Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Một cuộc cách mạng nông nghiệp: Không thể chần chừ

Một cuộc cách mạng nông nghiệp: Không thể chần chừ
Trong tuần, một lần nữa vấn đề nông nghiệp lại nóng lên khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh có sản lượng lúa và thủy sản lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Cuộc làm việc của Thủ tướng nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản. Có thể thấy, sau thời gian "chẩn bệnh, bốc thuốc kê đơn và đại phẫu”, thì nay nền nông nghiệp nước nhà đã đến lúc phải thay đổi cục diện. Dư luận cho rằng, một cuộc cách mạng nông nghiệp ở Việt Nam đã bắt đầu.
1. Cũng trong ngày 11-7, tại Đồng Tháp đã diễn ra hội nghị "Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở các tỉnh Nam bộ”, do Bộ NN&PTNT và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đồng chủ trì. Rất đáng lo ngại là, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong nửa đầu năm 2013, tổng sản lượng vụ Đông Xuân của cả nước đạt trên 20 triệu tấn nhưng nông dân càng làm càng lỗ. Lý do chính: giá trị xuất khẩu giảm.

Chính do lợi nhuận người nông dân thu được quá ít từ việc trồng lúa nên nhiều nơi tại ĐBSCL, bà con đã chuyển từ trồng lúa sang trồng màu. Về vấn đề này, nhiều ý kiến ủng hộ, coi đó là sự năng động, là hướng đi đúng đắn giúp nông dân có thu nhập cao. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi đặt vấn đề: việc thay thế diện tích đất lúa sang trồng màu liệu có thật sự mang lại hiệu quả? và đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho nông dân?
Khó khăn của nông nghiệp đã hiện ra rất rõ ràng. Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Vĩnh Long mới đây, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã tập trung nói về nông nghiệp- nông thôn- nông dân. Người ta thực sự lo ngại khi mà nguồn thu chính của tỉnh là nông nghiệp thì 6 tháng đầu năm nay lại bị âm. Cụ thể: giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp - thủy sản giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên Vĩnh Long rơi vào tình thế đó, được coi như một dấu hiệu báo động đối với một địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ông Trương Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND tỉnh này nhận định, đây là thời điểm khó khăn nhất cho sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua. Ông Sáu dẫn chứng, năng suất, sản lượng, giá trị của hầu hết các sản phẩm do người nông dân làm ra như lúa, gia súc, gia cầm, thủy sản... đều giảm. Trong đó, giá bán nhiều sản phẩm dưới giá thành. Đáng chú ý, không chỉ lĩnh vực trồng trọt (nhất là cây lúa) giảm, mà chăn nuôi còn giảm mạnh hơn: tổng đàn heo giảm 8,44%, bò giảm 17,17%, giảm 100 lồng bè nuôi cá. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 2,24% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng tại kỳ họp của HĐND tỉnh Vĩnh Long, đại biểu Bùi Văn Nghiêm (huyện Vũng Liêm) đưa ra những con số cụ thể về giá cả: nhãn đầu vụ 12.000 đ/kg, hiện chỉ còn 7.000 đ/kg; bưởi 20.000 đ/kg đầu vụ, nay chỉ còn 12.000 đ/kg. "Giá cả bấp bênh, giảm sâu đã làm người nông dân ngán ngại khi khôi phục đầu tư”, đại biểu này nói. Tương tự, đại biểu Phạm Hoàng Khải (huyện Trà Ôn) cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá trị sản xuất ngành nông nghiệp sụt giảm do giá cả liên tục bị rớt. "Vấn đề đặt ra là phải chăng cung đang vượt quá cầu? Nếu đúng thế thì nhất thiết phải xem lại quy hoạch, xem lại cơ cấu để có giải pháp tái cơ cấu lại mùa vụ, tái cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi”, ông Khải khẩn thiết đề nghị.

2. Sản xuất nông nghiệp suy thoái sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Hiện 70% dân số nước ta sống tại khu vực nông thôn, trong đó chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông. Có nghĩa là, tại thời điểm này 70% dân số đất nước phải chịu tác động xấu từ sự sụt giảm hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Như vậy, công tác bảo đảm an sinh xã hội thiếu bền vững. So với thành thị, người nông dân vốn đã thu nhập thấp, là đối tượng dễ bị tổn thương thì nay lại phải gánh chịu những khó khăn chồng chất.

Cũng cần lưu ý, vài 3 năm trước, khi công nghiệp, dịch vụ suy giảm thì chính lĩnh vực nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng, làm ổn định tình hình. Nông nghiệp vốn được coi là "vịnh trú bão” an toàn cho nền kinh tế nước nhà, thì nay chính mặt vịnh phẳng lặng lại nổi sóng. Đó là điều thực sự lo ngại, được dư luận xã hội quan tâm dõi theo một cách sâu sắc, đầy hồi hộp.

Trên thực tế "tam nông” là vấn đề hệ trọng của đất nước. Vậy nhưng đã có một thời gian dài người ta đã coi thường nó. Bằng chứng là nông nghiệp- nông thôn- nông dân ít được đầu tư. Đầu tư lớn của nhà nước chủ yếu là những công trình xây dựng cơ bản, những dự án công nghiệp lớn, các khu chế xuất, khu công nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; nhất là việc đô thị hóa một cách ồ ạt. Biết bao nhiêu thị trấn lên thị xã, thị xã lên thành phố và các đô thị cứ mở rộng tưởng như vô tận, tiến sát về làng, lấn đất của làng, làm cho làng quê xáo động. Chính vì thế, nông thôn mất lực phát triển. Người làm nông không còn động lực làm giàu trên chính mảnh ruộng, mảnh vườn, vì thế đã dẫn đến tình trạng trả ruộng, bán ruộng, "treo ao, treo chuồng, treo vườn, treo ruộng” và rồi những làn sóng ly hương lẫn ly nông diễn ra phổ biến.

Mấu chốt của vấn đề chính là việc người nông dân không được thụ hưởng xứng đáng những gì họ bỏ ra, cuộc sống của họ là một chuỗi dài tụt hậu so với một số đối tượng dân cư khác. Đích đến để giải quyết vấn đề tam nông là gì nếu không phải là:

-Với nông nghiệp, đó là sự phát triển bền vững;
-Với nông thôn, đó là những vùng quê yên ả, đổi mới;
-Với nông dân, đó là thu nhập cao từ sự lao động chân chính, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày một đi lên.

Nhưng thực tế còn quá nhiều vướng mắc. Với nông nghiệp, rớt giá, tiêu thụ sản phẩm khó khăn; chấp chới trong chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Với nông thôn, bộ mặt làng quê thay đổi theo hướng ẩn chưa nhiều bức xúc, dễ bùng phát. Với nông dân, xuất hiện tư tưởng chán làng, chán ruộng.

Một số ý kiến cho rằng, ở lĩnh vực này đã có sự "đứt gẫy”, nếu không nhận diện đúng, không có giải pháp đúng và tích cực thì sự đứt gẫy ấy khó chắp nối. Giống như một vết thương không lên nổi da non.

3. Như vậy, tại thời điểm này, ngành nông nghiệp vừa phải tiến hành một cuộc "đại phẫu”, lại vừa phải làm một cuộc cách mạng thực sự. Đó là đòi hỏi của thực tiễn, cũng là tuân theo quy luật của sự phát triển. Quy luật ấy không dựa trên sự duy ý chí, cũng không thể theo lối "duy ngã độc tôn” của ai đó áp đặt; mà phải xuất phát và dựa hẳn vào quy luật kinh tế thị trường, quy luật xã hội và truyền thống của một quốc gia từng tự hào bởi một nền văn minh lúa nước.

Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp chính là đòi hỏi bức thiết nhất. Quy hoạch ấy phải tính đến giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp, đến sự phát triển bền vững và lợi ích thực sự của người nông dân.

Trở lại vấn đề, khi mà cây lúa không còn đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân, thì trồng cây gì, nuôi con gì là phù hợp. Vùng nào làm cách gì? Có một mẫu số chung, một cách làm chung "đồng phục” cho tất cả các vùng miền hay không? Dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà- những giải pháp ấy kết quả đến đâu, những gì tích cực, những yếu tố nào duy ý chí kém hiệu quả, kìm hãm sự phát triển… Đó là những câu hỏi lớn, là sự trăn trở của người làng quê Việt Nam hôm nay.

Trong quá trình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, đành rằng người nông dân đang không được hưởng lợi từ hạt lúa, dẫu nước ta là cường quốc xuất khẩu gạo và việc trồng màu thay vì trồng lúa đang được coi là một lối mở nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, không nên vội vã giảm diện tích, sản lượng lúa- vì rất có thể lại "sập bẫy” từ sự ngộ nhận. Luồng ý kiến này cho rằng, vẫn phải giữ lại 3,8 triệu hecta đất trồng lúa nhưng nên giảm vụ thay vào đó là trồng màu đan xen. Gần đây, một số địa phương đã quy hoạch giảm diện tích trồng lúa nhưng cũng không thể cầm chắc số đất "cắt” ra ấy sẽ được dùng đúng mục đích, có khi lại rơi vào cảnh "phân lô, bán nền” hay là làm… sân golf.

Quan trọng nhất để nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững chính là ở khâu bao tiêu sản phẩm. Khi mà năng suất ngày một tăng thì sản phẩm phải được tiêu thụ tốt hơn. Mức độ tiêu thụ trong nước có thể tính được, nhưng quan trọng hơn chính là xuất khẩu. Người nông dân không thể tự xuất khẩu, cũng không thể trông chờ bởi các tư thương, những chủ ghe, chủ vựa mà phải có sự "chống lưng” mạnh mẽ của Nhà nước.
Chính vì thế dư luận cho rằng, việc ngày 11-7 vừa qua Thủ tướng làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh vựa lúa ĐBSCL là khởi đầu một cuộc cách mạng nông nghiệp- một cuộc cách mạng không thể chần chừ.

5 "luật chơi” của thị trường nông sản  thế giới
Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2007, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm- thủy sản của Việt Nam là 8,3 tỷ USD; đến năm 2012 đạt 27,5 tỷ USD, tăng gấp 3,4 lần. Tuy nhiên, gia nhập WTO không có nghĩa là được ngồi không hưởng lợi mà phải tuân thủ những quy định khắt khe. Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo khi cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới như sau:
-Thứ nhất, hàng hoá phải đồng bộ về chất lượng mà điều đó không thích hợp với kiểu canh tác nhỏ lẻ của Việt Nam.
-Thứ hai, hàng hoá phải có chứng nhận "sản xuất nông nghiệp tốt GAP” hoặc "sản xuất chế biến tốt GMP”; cam kết về kiểm dịch động thực vật SBS… là sự bắt buộc.
- Thứ ba, hàng hóa phải có chứng minh về nguồn gốc (chứng chỉ xác nhận giống không thuộc loại cây biến đổi gien GMO), chất lượng (hàm lượng protein, chống oxy hoá, vitamin…, vừa phải đồng nhất (giống, kích cỡ, màu sắc, bao bì, nhãn mác).
- Thứ tư, phải biết cách vượt qua rất nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản pháp lý do các nước nhập khẩu dựng lên.
- Thứ 5, giá cả là yếu tố quyết định cuối cùng. Rất có thể người nông dân sẽ bị ép bán sản phẩm với giá rẻ mạt.

Báo Đại Đoàn kết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét