Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

(2) THẾ KỶ 21 CÓ TRỞ THÀNH KỶ NGUYÊN CHÂU Á?

Dân số châu Á chiếm 60,3% tổng dân số địa cầu.
Báo Le Monde mới đây đã có cuộc phỏng vấn Bertrand Badie, giáo sư thuộc Viện nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po) và là chuyên gia uy tín hàng đầu thế giới về quan hệ quốc tế, về các vấn đề thời sự nổi cộm hiện nay. Nội dung chính như sau:
+ Một số người nhắc tới “sự bất ổn của trật tự thế giới”, vậy thực ra khái niệm này là thế nào? Sau khái niệm “trật tự thế giới mới” do G. Bush cha khởi xướng thì hiện tại là cái gì?
- Chưa bao giờ có trật tự thế giới, xét cả ở khía cạnh chuẩn mực lẫn khía cạnh thể chế. Nói về trật tự thế giới là nói về một nỗ lực mô tả hệ thống quốc tế và cố áp đặt những giả thuyết nào đó về sự vĩnh cửu tương đối của nó.
Xét theo quan điểm cổ điển, trật tự thế giới là nói về “cân bằng quyền lực”. Nhưng trong cuộc trao đổi này, chúng ta sẽ gạt bỏ tầm nhìn này bởi vì quyền lực không còn là thành tố duy nhất của các trật tự khu vực và xa hơn, trật tự toàn cầu. Như vậy, trật tự quốc tế có thể được mô tả như một hệ thống bao gồm các mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ giữa các nhà nước với nhau và giữa các nhà nước với các nhân tố phi nhà nước có những chức năng nhất định trên trường quốc tế.

+ Tại sao nhắc tới bất ổn trật tự thế giới mà không nói tới sự tái điều chỉnh chuyển hướng sang châu Á?

- Cần phải thiết lập châu Á thành một trung tâm trong bối cảnh hệ thống toàn cầu hóa như hiện nay cần thực sự được trang bị một trung tâm. Nếu châu Á chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay thì đơn giản là châu lục này đã thể hiện được mình trong khi khái niệm cổ điển về quốc tế từ lâu chỉ giới hạn ở châu Âu, sau đó mở rộng sang Mỹ cùng với Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Thế giới lưỡng cực từ đó đã khẳng định châu Âu là trung tâm trong đời sống quốc tế, phủ nhận hoặc coi châu Á là ở ngoại biên trong một vị thế thiếu chắc chắn. Chỉ có Nhật Bản được nhìn nhận phân biệt nhưng dần dần được gọi là một quốc gia “Viễn Tây”. 

Việc Trung Quốc chiếm vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, tiếp đến là sự tự khẳng định mình của các nước mới nổi như Ấn Độ hay việc Inđônêxia đã góp phần toàn cầu hóa các mối tương quan quốc tế, đặt châu Á vào một vị trí đặc biệt của mổi tương quan này. Ngược lại, châu Âu ngày càng thiếu thích ứng với quá trình toàn cầu hóa, gặp khó khăn trong việc nhìn nhận trật tự toàn cầu này.

+ Không phải châu Á mà chỉ riêng Trung Quốc sẽ gây bất ổn định cho trật tự thế giới? Trên thực tế, các nước ASEAN và Ấn Độ dường như có ít tham vọng địa chính trị hơn.

- Rõ ràng là Trung Quốc nằm ở trung tâm của quá trình tái định hình rộng lớn của trật tự thế giới hiện nay. Đừng quên một vài con số mấu chốt: xuất khẩu của Trung Quốc từ 18 tỉ USD năm 1980, hiện đã vượt ngưỡng 1.200 tỉ USD … về ngân sách quân sự, con số được nhắc đến hiện nay là 130 tỉ USD, lớn gấp 8 lần so với thời điểm những năm cuối của thế kỷ 20.

Tác động của sự tái sắp đặt này là rất lớn và về sâu xa, lôgích phụ thuộc lẫn nhau được thể hiện rất rõ ở việc Trung Quốc nắm giữ 1.250 USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Với sự “thăng tiến” của Trung Quốc, không chỉ bản đồ quyền lực thế giới bị điều chỉnh. Trên thực tế, một khái niệm mới ra đời về một thế giới không chỉ tính đến vai trò của các nhà nước mà còn phải nhìn nhận các nền kinh tế và xã hội. Với những biến động này, sự kỳ diệu của Nhật Bản không còn sức nặng quyết định như trước.

Về trường hợp Ấn Độ, cùng có lý khi nhận định khả năng làm thay đổi khu vực, chứ chưa nói tới quốc tế, là kém hơn cho dù Ấn Độ hiện được xếp hàng thứ 7 thế giới về mặt quân sự… Quan trọng hơn, chúng ta đang chứng kiến một châu Á bùng nổ tự giải thoát mà tương lai bị kìm hãm: một mặt là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các xã hội và các nền kinh tế, mặt khác là tác động của sự ganh đua ngày càng gay gắt giữa các cường quốc khu vực mà chúng ta rất khó hình dung khả năng hội nhập của họ trong một tổng thể khu vực rộng lớn được cho là có thể hình thành một liên minh kiểu EU.

+ Có học giả nói về “địa chính trị cảm xúc”, vậy liệu có sự chuyển biến từ căng thẳng tư tưởng sang căng thẳng cảm xúc?

- Chắc chắn căng thẳng cảm xúc có một vai trò rất quan trọng ở châu Á ít nhất vì 3 lý do. Lý do thứ nhất gắn với những tranh chấp xưa cũ đối lập ký ức châu Á với ký ức phương Tây: từ việc cướp phá Di Hòa Viên ở Bắc Kinh đến cuộc kháng chiến hòa bình chống thực dân Anh ở Ấn Độ, ký ức về những ô nhục đến nay vẫn rất mạnh mẽ. Lý do thứ hai lại gắn với cuộc chơi nội bộ châu lục: đó là nhũng gì đối lập mạnh mẽ giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên với Nhật Bản và tất nhiên, Việt Nam với Trung Quốc, và thế giới Ấn Độ với thế giới Trung Hoa, sẽ rất nguy hiểm nếu việc xây dựng một trật tự khu vực không tính đến các ký ức này. Cuối cùng, lý do thứ ba có tính đương đại hơn, châu Á hiện không quan tâm nhiều đến việc điều hành toàn cầu mà ngược lại, chỉ chú ý làm sao không bị bên ngoài thống trị.

Chúng ta không thể thiết lập rõ ràng cách thức mà 3 cảm xúc mạnh mẽ nêu trên đè nặng lên một thực tế kép ít nổi bật hơn: thực tế của tương quan quyền lực đối lập một cách cổ điển nhưng mạnh mẽ của các quốc gia chủ chốt của châu Á và một thực tế khác làm đổi chiều cuộc chơi tàn nhẫn, không chỉ là cạnh tranh kinh tế mà còn là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng nặng nề. Vì thế những nước thù địch nhau vẫn buộc phải coi nhau là đối tác để không phá hoại các thị trường vốn tuyệt đối cần thiết cho bất cứ quốc gia nào.

+ Châu Á có thể gây bất ổn cho trật tự thế giới như thế nào?

- “Bất ổn châu Á” trước hết phải được xét ở quy mô khu vực, và từ xuất phát điểm này tới quy mô toàn cầu với những tham số mới của quá trình toàn cầu hóa. Phải lấy đó làm xuất phát điểm để hiểu được một bàn cờ quốc tế mới, trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ quy định mối quan hệ bạn – thù, trong đó các đòi hỏi về phát triển kinh tế sẽ chiếm ưu thế như thế nào trước các dự án chính trị thuần túy, và trong đó cái đầu lạnh với lý trí cao sẽ giành ưu thế trước thuyết cứu thế từng cấu thành nền ngoại giao phương Tây từ lâu.

Bên cạnh các diễn biến này, cần phải thêm vào nguy cơ từ các mối căng thẳng mới. Nhưng cũng cần hết sức thận trọng. Mối nguy hiểm dường như không đến từ tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc mà cụ thể hơn, từ nguy cơ gắn với sự ganh đua bất khả kháng để có được một vị trí bá chủ khu vực.

+ Nên hình dung như thế nào về cách tiếp cận chủ nghĩa hiện thực ở châu Á, nhất là ở Trung Quốc?

- Có thể nói rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng trên con đường hình thành một vị thế bá chủ thế giới mới. Trên thực tế, khi Bắc Kinh hành động, đặc biệt tại châu Phi và cả ở Mỹ Latinh, thì đó chủ yếu là để thỏa mãn các nhu cầu cung ứng nhưng phải vì ý đồ hình thành một trật tự thế giới mà họ muốn kiểm soát.

Chủ nghĩa hiện thực mà chúng ta nhắc tới ở đây, liên quan đến Trung Quốc, chính là của một cường quốc đang lên không thể hiện thực hóa tham vọng toàn cầu nếu không tìm cách áp đặt bằng được vị thế bá chủ khu vực. Ở đây có một Trung Quốc dường như đang tìm cách áp đặt chính sách cường quyền trên quy mô Đông Á và Trung Á, trong khi tạm thời từ bỏ mọi tham vọng ngoại giao toàn cầu.

Như chúng ta đã thấy, Trung Quốc đang theo đuổi các lý luận kinh tế thị trường và hiểu rõ sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn. Lôgích này được áp dụng cho cả lĩnh vực xã hội và một trong những ví dụ tiêu biểu là chính sách xuất khẩu thành công hàng loạt sinh viên để khi những người này trở về, chẳng hạn từ California, sẽ mang theo các công nghệ mới kết hợp với công nghệ trong nước, góp phần thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Đây là cách Trung Quốc hòa nhập với quá trình toàn cầu hóa.

Bằng cách khéo léo tuân theo các mối quan hệ “liên kinh tế” và bây giờ là “liên xã hội”, Trung Quốc đang đi theo một hướng không hoàn toàn là định hướng được vạch ra theo thuyết hiện thực. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng thận trọng xen lôgích này vào các không gian khu vực, thông qua các đặc khu kinh tế và các hình thức hội nhập mới của các thị trường địa phương. Tuy nhiên, cùng cần đặt vấn đề về tương lai của cách tiếp cận này: triệt tiêu để kết thúc một giai đoạn quá độ; có thể kéo dài và tạo thành một yếu tố mới trong sự cân bằng khu vực và thế giới; hay bị chệch hướng do những căng thẳng chính trị-quân sự gắn với sự kình địch giữa các cường quốc khu vực?

+ Đâu là giới hạn khoan nhượng của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên? Nếu giới hạn này bị vượt qua và Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga sẽ phản ứng như thế nào?

- Tôi cho rằng đội ngũ ngoại giao của Barack Obama đã biết cách hành động sáng suốt với con kịch phát này. Với các tổng thống khác, có thể chúng ta đã được chứng kiến một cuộc chiến tranh với những hậu quả thảm khốc…

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không nằm ở trung tâm tình trạng bấp bênh của châu Á mà chỉ là hiện thân, theo cách gần như châm biếm, cho một mô hình ngoại giao có thể chúng ta sẽ gặp nhiều hơn trong thế giới phức tạp và “vô cực” hiện nay. Đó là ngoại giao xử sự rất sai lệch, có nghĩa là kiểu ngoại giao lấy sự tồn tại và biểu hiện của mình làm chỗ dựa cho thái độ thách thức các cân bằng quyền lực và các chuẩn mực chính thức hoặc không chính thức chúng ta đã được biết. Vì những lý do chính trị nội bộ, nhà độc tài mới của Bắc Triều Tiên có nhu cầu cấp bách là khẳng định quyền lực của mình. Và vì những lý do chính trị đối ngoại, nhân vật trẻ này cũng rất cần bảo đảm một vị trí nào đó trên bàn cờ quốc tế.

Bằng việc “khua chiêng đánh trống”, đôi khi quá đà, nhà độc tài này đã ít nhiều thỏa mãn các nhu cầu của mình. Nhưng như thường thấy trong các tình huống như vậy, kiểu giễu võ giương oai quá đà đã dẫn đến sự tầm thường hóa của cách cư xử.

Điều đáng nói là Bắc Triều Tiên thường trực bị đe dọa bởi nguy cơ bùng nổ xã hội thực sự và nguy cơ này có thể được cụ thể hóa đặc biệt bằng một nạn đói nghiêm trọng hơn bất cứ tình trạng thiếu an ninh lương thực nào chúng ta được biết trong xã hội hiện đại. Bùng nổ xã hội bởi những nhân tố lệch lạc chắc chắn là nguồn gốc tiềm tàng của bạo lực và bất ổn. Đó là lý do tại sao phải tìm bằng được các sáng kiến thúc đẩy sự tái hòa nhập của Pyongyang trong bàn cờ khu vực ngay sau khi cơn kịch phát suy giảm, cho dù là thông qua tái khởi động dự án KEDO (Tổ chức phát triển năng lượng Triều Tiên) hay tái kích hoạt các đặc khu kinh tế kiểu đặc khu Kaesong, nơi Bắc Triều Tiên không thể từ chối mãi.

+ Liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thể bình thường hóa quan hệ để đảm nhận vai trò động lực kép của quá trình khu vực hóa ở châu Á hay các lợi ích của họ quá khác biệt để có thế thiết lập một quan hệ hợp tác như vậy?


- Có vẻ như giai đoạn nguy kịch nhất trong quan hệ Trung-Ấn đã trôi qua. Quả vậy, rất khó hình dung làm thế nào để phát động lại một cuộc chiến kiểu chiến tranh năm 1962 giữa hai người khổng lồ châu Á này. Chắc chắn sẽ có một sự hòa nhập kinh tế mạnh mẽ hơn trong những năm tới, khi Ấn Độ ngày càng nhìn về hướng Đông và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thị trường lớn chỉ có thể thúc đẩy mạnh mẽ điều này. Mô hình ASEAN + 3 cũng nằm trong tiến trình vận động này.

Tuy nhiên, cần nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt, mặc dù có điểm tương đồng về dân số, nhưng hai quốc gia khổng lồ này có rất nhiều điểm trái ngược nhau về lợi ích. Vì vậy, cần hướng tới một châu Á phải làm việc nhiều hơn cho nhu cầu cân bằng khu vực và bất luận ra sao, không quốc gia nào muốn đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với khu vực.

+ Có thể chúng kiến sự trở lại của Nhật Bản trong nền kinh tế toàn cầu và tại các hội nghị cấp cao quốc tế?

- Rõ ràng Nhật Bản không còn đủ phương tiện để cạnh tranh với sức mạnh của Trung Quốc và cơ chế phát triển vốn là đặc trưng của nước láng giềng này hiện nay. Sự mất thăng bằng về dân số là rất to lớn và sự khác biệt về trọng lượng kinh tế chắc chắn sẽ ngày càng lớn, trong khi lợi thế công nghệ Nhật Bản đang bị thu hẹp không ngừng trước sự tiến triển của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng trong những năm tới, cốt lõi của sự kình địch đặc biệt này sẽ thể hiện ở bình diện chính trị. Khả năng quân sự của Trung Quốc chắc chắn khiến Tokyo lo ngại bởi Nhật Bản không có phương tiện tái cân bằng. Tình trạng mất cân bằng này có thể đẩy Mỹ vào cuộc chơi do gót chân Asin của châu Á chính là nơi quy tụ các bấp bênh trong tương lai.

+ Liên minh châu Âu và Pháp có thể rút ra lợi ích gì từ sự mất ổn định này?

- Sẽ khôn ngoan hơn nếu các nước châu Âu như Pháp thay đổi quy tắc, tức là thay vì đặt ra một câu hỏi như vậy, chúng ta nên khéo léo tìm cách thích ứng với những chuyển biến như vậy. Châu Âu hiện vẫn sống với tinh thần Hội nghị Viên và với ảo ảnh về một khả năng thống trị độc quyền, và chỉ nhận biết các mối quan hệ quốc tế qua tính nhất nguyên. Rồi sẽ đến lúc châu Âu phải khám phá các mối quan hệ này qua tính đa nguyên.

Sẽ hữu ích hơn khi làm việc để xác định các điều kiện của một quan hệ đối tác thực thụ với các cường quốc đang trỗi dậy, đặc biệt là các nước ở châu Á, và tìm cách thích ứng với các phân chia vai trò mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét