Bi hài bằng cấp cao xin việc thấp hơn khả năng
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chuyện người có bằng cấp cao xin làm các công việc thấp hơn khả năng không còn là hiếm. Có một điều tưởng như rất vô lý nhưng lại có lý là, những ứng viên “vượt chuẩn” thường không được nhà tuyển dụng chào đón.Trong suy nghĩ của bạn, bằng cấp và năng lực cao hơn so với yêu cầu của một công việc rõ ràng là tốt và chắc chắn bạn sẽ được nhà tuyển dụng nhận ngay vào làm. Nhưng thực tế là bạn lại không hề gây được ấn tượng tích cực vào nhà tuyển dụng. Thay vào đó, những ứng viên “tầm tầm” lại được chuộng hơn bạn. Mọi chuyện diễn ra như một nghịch lý, khiến bạn không tránh khỏi cảm giác bị sốc.
Vì đâu mà sự “vượt chuẩn” của bạn lại không nhận được sự hưởng ứng của nhà tuyển dụng? Thực ra, điều này không thực sự khó hiểu. Theo các chuyên gia về việc làm và nghề nghiệp, khi “nói không” với những ứng viên như vậy, trong đầu nhà tuyển dụng xuất hiện những ý nghĩ dưới đây:
Ảnh minh họa. |
1. “Chúng tôi không có đủ tiền để trả lương cho bạn”
Các công ty thường cho rằng, nếu bạn có nhiều kinh nghiệm và bằng cấp cao hơn so với yêu cầu của công việc cần tuyển, kỳ vọng về mức lương của bạn cũng có thể cao hơn mức lương mà họ định trả cho vị trí đó. Đây có thể xem là nguyên nhân quan trọng nhất khiến hồ sơ của bạn bị loại đầu tiên.
2. “Bạn có thể không thực sự hiểu về công việc mà chúng tôi tuyển”
Các nhà tuyển dụng sẽ lo ngại, khi nộp đơn xin việc, bạn đã quá lạc quan về nội dung của công việc cần tuyển. Chẳng hạn, họ lo, bạn nghĩ là sẽ được làm công việc quản trị cấp cao, nhưng trên thực tế họ chỉ cần một chân nhân viên bàn giấy. Hoặc nhà tuyển dụng đang cần tuyển một nhân viên nhập dữ liệu và mãi mãi bằng lòng với công việc này, nhưng bạn đặt kỳ vọng sẽ nhanh chóng chứng tỏ được bản thân và được trao một công việc thú vị hơn.
3. “Nếu bạn được nhận vào làm, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy buồn chán”
Các nhà tuyển dụng thường có quan niệm cho rằng, một người quen làm những công việc cao cấp và thú vị hơn sẽ không thể hài lòng với những nhiệm vụ đơn giản hơn. Và họ lo ngại bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán, bất mãn, dẫn tới kết cục là bạn muốn bỏ việc và họ lại phải mất công tuyển người mới.
4. "Bạn sẽ không hứng thú khi làm việc với một nhà quản lý có ít kinh nghiệm hơn bạn"
Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm và năng lực hơn vị sếp tương lai ở công ty đang tuyển nhân sự, ông/bà ấy lo bạn sẽ không cảm thấy vui và thoải mái khi nhận sự chỉ dẫn từ cấp trên, và bạn sẽ nghĩ là mình giỏi hơn ông/bà ấy. Thêm vào đó, nếu nhà tuyển dụng không hoàn toàn yên tâm về năng lực của mình, ông/bà ấy có thể sẽ lo bạn làm việc giỏi hơn và sẽ xem thường các quyết định của ông/bà ấy. Vì những lý do như vậy, bạn ít có khả năng được gọi phỏng vấn. Thậm chí, bạn có thể bị loại ngay từ khi xét hồ sơ.
5. "Bạn sẽ bỏ việc ngay khi tìm được một công việc tốt hơn"
Các nhà tuyển dụng thường không thể hiểu được vì sao một người lại muốn một công việc thấp hơn năng lực và bằng cấp của người đó. Vì vậy, họ thường cho rằng, bạn quan tâm tới công việc mà họ đang cần tuyển chỉ vì bạn cảm thấy tuyệt vọng. Họ nghĩ, bạn muốn công việc này chỉ vì bạn cần tiền để trang trải những nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống, và ngay khi tìm được một công việc phù hợp hơn, bạn sẽ “nhảy” việc ngay.
Vậy bạn làm gì nếu bạn được biết mình “vượt chuẩn” cho những công việc mà bạn thực sự muốn? Trước hết, bạn cần phải thấu hiểu những mối lo trên đây của nhà tuyển dụng và giải quyết trước những mối lo đó. Bạn có thể làm được điều này bằng cách lý giải vì sao bạn thực sự quan tâm tới vị trí cần tuyển.
Chẳng hạn, bạn có thể giải thích, vì con bạn đang còn nhỏ, bạn muốn có một công việc ổn định không đòi hỏi mức độ trách nhiệm cao như công việc trước của bạn, hoặc bất kỳ lý do gì thực sự đúng với bạn. Và đó cũng là điều quan trọng nhất, hãy đưa ra những thông tin có thật, đừng nói dối bất kỳ điều gì.
Nếu bạn biết nhà tuyển dụng có thể lo lắng về mức lương mà bạn mong muốn, hãy nói thẳng với họ là bạn đã rõ về mức lương thấp hơn mà bạn nhận được nếu làm công việc này, và mức lương đó hoàn toàn ổn đối với bạn.
Lý tưởng nhất, bạn nên giải quyết vấn đề này trong thư xin việc để tránh hồ sơ của bạn bị loại trước khi bạn được phỏng vấn. Tuy nhiên, một khi đã được phỏng vấn, hãy chuẩn bị sẵn sàng để trao đổi lại với nhà tuyển dụng một lần nữa, có thể với nhiều chi tiết hơn.
Tóm lại, chìa khóa để giải quyết vấn đề “vượt chuẩn” nằm ở chỗ, bạn phải hiểu những lo lắng mà nhà tuyển dụng có đối với các ứng viên “giỏi hơn mức cần thiết” như bạn, và giải quyết trước những lo ngại đó một cách tích cực và chân thực.
Theo Phương Anh
Dân trí
Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét