Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Chết rồi: Tương lai không có lương hưu?

Trong bài có thông tin khá thú vị: "độ dài thời gian hưởng lương hưu bình quân hiện nay là 19,5 năm", từ đây suy ra tuổi thọ trung bình của người về hưu là 73, bằng bình quân chung của cả nước. Vì tuyệt đại bộ phận người được hưởng lương hưu là cán bộ, công chức hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, nên cũng suy ra tuổi thọ trung bình của họ cũng không hơn gì so với người nông dân ở quê.
Tương lai không có lương hưu?
Theo dự báo của các chuyên gia, với nền chính sách hiện nay, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì tới năm 2021, quỹ lương hưu ở nước ta sẽ bị thâm hụt và dễ dẫn tới cạn kiệt. Nguyên do là hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đang bộc lộ sự lỏng lẻo, hệ thống lương hưu thiếu bền vững. Vậy hướng giải quyết thách thức trên bằng cách nào?
Người dân đăng ký bảo hiểm xã hội tại BHXH TP. Ảnh: CAO THĂNG
Đụng đâu vướng đó
Hiện nay, cả nước mới có 10,4 triệu người tham gia đóng BHXH, chiếm 20% lực lượng lao động. Trước tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu đang có xu hướng giảm nghiêm trọng, từ 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu vào năm 1996 thì đến nay, chỉ còn 9 người đóng cho 1 người hưởng. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chỉ là 53,2 tuổi. 
Theo tính toán, mỗi cá nhân có 31 năm đóng BHXH và chỉ đủ để quỹ bảo hiểm trả lương hưu trong vòng gần 13 năm. Song tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng cao và độ dài thời gian hưởng lương hưu bình quân hiện nay là 19,5 năm.

Tồn tại khoảng cách về lương hưu được chi trả cao hơn nhiều so với mức đóng góp, nên nguy cơ vỡ lương hưu có thể thấy được. “Chúng ta không thể vừa ăn bánh lại vừa muốn vẫn còn chiếc bánh đặt trên bàn để ngắm nhìn”, một chuyên gia nhận xét. Nếu tiếp tục duy trì bất ổn, có thể nhiều lao động trẻ hiện đang đóng BHXH nhưng tương lai sẽ không được hưởng lương hưu.

Mâu thuẫn hiện nay của BHXH là đóng ít, hưởng nhiều. Tuy nhiên, chính sự lỏng lẻo trong quản lý nên dù có áp dụng riêng rẽ giải pháp tăng mức đóng, giảm mức hưởng thì cũng không khả thi. Có vẻ hợp lý khi tăng nguồn quỹ hưu trí bằng cách tăng mức đóng góp nhưng giải pháp này lại không thực tiễn vì mức đóng góp ở Việt Nam đã cao (24% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH), nếu tăng mức đóng sẽ giảm khả năng cạnh tranh của các DN. 

Tại hội thảo mới đây về vấn đề BHXH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết để đảm bảo an toàn cho hệ thống, nếu lựa chọn giải pháp này, cần phải tăng mức đóng góp lên đến 75% mức tiền lương, tiền công. Nếu tăng đến 30% cũng không giải quyết được vấn đề gì. Còn về mức hưởng, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - tiền lương - tiền công, Sở LĐTB-XH TPHCM phân tích, mức hưởng lương hưu tối đa 75% là tỷ lệ cao so với các nước. 

Tuy nhiên, thực tế tiền lương hưu người dân được hưởng vẫn thấp. Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Long An cho rằng, hiện tồn tại tình trạng doanh nghiệp trả lương thực tế một kiểu (ví dụ 4 triệu đồng/người/tháng) nhưng lại giấu mức lương, đăng ký BHXH với mức lương thấp hơn nhiều (2,5 triệu đồng/người/tháng). Với mức lương đóng BHXH rất thấp đó, dù mức hưởng lương hưu cao nhưng khi nghỉ hưu, cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn. Giả thiết giảm mức hưởng, một bộ phận người về hưu sẽ thành người nghèo. Vì thế, nếu không xem xét tiền lương cơ sở đóng BHXH từ bây giờ thì ngày càng xuất hiện lớp người nghèo hóa khi nghỉ hưu.Tăng dần độ tuổi nghỉ hưu

Trước tình hình tiến thoái lưỡng nan, các chuyên gia cho rằng, không một giải pháp riêng biệt nào có thể giải quyết được. So sánh với các nước trên thế giới, ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, cho rằng: Việt Nam là nước hào phóng nhất thế giới về tỷ suất tích lũy lương hưu hàng năm (trung bình 2% - 3%, trong khi các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này chỉ là 1,6%) và đang trợ cấp cho người dân nghỉ hưu sớm - mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị giảm trừ 1% trong khi các nước tỷ lệ này là 5% - 7%. Nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu lên mà vẫn giữ nguyên mức giảm trừ thì vẫn không thay đổi được tuổi nghỉ hưu thực tế vì người dân vẫn thích nghỉ hưu sớm. Vấn đề là, cần làm sao cho người nghỉ hưu sớm không được hưởng lợi. Ngoài ra, có hình thức phù hợp khuyến khích người lao động làm việc với thời gian dài hơn.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Ngân hàng Thế giới cho hay, rất nhiều nước đã hoặc đang có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh già hóa dân số và cải cách ở bất cứ nơi nào cũng đều khó khăn song đây là giải pháp bắt buộc phải làm. Cải cách độ tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện từng bước một (chẳng hạn mỗi năm tăng thêm vài tháng). 

Các chuyên gia khuyến nghị, để hệ thống lương hưu an toàn, đảm bảo tương lai những người lao động trẻ đang đóng BHXH sẽ được lãnh lương hưu thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng dần độ tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi (hoặc 65 tuổi) và thắt chặt các quy định về nghỉ hưu sớm (tăng tỷ lệ giảm trừ tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi); cần hợp lý hóa công thức tính lương hưu, điều chỉnh tỷ suất tích lũy hàng năm thống nhất còn 1,5% hoặc 2%...

ĐƯỜNG LOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét