Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Công chức mới là nghề hạnh phúc nhất Việt Nam

Công chức mới là nghề hạnh phúc nhất Việt Nam
(Trái hay phải) - Đọc bài viết "CSGT là nghề hạnh phúc nhất Việt Nam" được đăng trên Phunutoday gần đây, lần đầu tiên tôi cảm nhận được hết sự hạnh phúc của cái nghề suốt ngày "múa gậy", phơi nắng mưa trên đường, luôn bận rộn đến mức "tối tăm mặt mũi" và thật sự thấy ngưỡng mộ cho những ai có phúc được làm CSGT.
Tuy nhiên, theo ý kiến của cá nhân tôi, ở Việt Nam, CSGT vẫn chưa phải là nghề hạnh phúc nhất, cái nghề mà xứng đáng với vị trí ấy nhất phải là công chức.
Công chức theo nghĩa chung là nhân viên trong cơ quan nhà nước, đó là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh trong các cơ quan nhà nước thông qua các cuộc thi, sát hạch năng lực để thực thi các hoạt động công vụ khác nhau tùy thuộc vào đơn vị công tác.
Rõ ràng, công chức có vai trò rất lớn trong sự phát triển của đời sống, xã hội nói chung và trong những chính sách, quy định của Nhà Nước ban hành nói riêng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công chúng đã có không ít lần phải giật mình thoảng thốt vì những chính sách trên trời mà các vị công chức Việt thoải mái sáng tạo ra.
Quy định thịt bán trong vòng 8 tiếng bị hủy bỏ vì không khả thi
Nào là thịt chỉ được bán trong vòng 8 tiếng kể từ khi giết mổ, quy định tang lễ công chức không quá 7 vòng hoa, không rắc vàng mã, không lắp kính quan tài, phạt mũ bảo hiểm rởm... Hay các quy định ban hành cách đây vài năm và được đưa vào lịch sử văn bản quy phạm pháp luật vì quá xa vời so với thực tế và thiếu tính khả thi như Quyết định 79 (năm 2007) của UBND TP Hà Nội quy định có “sổ đỏ” mới được xây nhà; Quyết định 16, 17 (năm 2007) của Bộ GTVT buộc xã viên phải chuyển xe vào sở hữu hợp tác xã; Quyết định 33, 34 (năm 2008) của Bộ Y tế có nội dung quy định người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được điều khiển xe máy...

Ở môi trường làm việc có thể thoải mái phát huy tính sáng tạo, quan điểm cá nhân hay mức độ tùy hứng trong việc xây dựng các văn bản quy phạm phát luật thực sự là minh chứng hùng hồn cho cái sự hạnh phúc của công chức Việt.

Người ta hay nói nghệ sĩ là những người hạnh phúc bởi họ có thể chìm đắm trong niềm đam mê, thoải mái sáng tạo, phá cách, khẳng định cái tôi cá nhân. Nhưng trên thực tế nghệ thuật cũng có những quy định và giới hạn nhất định mà các nghệ sĩ cần thực hiện theo. Và ở mặt này thì công chức hơn cả nghệ sĩ nhiều.

Nếu mọi người tưởng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sẽ rất cần sự nghiêm túc, tỉ mỉ, nghiên cứu kỹ tình hình thực tế và tình khả thi để có thể ban hành các chính sách phù hợp nhất thì đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm đấy nhé (ít nhất là ở Việt Nam).

Cứ nhìn các văn bản được liệt kê ở trên mà xem, có cái nào không có tính đột phá, sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân? Có cái nào bình thường hay gắn liền với thực tiễn đời sống?

Ấy thế mà các chính sách kiểu như thế vẫn liên tục ra đời, ngày càng nhiều. Cái sau ra đời còn có khả năng gây bất ngờ, gây sốc hơn cái trước, điều này thể hiện rõ ràng việc các công chức đang được khuyến khích tạo điều kiện rồi để tiếp tục phát huy còn gì nhỉ?!

Mặc dù có một số văn bản bị cơ quan chức năng "tuýt còi", nhận được những phản ứng gay gắt từ phía dư luận nhưng các vị công chức nhà ta chẳng ai phải chịu phạt hay bị phê bình gì cả. Hàng tháng, lương thưởng cứ nhận đều đều.

Khi xuất hiện một vài đánh giá chưa tốt về công chức Việt được các vị lãnh đạo cấp cao đưa ra như: tình trạng chạy công chức hết 100 triệu ở Hà Nội của ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, tình trạng làm làm việc kém hiệu quả, sáng cắp ô đi, tối cắp về của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay nhận xét về sự chậm trễ của công chức của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thanh ủy Hà Nội cho biết khi soạn một bức thư cảm ơn mất một tháng..., các đoàn kiểm tra được lập nên thì kết quả luôn là không có hiện tượng như phản ánh, công chức năng lực tốt, làm việc tốt...

Kể cả theo kết quả mới được công bố gần đây của kỳ thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp, có khoảng 30% số người thi không đạt đủ số điểm yêu cầu trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục dường như cũng chả ảnh hưởng gì đến công chức bởi không đậu thi đi thì thi lại, chả ai vì thi không qua mà bị buộc thôi việc.

Thế đấy, với sự hạnh phúc lớn lao công chức Việt đang được hưởng hiện tại, mọi người thử nghĩ xem có nghề nào có thể vượt qua công chức trở thành nghề hạnh phúc nhất? Rõ ràng chỉ có công chức mới là nghề "sướng" nhất Việt Nam và xứng đáng được tôn vinh trong Ngày hạnh phúc được Việt Nam tổ chức sắp tới.
Trang Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét