Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Hai năm nữa ghép đầu người?

Hai năm nữa ghép đầu người?
TT - Câu chuyện giả tưởng ghép đầu người cho “quái vật” Frankeinstein có thể trở thành hiện thực trong thế kỷ 21 này với cái giá 13 triệu USD.
Cảnh trong phim Con của Frankeinstein - Ảnh: AFP
“Điều gì sẽ xảy ra khi một tỉ phú già nua người Trung Quốc sẵn sàng chi tiền để sở hữu một cơ thể mới? Hãy tưởng tượng xem viễn cảnh chúng ta sẽ có một Albert Einstein với cái đầu của nhà bác học được gắn trên một cơ thể mới?”. Bác sĩ giải phẫu thần kinh Ý Sergio Canavero vừa gây chấn động thế giới khi tuyên bố có khả năng thực hiện cấy ghép đầu người trong vòng hai năm tới với chi phí khoảng 13 triệu USD - cái giá mà theo ông “chưa bằng thu nhập hằng năm của một danh thủ bóng đá”.
Tuyên bố của ông càng gây xôn xao khi được đăng trên tạp chí Surgical Neurology International (Giải phẫu thần kinh thế giới) rất nghiêm túc của Mỹ và ông tự tin vào “đột phá khoa học trong ngành y” mà ông sắp thực hiện. Năm 2008, GS Canavero trở nên nổi tiếng khi có thể “làm tỉnh giấc” một phụ nữ bị hôn mê và sống đời sống thực vật suốt hơn hai năm.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Thụy Sĩ Le Matin, GS Canavero khẳng định dự án này hoàn toàn có cơ sở khi “tiếp nối những kết quả khả quan mà GS người Mỹ Robert

J. White đã thành công khi cấy ghép đầu ở khỉ trong thập niên 1970”. Theo đó, giai đoạn khó nhất khi thực hiện cấy ghép đầu ở người chính là “hồi phục tủy sống” nhờ vào việc sử dụng các vật liệu hóa học để khôi phục các dây thần kinh.

Nhu cầu thực tế của dự án này là có thật. “Người nhận (tức người tiếp nhận cơ thể mới) là người bị liệt tứ chi nhưng não vẫn còn hoạt động hoặc bệnh nhân mắc bệnh ung thư nhưng không di căn lên não. Còn bên cho là người bị chết não do chấn thương nhưng các cơ quan khác không bị ảnh hưởng và cơ thể vẫn còn lành lặn” - GS Canavero giải thích thêm rằng người cho lẫn người nhận buộc phải cùng giới tính, vóc dáng và nhóm máu tương xứng.

Tuy vậy, GS Canavero cho biết ca phẫu thuật sẽ rất phức tạp khi phải huy động đội ngũ y tế hơn 100 người. Họ phải phối hợp nhịp nhàng và thao tác phải nhanh. Quy trình cấy ghép được mô tả như sau: hai nhóm bác sĩ phẫu thuật sẽ làm việc song song. Nhóm phụ trách “phần đầu của người nhận” sẽ giữ lạnh đầu để tránh gây thương tổn cho não, các cơ, khí quản, thực quản, mạch máu được tách ra khỏi cổ và trong tư thế sẵn sàng để được cấy ghép. Nhóm kia chuẩn bị “cơ thể của người cho” với các thao tác giống hệt như nhóm đầu.

Ở giai đoạn cấy ghép, các bác sĩ chỉ phải nối các mô thần kinh lại với nhau. Khó nhất là công đoạn cắt phần tủy sống của người cho và người nhận rồi đặt chúng vào đúng vị trí để cơ quan này vẫn tiếp tục hoạt động sau đó.

Nếu ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân sẽ cần có thời gian dài để dưỡng bệnh và được điều trị bằng một loại thuốc để tránh làm tổn hại đến cơ quan cấy ghép. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được trị liệu tâm lý khi đón nhận cơ thể mới và học cách vận động bằng các bài tập vật lý trị liệu.

Nhiều câu hỏi đạo đức

Quá trình phẫu thuật được giải thích có vẻ đơn giản nhưng vấn đề y đức gây khá nhiều băn khoăn ở giới y bác sĩ. Người ta vẫn nhớ rằng GS Robert J. White sau khi ghép đầu trên loài khỉ đã buộc phải “gây chết không đau” cho hai con khỉ sau hàng loạt biến chứng. GS Canavero tin rằng thời gian hai năm là đủ để tập hợp được đội ngũ chuyên gia có thể thực hiện cấy ghép và tìm người nhận lẫn người cho.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là khung đạo đức và pháp lý cho đột phá khoa học này. GS Canavero cùng một số nhà khoa học đều lo lắng về việc nếu xây dựng không nhanh thì không loại trừ khả năng có kẻ lợi dụng phương pháp cấy ghép này để “tái sinh” bất hợp pháp. Theo đó, GS Canavero yêu cầu “cần phải ban hành cụ thể các quy tắc chung về tính y đức” khi thực hiện phương pháp cấy ghép đầu để quá trình phẫu thuật không rơi vào tay những bác sĩ kém chất lượng hoặc họ làm việc vì một lợi ích khác.

Trả lời trên báo mạng aufeminin.com, bà Sandrine de Montgolfier - chuyên gia về vấn đề y đức - tỏ ra băn khoăn: “Vấn đề hiện nay là chúng ta chỉ nhìn khoa học dưới lăng kính hi vọng. Do vậy những băn khoăn về y đức thường bị tác động bởi lẽ nếu đưa ra những nghi ngại thì bị gán ghép là vật cản cho sự phát triển của xã hội. Theo tôi, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải tự vấn về ý nghĩ con người là gì, xã hội là gì và cách thức chung sống với nó là gì. Tôi là nhà khoa học và tôi nghĩ rằng khoa học có thể đưa chúng ta đến những điều tốt đẹp nhưng khoa học không được phép quy định chúng ta phải làm những gì”.

HÀ AN

Chính phủ Anh đã chấp thuận quy trình cho phép tạo ra đứa trẻ mạnh khỏe từ cha hoặc mẹ có ADN “bị lỗi” khiến đứa trẻ có thể mắc bệnh lúc chào đời, theo Reuters ngày 28-6. Bộ phận y tế của chính quyền Anh đang soạn thảo quy định và dự tính sẽ hoàn thành vào cuối năm nay để trình lên quốc hội thông qua.

Đây là một ý tưởng khá giản đơn: thay ADN “bị lỗi” của cha hoặc mẹ bằng ADN mạnh khỏe của một người hiến tặng. Như thế đứa trẻ sẽ mang trong mình di truyền của ba người và đó chính là mấu chốt gây nhiều băn khoăn về y đức và luật pháp.

Thế nhưng các kết quả thăm dò cho thấy đa số dân Anh ủng hộ ý tưởng trên, bởi trên thực tế tại Anh cứ 1/200 trẻ em chào đời mang trong mình ADN bị biến đổi có khả năng dẫn đến các chứng bệnh và khoảng 1/6.500 trẻ sơ sinh có ADN bị lỗi nặng có thể dẫn đến cái chết.

Tuy nhiên, một số người phản đối cho rằng việc sửa đổi ADN trong phôi thai có thể là bước đầu tiên hướng đến việc tạo ra các “em bé hình mẫu” có cấu trúc di truyền được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu về chiều cao, màu tóc... như ý muốn của các bậc phụ huynh.

ANH THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét