Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Tỷ giá và hiệu ứng tâm lý

Không hiểu TS Thành viết một bài vô thưởng vô phạt này để làm gì ? Đã viết trên tờ báo của ngành ngân hàng (Thời báo Ngân hàng) thì dĩ nhiên phải khen cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước rồi, ví như TS viết "tỷ giá từ năm ngoái đến nay đã được điều hành rất linh hoạt và năm nay cũng vậy", "hoàn toàn có thể kiểm soát việc điều chỉnh tỷ giá trong vòng 3%"...
Thực ra cách điều hành tỷ giá của ta hoàn toàn cứng nhắc, cứ nhìn tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới thay đổi thế nào khi tình hình kinh tế thay đổi trong khi tỷ giá của ta hầu như hoàn toàn cố định thì thấy ngay. Đặc biệt, các bác điều hành chính sách tỷ giá thích điều chỉnh tỷ giá lên 3%, 5% hay giữ cứng thì làm chứ có phải linh hoạt theo thị trường đâu. Đấy gọi là tỷ giá bị đè nén, không xuống cũng không lên được dù tương quan kinh tế trong nước - nước ngoài liên tục thay đổi. Chỉ khi không kìm được mới buộc phải phá giá. Lưu ý từ lâu NHNN liên tục dùng tỷ giá là chiếc neo chính để giữ lạm phát.
Trong bài này TS Thành nói cơ sở để kìm được tỷ giá là thặng dư cán cân thanh toán 3-4 tỷ USD. Tuy nhiên cần nói rõ thặng dư này là thặng dư tổng thể, nó có được là nhờ thặng dư cán cân vốn. Còn chuyện biến động tỷ giá hàng ngày, hàng tuần thì lại phụ thuộc vào cán cân vãng lai, tức là luồng tiền vào ra thường xuyên. Với tình hình nhập siêu liên tục hiện nay, thì cán cân vãng lai đang thâm hụt nặng; và dĩ nhiên nếu đúng cơ chế kinh tế thị trường thì VNĐ phải bị mất giá. Tuy nhiên, NHNN cùng với Bộ Công An đã có những biện pháp "quyết liệt" để kiểm soát chặt giao dịch ngoại tệ và bắt tỷ giá phải cố định.

Trước đây tôi cứ hy vọng đến một ngày đồng tiền VN sẽ trở thành tiền chuyển đổi quốc tế được. Thậm chí trong bài viết này, tôi đã hy vọng đến năm 2000 VNĐ sẽ chuyển đổi được đối với tài khoản vãng lai. Nhưng càng ngày càng thấy hy vọng này là quá viển vông. Buồn.
Tỷ giá và hiệu ứng tâm lý
Những ngày gần đây, tỷ giá ở thị trường tự do tăng khá cao, tỷ giá giao dịch ở các NHTM cũng lên đến “kịch trần”. Nguyên nhân do giá USD trên thị trường thế giới tăng, nhưng rõ ràng hiện tượng tỷ giá lên đến kịch trần là có tác động hiệu ứng tâm lý.

Biến động tỷ giá chịu tác động lớn từ tâm lý xã hội
Quanh vấn đề tỷ giá nóng những ngày qua, có nhiều nguyên nhân được nhắc đến. Thứ nhất, xu thế tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt. Thứ hai, cầu ngoại tệ tăng do nguyên nhân: Nhập siêu đã trở lại, một số ngành sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi và đang vào thời vụ sản xuất cuối năm, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu tăng lên. Một nguyên nhân nữa là cần ngoại tệ cho nhập khẩu vàng để ổn định thị trường.

Cũng còn một nguyên nhân xuất phát từ động thái thoái vốn của một số nhà đầu tư nước ngoài. Trước thông tin Mỹ sẽ dần kết thúc việc nới lỏng định lượng QE 3 đã khiến đồng USD lên giá, nhà đầu tư nước ngoài vừa phòng USD lên giá, vừa muốn thoái vốn để chốt lời nên đã bán bớt phần trái phiếu Chính phủ.

Ước chừng lượng trái phiếu được bán ra vào khoảng 200 triệu USD, nhưng trái phiếu được bán bằng VND, nhà đầu tư nước ngoài cần chuyển đổi thành ngoại tệ…

Bên cạnh đó là tâm lý đầu cơ vàng vẫn còn khi chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khá cao và chỉ thấy NHNN bán vàng ra với giá bám sát thị trường.

Tất cả những thông tin đó cộng với những thông tin không đầy đủ về dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế, tiềm lực tài chính quốc gia… đã tạo nên tâm lý, khiến cho dự đoán cung – cầu ngoại tệ bị méo mó.

Điều tôi muốn lưu ý ở đây là hiệu ứng tâm lý và tác động của tâm lý đến thị trường. Tôi cũng muốn lưu ý đến sự minh bạch thông tin, sự nhất quán của thông điệp chính sách và sức mạnh của truyền thông.

Rõ ràng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng rất mạnh và đang thặng dư. Dù nhập siêu đã trở lại nhưng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cũng thặng dư và dự kiến thặng dư khoảng 3-4 tỷ USD trong năm nay. Như vậy, nhìn tổng thể thì dòng tiền đang vào nhiều hơn ra. Lạm phát có thể giữ được ở mức 6-7%. Đó là những nguyên nhân cơ bản cho thấy có thể có lúc cầu ngoại tệ tăng nhưng không căng thẳng.

Đầu năm nay có nhiều dự báo, có những lời khuyên VND sẽ phải phá giá tới khoảng 3%, lập tức thị trường cũng đã có sự chấn động. Cũng đã có câu hỏi, vậy VND sẽ mất giá bao nhiêu, và bao giờ NHNN sẽ điều chỉnh nữa. Phải thấy rằng tỷ giá từ năm ngoái đến nay đã được điều hành rất linh hoạt và năm nay cũng vậy.

Việc điều chỉnh tỷ giá còn liên quan đến vấn đề xuất – nhập khẩu và năm nay đặc biệt liên quan đến vấn đề xuất khẩu nông sản. Như đã thấy, 6 tháng qua tình hình sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản rất khó khăn, chính sách tỷ giá cũng còn phải nhằm hỗ trợ xuất khẩu nông sản. Đã linh hoạt thì lúc cần điều chỉnh sẽ điều chỉnh nhưng tôi tin rằng với tình hình cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, lạm phát… tôi cho rằng hoàn toàn có thể kiểm soát việc điều chỉnh tỷ giá trong vòng 3%.

Nền kinh tế rất nhạy cảm với những biến số vĩ mô. Câu chuyện biến động tỷ giá lần này cho thấy Chính phủ, NHNN cần có những thông điệp và cách truyền thông mạnh hơn, xuyên suốt hơn, bên cạnh việc công bố điều chỉnh tỷ giá cũng cần có những thông tin hỗ trợ, tránh để có những thông tin mơ hồ, không đầy đủ về dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế… để tạo được lòng tin thị trường, tránh được hiệu ứng phụ do tâm lý.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-ty-gia-va-hieu-ung-tam-ly-9827.html


Cập nhật lúc 05:51, 11/07/2013
Tỉ giá USD biến động:

Ngân hàng nói do tâm lý, chuyên gia nghi tại nhập vàng

(ĐVO) – “Diễn biến tỷ giá những ngày gần đây đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ”.

Có thể, cũng không loại trừ
Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã nói như vậy về diễn biến của tỷ giá USD/VND trong những ngày gần đây, nhất là sau khi có điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ ngày 28/6/2013.
Theo ông Hưng, trong ngày 28/6, ngày đầu tiên áp dụng mức tỷ giá mới, thị trường ngoại tệ và tỷ giá giao dịch diễn biến khá ổn định. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, tỷ giá có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng được yết ở mức cao.
Vị đại diện NHNN cho rằng, qua theo dõi thấy các cân đối thu chi ngoại tệ chủ yếu trong nền kinh tế vẫn diễn biến khá bình thường.
Ông Hưng dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm 2013, cán cân thanh toán quốc tế diễn biến thuận lợi, nhập siêu chỉ ở mức 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong khi đó chỉ riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đã ở mức 5,7 tỷ USD, các nguồn thu ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư gián tiếp vẫn tiếp tục ở mức cao và dự kiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 thặng dư ở mức 5 tỷ USD.
Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng và doanh số giao dịch với khách hàng cũng không có đột biến.
‘Như vậy, có thể thấy diễn biến tỷ giá những ngày gần đây đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ, và có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ’. ông Hưng nói.
Tuy nhiên ông Hưng cũng không loại trừ khả năng một số đối tượng kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính.
Theo một chuyên gia tài chính, thị trường ngoại hối lại trở nên căng thẳng, có một xuất phát từ cầu thực, đó là nhập siêu và nhập vàng
Theo một chuyên gia tài chính, thị trường ngoại hối lại trở nên căng thẳng, có một xuất phát từ cầu thực, đó là nhập siêu và nhập vàng
Cầu thực
Theo một chuyên gia tài chính, thị trường ngoại hối lại trở nên căng thẳng, có một xuất phát từ cầu thực, đó là nhập siêu và nhập vàng, song nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố đầu cơ.
Cụ thể, về cầu thực, nhập siêu trong ba tháng gần đây đã tăng dần trở lại, đặc biệt là tăng nhanh từ tháng 5 trở lại đây, từ mức nhập siêu xấp xỉ 1 tỉ USD hồi tháng 4 đã lên tới 2 tỉ USD đến hết tháng 6.

Tuy nhiên, động thái mạnh tay gom USD, bao gồm của cả các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và người dân mới là lực tác động mạnh nhất.
Theo đó, trước khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng âm xấp xỉ 1,2 – 1,3 tỉ USD, tuy nhiên, đã nhanh chóng được cân bằng do ngân hàng đẩy mạnh mua.
Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, thị trường đã xuất hiện một lực cầu khá lớn, bao gồm cả trước và sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gia tăng tiền gửi ngoại tệ ra nước ngoài, biểu hiện: quý 2 năm nay, ở hạng mục cán cân thanh toán quốc tế, tiền gửi ngoại tệ ra nước ngoài của hệ thống ngân hàng nhiều hơn tiền vay vào 378 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, lượng thâm hụt này chỉ là 104 triệu USD.
Trong phần vay nợ nước ngoài ngắn hạn, lượng tiền gửi ra nhiều hơn vay vào xấp xỉ 300 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái vay vào nhiều hơn gửi ra 876 triệu USD.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường Đại học Mở TP HCM, cho rằng tỉ giá có điều chỉnh nữa hay không còn phụ thuộc vào tín hiệu thị trường, trạng thái ngoại hối của NH Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có làm tăng sức mua USD để nhập lậu vàng hay không, cán cân thanh toán của Việt Nam có gây sức ép lên cầu ngoại tệ?...
Cũng theo ông Thuận, trong bối cảnh xuất khẩu còn khó khăn, NH Nhà nước nên tăng thêm tỉ giá 1%.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu tỉ giá được tăng thêm, NH Nhà nước sẽ có điều kiện dùng hàng ngàn tỉ đồng tiền lãi từ việc bán vàng để thu mua hơn 2 tỉ USD, bù lại cho cho số tiền nhập khẩu hơn 40 tấn vàng mà NH Nhà nước đã bán ra thị trường trong thời gian qua.
Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế - NH Nguyễn Trí Hiếu, dù có lợi cho xuất khẩu nhưng tỉ giá tăng thêm với biên độ thấp sẽ không có tác động nhiều đến nền kinh tế.
Phương Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét