Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Doanh nghiệp dự cảm không tốt về nền kinh tế

(Petrotimes) – Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp cảm nhận tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay còn xấu hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm 2012. Thông tin tại hội thảo “Động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm”, tổ chức tại TP HCM ngày 9/7.Tồn kho tiếp tục là mối lo ngại
Khảo sát trên 700 doanh nghiệp đang hoạt động, VCCI đánh giá vấn đề hàng tồn kho đang là mối lo ngại hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp, với 69,2% doanh nghiệp đang bị ứ đọng hàng tồn kho và khó khăn trong việc giải quyết đầu ra. 
Mặc dù, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này như: tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm giá bán, tăng cường khuyến mại, quảng cáo, mở rộng đưa hàng về tiêu thụ ở khu vực nông thôn… nhưng dường như các giải pháp này không thu được hiệu quả cao trong tình hình sức cầu trong và ngoài nước đều giảm sút.
Hội thảo “Động thái doanh nghiệp 6 tháng đầu năm”

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm giảm sút mạnh là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự ảm đảm của nền kinh tế, làm doanh nghiệp hết hào hứng kinh doanh nhưng trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp khó tăng giá để tăng lợi nhuận mà phải chú trọng kiểm soát chi phí, tăng năng suất lao động để hạ giá thành, giúp hàng hóa dễ tiêu thụ.

Đó cũng là lý do giải thích cho việc dù lãi suất ngân hàng giảm nhưng nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay giảm so với 6 tháng cuối năm 2012.

TSKH Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM cho rằng: Do doanh nghiệp còn gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm hoặc bị vướng về năng lực cạnh tranh, phải hạ giá thành sản phẩm nhiều để giải phóng hàng tồn và có mức lợi nhuận quá thấp nên chỉ bán hàng cầm chừng và không muốn vay vốn ngân hàng vì không bù nổi chi phí lãi vay. Mặc khác, tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng giảm còn do thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao, doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, bị vướng nợ xấu…

Ngoài ra, tình trạng đầu tư sụt giảm cũng là biểu hiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 38.908 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng số vốn đầu tư gần 194.000 tỉ đồng. Số doanh nghiệp mới thành lập gia tăng so với cuối năm 2012 nhưng số vốn đầu tư giảm cho thấy doanh nghiệp rất thận trọng trong đưa vốn ra đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện có gần 50% số doanh nghiệp nước ngoài có nguy cơ chấm dứt hợp đồng hay giải thể vì giấy phép kinh doanh hết hạn. Trong tình trạng khó khăn của sản xuất, kinh doanh làm cho họ đắn đo suy nghĩ có nên tiếp tục đăng ký hoạt động lại hay không. Các nhà đầu tư mới cũng có đến nhiều nhưng chủ yếu là thăm dò, quan sát hơn là đưa vốn đầu tư vào hoạt động. Mấy năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta giảm sút mạnh, từ 64 tỉ USD năm 2008, xuống chỉ còn 18 tỉ USD năm 2010 và 15 tỉ USD năm 2011. Hiện nay, chưa có dòng vốn mới nào vào vì nhà đầu tư đang cân nhắc trước khi quyết định.

Các dấu hiệu trên cho thấy, kinh tế vẫn đang tiếp tục khó khăn, chiều hướng tăng trưởng chưa thể hiện rõ, nguy cơ tụt hậu, giảm phát vẫn đang rình rập.

Cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cũng nhận thấy sự chia sẻ khó khăn của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan thông qua các giải pháp hỗ trợ. Đa số doanh nghiệp thừa nhận thái độ phục vụ của cán bộ công quyền tốt hơn, chất lượng các quy định pháp lý, chính sách, thủ tục hành chính tốt hơn, nhiều chính sách thể hiện hiệu quả trên thực tế.

Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thị Quyên - Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, đa số doanh nghiệp cho rằng các biện pháp hỗ trợ Nhà nước đề ra cần cụ thể và sát với thực tế hơn. Cụ thể như, chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng được doanh nghiệp đánh giá rất cao về tính hiệu quả vì nó sát với quyền lợi của doanh nghiệp.

Khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 40% doanh nghiệp đánh giá các biện pháp trên đem hiệu quả cao và chỉ có 13,6% cho rằng hiệu quả thấp. Các chính sách hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% tiền thuế đất năm 2013, giải pháp về vốn tín dụng cũng nhận được sự đánh giá cao từ phía doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả thực thi 
chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ

Trong khi đó, chỉ có 15% doanh nghiệp pcho rằng giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 02 của Chính phủ là có hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp cho rằng, giải pháp này còn chung chung, chưa cụ thể nên hiệu quả không rõ rệt.

TSKH Trần Quang Thắng nhận định: Đã đến lúc cần phải cụ thể hóa, làm rõ nét hơn mối tương tác giữa Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp “Nhà nước và ngân hàng cần doanh nghiệp hỗ trợ những gì và doanh nghiệp thật sự cần Nhà nước và ngân hàng hỗ trợ những gì” để kinh tế đất nước có thể phục hồi trong thời gian sớm nhất.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường để giải quyết nhanh hàng tồn kho; ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với tình hình lạm phát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét