp lí, bài trả lời phỏng vấn của ông Lê Thanh Cung với phóng viên VTC thì vị Chủ tịch này công khai vi phạm luật khiếu nại, luật tố cáo. Về nguyên tắc, bắt buộc khi công dân có khiếu nại hoặc tố cáo thì trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo ngành có chức năng tham mưu đề xuất ý kiến và sau đó trả lời cho người khiếu nại, tố cáo biết. Nhưng vị chủ tịch này thẳng thừng chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh không xem xét giải quyết kiến nghị của ông Huỳnh Uy Dũng là ngang nhiên thách thức công luận, coi thường luật pháp là vi phạm luật khiếu nại, luật tố cáo.

Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Lê Thanh Cung thể hiện việc nhận thức non kém về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết của Đảng chỉ rõ không phân biệt thành phần kinh tế giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bởi vậy nên Đảng đã chủ trương đẩy mạnh và phát triển kinh tế nhiều thành phần nhằm làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Nhưng vị Chủ tịch này lại xem nhẹ doanh nghiệp tư nhân là vi phạm nghiêm trọng luật doanh nghiệp.

Lẽ ra ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Thanh Cung khi phát ngôn phải lịch sự từ tốn và khiêm nhường, phải ghi nhận công lao của mỗi tập thể, mỗi cá nhân nhưng trái ngược với việc này ông Cung công khai thóa mạ ông Dũng cho rằng ông Dũng không phải là đảng viên. Điều này chính ông Cung đã tạo nên một sự cách biệt giữa quần chúng nhân dân đối với Đảng. Phát ngôn như vậy dễ tạo ra một quan điểm trái chiều giữa Đảng và nhân dân, tạo nên xung đột không đáng có trong xã hội hiện nay mà Đảng, Nhà nước ta đang mong đợi và xây dựng nên một xã hội ổn định về chính trị tư tưởng và trật tự an ninh an toàn xã hội.

Được biết, ông Huỳnh Uy Dũng từng là đại biểu Quốc hội khóa X nhiệm kì 1997-2002. Ở nhiệm kì này ông Dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với cử tri và Quốc hội. Việc bầu cử Quốc hội khóa sau, ông Dũng cũng như bao đại biểu khác có ứng cử vào khóa tiếp nữa hay không là do cơ cấu của Nhà nước. Tại sao ông Cung lại bịa đặt, xúc phạm đối với ông Dũng là vi phạm pháp luật về hình sự.

Phát ngôn tùy tiện, xúc phạm người khác như vậy của ông Cung cần phải xử lí nghiêm minh để làm gương cho người khác.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG PHÁT BIỂU GÂY SỐC:

Một Đại biểu Quốc hội: “Nghe xong tôi thấy buồn và thất vọng”

Những ngày gần đây dư luận tiếp tục nói lên về việc ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trả lời báo chí gây sốc. Trong bài trả lời phỏng vấn VTC, ngoài phát ngôn thiếu chính xác, mang tính hằn học, vu khống và xúc phạm cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng không đúng tầm của một vị Chủ tịch UBND tỉnh như: “Ông Dũng lừa đảo; không phải là đảng viên; ông Dũng là Đại biểu Quốc hội không đủ tiêu chuẩn, người ta gạt ra mất rồi…”. Phóng viên VTC đặt câu hỏi: “Ông Dũng cũng có công trọng, đầu tư nhiều cho tỉnh Bình Dương…” thật bất ngờ vị Chủ tịch này không hiểu có tình ngay, lí gian hay không mà thiếu thận trọng nên phát ngôn rằng: “Ông Dũng sống được cũng nhờ “xương”, “máu” của tỉnh Bình Dương, nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương ông Dũng mới có tài sản như hiện nay, chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi”. Chính câu phát ngôn này làm cho vị Chủ tịch Lê Thanh Cung trở thành tiêu điểm để công luận phê phán. Ngạn ngữ xưa có câu: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần” nhưng vị chủ tịch này chẳng thèm suy nghĩ, nói bừa, nói cho sướng miệng. Nói vậy đâu có được, bởi anh đang đứng đầu một địa phương, hàng triệu con người đang trông chờ vào anh chèo chống để cùng Đảng bộ và nhân dân ở vùng đất này có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhưng qua sự kiện trên e rằng, họ mất lòng tin và lo sợ, không dám gửi gắm gì cho vị Chủ tịch tỉnh này.

Tại kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, một vị Đại biểu Quốc hội bức xúc thốt lên rằng: “thằng cha ấy sao mà dại thế, tôi định lại đưa việc này ra chất vấn trước Quốc hội. Nhưng rồi suy đi, nghĩ lại tôi gặp trực tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phản ánh cho họ biết. “Nghe xong tôi rất buồn và thất vọng”. Đối với việc làm của ông Lê Thanh Cung đã để lại tiếng xấu cho tỉnh nhà. Nói đến Huỳnh Uy Dũng là biết ngay với biệt danh “Dũng lò vôi”, một doanh nhân, chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450ha ở tỉnh Bình Dương, là Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Nam, người đi tiên phong đầu tư xây dựng các khu công nghiệp Bình Dương gồm Sóng Thần 1, 2 và 3. Tôi không rõ, ông Dũng giàu có đến cỡ nào, chỉ biết rằng trên website của Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam thì trong giai đoạn 2007-2010, trong số 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cho Nhà nước ở Việt Nam thì doanh nghiệp của ông Dũng xếp thứ 75. Theo đó, doanh nghiệp của ông (kể cả các khu công nghiệp mà ông đầu tư, xây dựng và quản lí) đã giải quyết việc làm cho hơn một trăm nghìn lao động, góp một phần không nhỏ đem lại diện mạo mới cho tỉnh Bình Dương.

Để có được thành quả như bây giờ, ông Dũng đã đi lên từ hai bàn tay trắng. Xuất thân từ quân đội, công an nhân dân mà ra, ông thấu hiểu cảnh đói nghèo làm cho con người khốn khổ, nên ông lao vào làm kinh tế, góp phần đẩy lùi nghèo đói. Có được một khu du lịch Đại Nam hoành tráng như ngày nay, Huỳnh Uy Dũng đã phải đổ xương, đổ máu và lấy bản thân mình đánh cược với thương trường. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, cho quê hương Bình Dương mà còn là nơi gửi gắm của hàng nghìn gia đình người lao động đang sinh sống ở Bình Dương. Trong lúc nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn và thách thức; thiếu việc làm, thừa lao động; ấy vậy mà ông Lê Thanh Cung lại phủi sạch trơn công lao của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, nói ngược rằng ông Dũng nhờ “xương” nhờ “máu” của tỉnh Bình Dương. Việc phát ngôn thiếu văn hóa này vô hình trung làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đã và đang đầu tư ở Bình Dương. Họ sẽ lo ngại rằng biết đâu một ngày nào đó doanh nghiệp của họ cũng bị đối xử như ông Dũng thì còn gì đường sống và rồi có ai dám mời gọi các nhà đầu tư vào Bình Dương nữa hay không?

Có người nói nửa đùa nửa thật với tôi rằng:

Ông Huỳnh Uy Dũng làm giàu là nhờ công lao, mồ hôi nước mắt của ông làm nên, mới có được một cơ sở Đại Nam nổi tiếng với cơ man tiền bạc. Còn ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ ăn lương công chức, sao ông cũng có nhà cao cửa rộng, cuộc sống gia đình vương giả, ông lấy tiền của này ở đâu ra?

Cái chính hiện nay là ông Huỳnh Uy Dũng đã và đang đổ xương máu ở Bình Dương, để góp phần làm nên một tỉnh Bình Dương giàu mạnh, công bằng dân chủ văn minh.

TÀI SẢN VÀ BIỆT THỰ TIỀN TỈ CỦA ÔNG LÊ THANH CUNG TỪ ĐÂU RA?



Trong vòng 2 tháng trở lại đây,3 vụ việc khiến dư luận cả nước đang xôn xao. Đó là bác sĩ ở trung tâm thẩm mĩ Cát Tường vứt xác phi tang vô đạo đức; vụ ông Nguyễn Thanh Chấn oan sai ở tỉnh Bắc Giang bị ép cung nhận tội giết người phải ngồi tù oan 10 năm và đến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương- Lê Thanh Cung vu khống xúc phạm doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, làm nóng cả cộng động xã hội. Giữa lúc Kì họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc lên tiếng yêu cầu xử lí nghiêm minh.

Vụ Cát Tường Công an TP Hà Nội đang ráo riết điều tra tìm thi thể nạn nhân Huyền để sớm đưa bác sĩ vô nhân tâm ra trước vành móng ngựa. Vụ ông Chấn, Tòa án, VKSNDTC tục minh oan và bắt người ép cung đền tội. Vụ doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, Chính phủ đã lập Đoàn thanh tra để điều tra sự thật nhưng câu nói của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Lê Thanh Cung cho rằng: ông Dũng giàu lên từ “xương máu” của tỉnh Bình Dương là phát ngôn thiếu văn hóa và không thể chấp nhận được. Chúng ta ngược dòng thời gian để hiểu thêm nhiều về sự lao động cần cù đổ mồ hôi sôi nước mắt, cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế để làm giàu cho tỉnh Bình Dương của Huỳnh Uy Dũng. Ở cái thời kinh tế thị trường đầy khắc nghiệt nếu ông Dũng không hiểu rõ pháp luật thì ông đâu có thành đạt như ngày nay. Tài sản, tiền bạc, cơ sở vật chất hiện có của ông Dũng không phải giản đơn mà giàu lên như vậy. Chuyện ông Dũng làm giàu ai ai cũng biết, thế nhưng công luận ở Bình Dương lâu nay họ cứ âm thầm tự hỏi, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương không phải là doanh nhân mà sao ông Cung lại có khối tài sản lớn đến hàng trăm tỉ đồng như vậy. Tiền này ông lấy đâu ra?

Người dân Bình Dương nói rằng nhà ông Lê Thanh Cung giàu vào loại nhất nhì ở tỉnh. Ông có một biệt thự trong khuôn viên khoảng 1.000m2 được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, nội thất sang trọng, phong cách Tây, vườn hoa, cây cảnh toàn loại quý, tường bao quanh cổng ra vào thật uy nghiêm cung kính, cộng với 100ha cây cao su tại Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương.

Nếu quả thực tài sản của ông Cung có được nhờ công sức lao động của gia đinh thì bà con cả nước nên về tỉnh Bình Dương, đem sách vở đến học cách làm giàu của ông Chủ tịch này.

Lần theo tiểu sử của ông Lê Thanh Cung được biết, ông sinh năm 1954, từ năm 1978 đã thoát li gia đình, đi làm cán bộ kế hoạch ở tỉnh Sông Bé (cũ). Đến thời điểm hiện nay, ông đang đảm trách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mức lương của ông Chủ tịch tỉnh khoảng hơn 10 triệu đồng. Ấy vậy ông làm gì mà giàu lên đến thế! Để minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo hiện nay,đề nghị UBKTTW, Ban Nội chính Trung ương cho thanh kiểm tra, làm rõ nguồn gốc tài sản hiện có của ông Lê Thanh Cung xem nguồn tiền từ đâu ra?

ĐỂ LÀM SÁNG TỎ CẦN KIỂM TRA, THANH TRA!

Kiểm tra, thanh tra là việc làm binh thường nhưng mang tính bắt buộc, đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước ta. Một tổ chức Đảng muốn trong sạch, vững mạnh, từng Chi bộ, từng đảng viên thì phải kiểm tra. Một đơn vị, muốn phát huy được tinh thần, làm việc có hiệu quả cao, năng suất gấp đôi và thể hiện tính trung thực minh bạch, trong khâu giải quyết hành chính, kinh tế khách quan vô tư v.v… thì phải thanh tra không kiểm tra, thanh tra coi như không lãnh đạo quản lí. Nói cách khác, kiểm tra, thanh tra là để phát hiện, uốn, nắn, kịp thời những khuyết điểm, tiêu cực, có biện pháp xử lí nhằm góp phần xây dựng một nhà nước XHCN dân chủ, công bằng, và văn minh.

Vụ tài sản hàng trăm tỉ của ông Lê Thanh Cung đang làm xôn xao dư luận. Cần phải được kiểm tra, thanh tra là điều cần thiết. Nhưng có người lại hỏi liệu báo chí phanh phui, nhà cửa, ruộng vườn của vị Chủ tịch này ra trước công luận có được coi là vi phạm bí mật đời tư hay không? Xin thưa là không. Bởi theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức thì đây là đối tượng bắt buộc phải được công khai. Tại mục 4 về minh bạch tài sản, thu nhập, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi bổ sung) thì điều 44 quy định rõ về nghĩa vụ phải kê khai tài sản gồm những cán bộ từ phó trưởng phòng trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân tài sản phải kê khai được quy định tại điều 45, bao gồm nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên v.v… thủ tục kê khai tài sản theo điều 46 quy định thì việc kê khai tài sản được thực hiện hàng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12; người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó. Bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lí người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Điều 46a nêu rõ về công khai bản kê khai tài sản là việc công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai được thực hiện như sau:

Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; người có thẩm quyền quản lí cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai, bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 03 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu là ba mươi ngày liên tục. Bản kê khai tài sản của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại Hội nghị Cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử v.v… Đối chiếu với quy định của Luật Phòng, Chống tham nhũng. Nếu ông Lê Thanh Cung chưa thực hiện thì cần phải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để xử lí. Nếu ông Lê Thanh Cung thực hiện đúng quy trình thì cũng công khai trả lời cho công luận được biết để minh bạch. Pháp luật là thượng tôn, bình đẳng. Hễ ai đi ngược đều phải được xử lí nghiêm minh.

Đối với khối tài sản bề nổi khổng lồ của vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương này đang là điểm nhấn, tạo nhiều dấu hỏi của dư luận, buộc cơ quan truyền thông phải lên tiếng để yêu cầu làm rõ. Nhìn ngôi biệt thự nguy nga, tráng lệ nằm liền kề bởi bao bọc xung quanh là những căn nhà cấp 2 cấp 3 cũ kĩ. Trong khu dân cư phần đông là tiểu thương, công nhân, viên chức nghèo. Bên cạnh những mảnh đất vẫn còn bỏ hoang của những gia đình chưa có tiền xây cất phản ánh một sự ngăn cách giữa hai tầng lớp quan chức và người dân giữa kẻ giàu và người nghèo. Chưa kể 100ha cây cao su bạt ngàn, khối tài sản với giá trị hàng trăm tỉ đồng, công luận thắc mắc là điều dễ hiểu.

Tôi còn nhớ những lần trước khi tiếp xúc cử tri tại TP.Hồ Chí Minh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri đặt câu hỏi. Tình trạng tham nhũng tràn lan, quan chức giàu lên có đúng không và xử lí bằng cách nào? Chủ tịch nước ân cần, đồng cảm với phản ánh của cử tri và nói tham nhũng như “một bầy sâu” cần phải trừ diệt. Nhưng sau này có người lại hỏi. Bầy sâu như vậy sao không bắt được con nào. Sâu nằm ở bên trên hay bên dưới…

Theo tôi, muốn bắt được sâu và tiêu diệt tận gốc, để sâu không phát triển thì phải đi tìm từng cái kén, vì chính kén là nơi ẩn náu của con sâu và cả bầy sâu.

Nói như vậy không nhằm ám chỉ ai, nhưng vụ việc tài sản tiền tỉ của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung thì cần phải nhanh chóng thanh kiểm tra, để tìm ra sự thật.

Tiến sỹ – Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh

THEO NGƯỜI CAO TUỔI

http://nguoicaotuoi.org.vn/phap-luat/ong-chu-tich-ubnd-tinh-binh-duong-va-khoi-tai-san-tram-ti-chu-tich-ubnd-tinh-binh-duong-tra-loi-bao-chi-xuc-pham-doanh-nhan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét