Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Cung điện nghệ thuật dưới lòng đất ở Moscow


by Madison - Theo Trí Thức Trẻ / 00:00 22/05/2013
Khám phá những tác phẩm nghệ thuật đẹp lộng lẫy 
trong hệ thống ga tàu điện ngầm tại Moscow (Nga).
Metro Moscow (tàu điện ngầm) bắt đầu hoạt động tại Moscow vào năm 1935 với chỉ hơn 11 km đường, nối 13 trạm, nhưng nó đã phát triển thành hệ thống giao thông nhộn nhịp thứ tư trên thế giới, trải dài 300 km và cung cấp 188 điểm dừng.
Metro Moscow là một trong những công trình kiến trúc lộng lẫy nhất của Nga, với các ga tàu được xây dựng sang trọng như “cung điện dành cho nhân dân”. Được xây dựng dưới sự giám sát của Stalin, nhà lãnh đạo đã yêu cầu các nghệ sĩ và kiến trúc sư thiết kế một cấu trúc thể hiện svet (vẻ lộng lẫy rực sáng) và svetloe budushchee (một tương lai rạng rỡ). Ông cũng chỉ đạo thiết kế những kiến trúc có thể khuyến khích người dân chiêm ngưỡng tác phẩm ga tàu, như thể họ đang khát khao được chiêm ngưỡng mặt trời hay một vị thần vậy. Với những bức tường bằng đá cẩm thạch phản chiếu ánh sáng, trần cao và những chiếc đèn chùm hùng vĩ, nhiều ga tàu ngầm Moscow đã được so sánh như “mặt trời nhân tạo dưới lòng đất”.



Các kiến trúc nghệ thuật bao gồm những bức phù điêu, trụ gạch, đá cẩm thạch và những bức tượng bằng đồng, cửa sổ kính màu, vô số bức khảm bằng thủy tinh, đá granit phong cách kiến trúc Byzantine. Bạn cũng có thể nhìn thấy hình ảnh các nhân vật cách mạng, lịch sử, chiến công của họ, các vận động viên, các hình ảnh tượng trưng cho ngành công, nông nghiệp, chiến tranh, cũng như những dân thường Liên Xô như công nhân, binh lính, nông dân, và học sinh.

Phong trào kiến trúc huy hoàng của Nga chấm dứt vào năm 1955, sau khi Đảng Cộng sản ban hành nghị định loại bỏ “sự lãng phí trong thiết kế và xây dựng”. Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, tầm ảnh hưởng của ông với hệ thống Metro Moscow không còn. Những tác phẩm điêu khắc được chuyển tới cơ sở lưu trữ, nhiều bức khảm và hình chạm khắc bị bỏ đi. Các ga tàu mới được xây dựng sau này không còn được chú trọng đến nghệ thuật như trước.

Xem một số kiệt tác nghệ thuật dưới các ga tàu điện ngầm ở Moscow:

Ga tàu điện ngầm Komsomolskaya


Komsomolskaya mở cửa vào năm 1935. Nhà ga có trụ cột cao được làm bằng đá vôi màu hồng nhạt và đá cẩm thạch màu xanh xám. Sàn nhà lát bằng đá granite màu xám. Trần nhà ga được thiết kế theo phong cách Baroque (phong cách xây dựng của thời kỳ Baroque, Ý bắt đầu vào cuối thế kỷ 17), sơn màu vàng, và trang trí với 8 tấm khảm đá pha lê xanh, quý giá. Chủ đề hiện lên qua những tấm khảm là cuộc chiến giành tự do và độc lập của Nga. 

Ga tàu điện ngầm Novoslobodskaya



Được xây dựng vào năm 1952, Novoslobodskaya nổi tiếng với 32 tấm đá pha lê, tác phẩm của các nghệ sĩ người Latvia, Liên Xô cũ - E. Veylandan, E. Krests, và M. Ryskin. Mỗi tấm bao quanh bằng một tấm đồng, được thiết kế thành một trong những cột tháp của nhà ga và có hệ thống chiếu sáng từ bên trong. Cả hai cột tháp và các vòm nhọn giữa chúng được lát bằng đá cẩm thạch màu hồng nhạt Ural và đúc quanh bằng đồng. Cuối mái vòm nhà ga là một tấm khảm do Pavel Korin thiết kế với nội dung “Hòa bình trên khắp thế giới”.

Ga tàu Mayakovskaya

Mayakovskaya được coi là một trong những nhà ga đẹp nhất trong hệ thống Metro Moscow. Dựa trên một tương lai của Liên Xô như hình dung của nhà thơ Mayakovsky, nhà ga có những chiếc cột duyên dáng bọc bằng thép không gỉ và rodonit màu hồng, những bức tường làm bằng đá cẩm thạch Ufaley trắng và Diorite xám, sàn được lát bằng đá cẩm thạch trắng và hồng rực rỡ. Trần nhà ga có 34 tấm khảm, do Alexander Deyneka thiết kế với chủ đề “24 giờ trên bầu trời Xô Viết”. Một hành khách có thể ngước lên nhìn và nghĩ tới tương lai tươi sáng ngay trên đầu mình.



Nằm sâu dưới đất 33 mét, nhà ga đã trở thành nơi trú ẩn khỏi những cuộc không kích trong Thế chiến II. Vào ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, 7/11/1941, Joseph Stalin đã yêu cầu các kỹ sư xây dựng lắp đặt hệ thống nhà ga này.

Nhà ga Elektrozavodskaya



Elektrozavodskaya được đặt tên theo nhà máy đèn điện gần đó. Trần nhà ga bao phủ bởi sáu hàng đèn lồng tròn sợi đốt gồm tổng cộng 318 chiếc đèn. Ngoài ra, nhà ga còn có 12 bức phù điêu bằng đá cẩm thạch trên các cột tháp, nổi bật cuộc đấu tranh của Nga trong chiến tranh thế giới. Các cột tháp khác mang lưới tản nhiệt mạ vàng, miêu tả chiếc búa liềm. 

Nhà ga Entuziastov Shosse


Chủ đề thiết kế của nhà ga này là cuộc đấu tranh dành tự do trong lịch sử nước Nga. Nhà ga Entuziastov Shosse được trang trí theo nhiều màu sắc bằng đá cẩm thạch khác nhau. Các tác phẩm điêu khắc và hình ảnh liên quan đến những nhân vật cách mạng tô điểm cho các bức tường. Điểm cuối phía Tây của hội trường trung tâm có một tác phẩm điêu khắc lớn mang tên “Ngọn lửa Tự do” do A. Kuznetsov thiết kế.

Nhà ga Ploshchad Revolyutsii


Ploshchad được trang trí bằng 76 tác phẩm điêu khắc, nạm vào mỗi góc cột, sắp xếp theo chủ đề từ cha mẹ với con cái, tới các vận động viên, sinh viên, nông dân, công nhân công nghiệp và những người lính. Ngoài ra còn có bức tượng một người lính bảo vệ biên giới bên chú chó thân yêu của mình. 

Nhà ga Nakhimovsky Prospekt


Nhà ga công viên Pobedy 



Nhà ga công viên Victory



Đây là một phần của tác phẩm nghệ thuật trong nhà ga công viên Victory. Một bức tranh tường về Kutuzov, được xem là một trong những tướng Nga tốt nhất trong thời Catherine Đại đế. Dưới sự chỉ huy của Kutuzov, quân đội Nga đã chặn đứng Grande Armée của Napoleon trong trận Borodino và sau đó phản công, đẩy lùi quân Pháp ra khỏi Nga. 

Nhà ga Prospekt Mira


Nhà ga Kievskaya


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét