Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

NH lớn không dám cho NH nhỏ vay vốn

NH lớn không dám cho NH nhỏ vay vốn
Vietcombank đã đưa lãi suất huy động xuống còn 5%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng. Ngoài Vietcombank, Agribank cũng áp dụng lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.Động thái hạ lãi suất chứng tỏ các NH lớn đang dồn ứ một lượng vốn rất lớn. Ngược lại một số ngân hàng nhỏ vẫn đang huy động vượt trần khá xa.
Sợ mất vốn
Người dân hiện có thể gửi tiền tại một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh với lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, vượt 2% so với trần quy định và 4% so với Vietcombank, Agribank.
Có một điều mà rất nhiều người thắc mắc là thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang ở giai đoạn trầm lắng nhất kể từ đầu năm 2013 với nguồn cung dồi dào và nhu cầu hạn chế. Lãi suất đang duy trì ở mức thấp từ 1- 1,2%/năm kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần; 2%/năm với kỳ hạn 1 tháng và 4,5%/năm với kỳ hạn 3 tháng.
Vậy nhưng sao nhiều ngân hàng không thể vay được ở đây, lại phải huy động ở thị trường dân cư với mức cao hơn rất nhiều.

Các chuyên gia ngân hàng cho biết điều đó chứng tỏ thị trường tiền tệ liên ngân hàng của Việt Nam thời gian qua không có sự phát triển. Phân tích về vấn đề này các ý kiến cho rằng nếu thị trường tiền tệ liên ngân hàng phát triển thì những ngân hàng thừa vốn không cho vay ra nền kinh tế có thể cho vay các ngân hàng khác thông qua thị trường này. Khi đó các ngân hàng nhỏ có thể huy động được nguồn vốn rẻ chứ không quá cao lên tới 9% như hiện nay.

Đặt câu hỏi với giám đốc Chi nhánh 1 ngân hàng thương mại cổ phần đang huy động vốn vượt trần vì sao không tìm nguồn vốn rẻ từ các ngân đang thừa vốn trên thị trường liên ngân hàng, ông này cho biết, rất muốn, nhưng các ngân hàng đó không chấp nhận cho vay.

Theo các chuyên gia, lý do là vì các ngân hàng yếu không tạo ra được lòng tin với các ngân hàng lớn. Cho vay có khi khó thu hồi, vốn vay rất có thể biến thành nợ xấu, chính vì vậy mà nhiều ngân hàng thừa vốn nhưng nhất quyết không đẩy ra thị trường liên ngân hàng, không mạnh dạn cho vay lẫn nhau.

Ngược lại những ngân hàng yếu không thể vay được trên thị trường này cứ ra huy động vốn trên thị trường dân cư với lãi suất cao và tạo nên sự chênh lệch lớn về lãi suất huy động như hiện nay.

Tình trạng vượt trần huy động đến nay tuy không gây ra hiện tượng cạnh tranh, nâng lãi suất huy động do thanh khoản nhiều ngân hàng đã tốt lên và tín dụng tăng trưởng thấp, nhưng cũng khiến cho nhiều ngân hàng không dám mạnh tay hạ lãi suất. Chỉ một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank có được nhiều nguồn vốn giá rẻ và chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp, để đảm bảo chất lượng mới dám mạnh tay hạ lãi suất xuống thấp, còn nhiều ngân hàng khác không thể làm như thế.

Vẫn phải vay vốn lãi suất cao


Hiện trên thị trường nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn áp mức lãi suất huy động ở mức kịch trần 7%/năm. Và điều này khiến cho lãi suất cho vay khó hạ thấp. Trên thực tế, lãi suất cho vay vẫn từ 9% - 14%/năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước nửa đầu năm 2013, số vốn vay có lãi suất dưới 10%/năm rất khiêm tốn, chỉ 14% trong khi lãi vay từ 10% - 13%/năm chiếm tới 50% trong tổng dư nợ, còn lại trên 13%/năm.

Đặc biệt với các ngân hàng đang huy động vốn mức 9%/ năm thì cho vay từ 13%- 14%/năm là mức khá cao. Theo các chuyên gia, nếu như các ngân hàng này huy động được vốn trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất thấp thì lãi suất cho vay cao nhất sẽ chỉ ở mức 11%/năm và mặt bằng lãi suất chung sẽ thấp hơn rất nhiều. Như vậy các DN dễ tiếp cận được vốn hơn, bởi các điều kiện cho vay của những ngân hàng này không khắt khe như các ngân hàng lớn.

Khi đó, các ngân hàng lớn sẽ phải đưa lãi suất cho vay xuống thấp hơn để cạnh tranh. Điều này có lợi chung cho sản xuất kinh doanh trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng rất tiếc nó đã không sảy ra.

Nếu như công việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém diễn ra đúng kế hoạch thì đến nay các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và niềm tin đã quay lại, thị trường liên ngân hàng chắc chắn đã phát triển. Ở đó những ngân hàng thừa vốn và thiếu vốn có thể tìm đến với nhau. Nhiều ngân hàng sẽ tìm được nguồn vốn rẻ và nhiều ngân hàng sẽ giải quyết được một lượng lớn vốn thừa chứ không phải cảnh có cung có cầu mà không thể gặp nhau như hiện nay.

Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến dẫn đến muốn làm gì cũng bị vướng, tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nhận xét.

Về phía Ngân hàng Nhà nước lại có vẻ chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu nào trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội kỳ họp vừa qua, cho biết quá trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

Do khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nói chung chưa hoàn thiện. Ngoài ra, việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định. Đáng chú ý, vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước, gây thêm khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này.

Trần Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét