Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Người Việt đừng tự hạ thấp mình

Người Việt đừng tự hạ thấp mình

Trong sách Đắc nhân tâm đã tổng kết đại ý rằng, phàm làm người (bình thường) thì ai cũng thích được khen và không thích bị kẻ khác chê, từ đứa trẻ mới sinh đến người già sắp chết ai cũng đều như thế. Điều đó có thể coi là chân lý. Như trường hợp bạn, một người Việt nam mà nghe một người nước ngoài chê người Việt nam một cách vô lý thì bạn có cảm giác gì?
Vậy mà trên các mạng xã hội lại có một số những người hình như họ chỉ biết chê, những cái gì liên quan đến Việt nam đều thấy họ chê, họ chê ngày này qua năm khác. Cái đó khiến tôi nghĩ không có lẽ một dân tộc con Rồng cháu Tiên với vài nghìn năm lịch sử như dân tộc Việt nam mình, mà đến hôm nay cái gì cũng xấu hết và không có một cái gì đáng để tự hào cả?
Và bản thân tôi từng sống ở nước ngoài không ít năm, nhưng ít khi thấy ngưởi bản xứ chê bản thân mình nói riêng hay người Việt nói chung. Vậy mà trên mạng internet chỉ thấy người Việt chê người Việt. Nói chính xác thì ở Việt nam còn rất nhiều khiếm khuyết trên con đường hội nhập với thế giới văn minh, nguyên nhân thì có nhiều, khách quan hay chủ quan. Nên nhớ, một bàn tay có ngón dài ngón ngắn, cũng như mỗi đất nước, mỗi dân tộc thì chuyện có người tốt, người xấu là điều không tránh khỏi. Chuyện người Việt ra nước ngoài rồi vào siêu thị ăn cắp đồ bị người bản xứ treo biển cảnh cáo cũng chỉ là hiện tượng chứ không thể là bản chất. Chắc chắn một điều người Việt nam mình bây giờ có nhiều người tốt hơn người xấu.

Có một chuyện thấy thường xuyên trên măt báo trong chủ đề người Việt xấu xí, tôi cảm thấy cũng cần phải nói lại cho rõ. Vì hình như vấn đề này đã bị lạm dụng và được sử dụng không đúng chủ đề. Đó là cái chuyện ở các nhà hàng ăn kiểu buffet ở Thái lan có một tấm biển đề dòng chữ bằng tiếng Việt "Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ bị phạt từ 200-500baht". Chỉ có thế thôi, song đã có đủ các loại ý kiến bình luận khác nhau, chê có, bênh có; nhưng tóm lại là người Việt nam sao nhục quá (!?)

Vậy chuyện đó nó đúng như người ta nghĩ và suy diễn như thế không?

Một thông báo của nhà hàng ở Viêng chăn
- Lào bằng hai thứ tiếng Lào - Việt.

Trước đây và hiện nay, việc các khách sạn, nhà hàng hay các cơ sở dịch vụ du lịch phục vụ theo phong cách buffet nghĩa là thực khách tự phục vụ đã trở nên phổ biến. Ví dụ, khoảng gần hai chục năm trở lại đây, ở Thái lan xuất hiện các nhà hàng thịt nướng kiểu Nam Hàn, phục vụ theo lối buffet rất đắt khách. Sự đắt khách ở đây không chỉ đơn thuần là nhà hàng phục vụ món ăn ngon, với các món thịt lợn, thịt bò, thị gà, các loại hải sản cá mực, tôm... được ướp tẩm và sẽ được thực khách nướng trên lò than hồng. Rồi được chấm với nước (sốt) chấm chua chua, ngọt ngọt, cay cay cùng với các loại rau, miến, mỳ có thể nhúng trong cùng một nồi. Ngoài ra trong bữa ẩm thực ấy thực khách còn được thưởng thức vô số các loại thức ăn tráng miệng như chè Thái lan, cream các loại v.v...

Điều đặc biệt là thực khách có thể ăn, uống bao nhiêu cũng được, tùy thích. Nhưng với một mực giá cố định khoảng trên dưới 3$/đầu thực khách (trẻ em được giảm 50%), phong cách này người ta gọi là ăn kiểu buffet. Đã là ăn thỏa sức, không hạn chế số lượng thì không thể tránh khỏi các trường hợp có các vị khách "no lòng, đói con mắt". Nghĩa là họ sẽ mang về bàn mình quá nhiều thức ăn và không dùng hết, gây ra tình trạng lãng phí và thiệt hại cho nhà hàng. Do vậy, tất cả các nhà hàng phục vụ theo phong cách buffe và bán loại thức ăn này ở Thái lan tất cả đều có tấm biển nói trên bằng tiếng Thái, với mức phạt tương đương 8-10 $. Với mục đích để nhắc nhở khách hàng người Thái biết để lưu ý lấy đủ ăn để tránh lãng phí. Cá biệt có những nhà hàng ở Thái lan ghi rõ "Ăn không hết, để thừa một miếng phạt 20 baht (70 cent)". 

Điều đó cho thấy không có lẽ các nhà hàng ở Thái lan cũng khinh thường khách hàng vốn là thượng đế của họ? Do vậy không thể nói cái thông báo trên trong các nhà hàng là khinh thực khách nói chung và thực khách người Việt nói riêng, đó là một sự hiểu lầm. Còn chuyện tấm bảng kia viết bằng tiếng Thái, đôi khi cả tiếng Việt cũng chỉ là ngẫu nhiên. Điều đó sẽ thường thấy ở những nhà hàng mà chủ yếu thực khách là khách nước ngoài nói chung và khách du lịch Việt nói riêng?
Điều này bạn cũng dễ dàng gặp ở Lào hay Campuchia, ở những nhà hàng phục vụ theo phong cách buffet họ cũng làm bảng thông báo y như vậy. Còn nếu ai đã từng sống ở Lào hay Campuchia thì sẽ hiểu hơn rằng, dưới con mắt của người dân bản xứ thì chúng ta luôn là một dân tộc lớn và được người dân ở các quốc gia ấy họ tôn trọng và ngưỡng mộ. Không có lẽ hình ảnh bảng thông báo trong cửa hàng ăn bufet bằng hai thứ tiếng Việt - Lào (trong ảnh) là người Lào khinh người Việt?
Nói như thế để thấy, việc lưu ý thực khách trong dịch vụ ăn uống kiểu buffet là một quy tắc chung ở mọi nơi, cho mọi đối tượng sử dụng dịch vụ kiểu buffet này. Nó là chuyện hoàn toàn bình thường và bắt buộc đối với người kinh doanh nhằm đảm để bảo hiệu quả kinh doanh của họ. Bảng thông báo trên hoàn toàn không ác ý, có chủ tâm coi thường thực khách là người Việt, chỉ cần đọc nội dung bảng thông báo đó cũng thấy nhà hàng hết sức tôn trọng thực khách kể cả người Việt nam mình. Xin đừng ngộ nhận để rồi xem đó là một nỗi quốc nhục của người Việt, thì đó là điều đáng tiếc.

Nói cho đúng, người Việt mình còn nhiều thói xấu cần phải sửa đổi việc phê phán hay chê trách là cần thiết. Để biết sai và sửa chữa cho mỗi ngày một hoàn thiện cho tốt hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng nên có giới hạn của nó, nếu thái quá thì cũng không tốt. Nhất là chuyện chê, nếu chê thì phải chê cho đúng, đừng có dùng sự cảm tính của cá nhân mình để suy diễn cho sai lệch là điều không nên. Bởi vì nếu như thế thì chính là tự hạ thấp mình, khi đó việc chê sẽ phản tác dụng.
Bạn cứ thử nghĩ xem, khi bản thân mỗi người chúng ta còn không tự tôn và có lòng tự trọng dân tộc của mình thì mong gì người dân tộc khác họ coi trọng dân tộc Việt nam?

Ngày 20 tháng 7 năm 2013
© Kami - RFA Blog's

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét