Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Bị bác Thăng dọa cắt chức vì dám nói... sự thực

Giấy phép, giấy phép... ngành nào cũng yêu cầu được quyền cấp giấy phép; giấy phép chồng chéo lên nhau (Sở KHĐT và Sở GTVT). Cái chính là đạo đức xã hội suy đồi, từ Chính phủ trung ương đến tận mỗi nhân viên công lực đều tìm cách ăn chặn doanh nghiệp buộc họ phải làm ẩu, chạy ẩu để có thu nhập mà tồn tại. Không chữa tận gốc thì cách chức hết cũng không giải quyết được vấn đề.
Đọc câu này của Giám đốc HP mà ngán ngẩm: “Hải Phòng mới có 10% số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông”. Đâu phải vì không được cấp phép mà gây tai nạn giao thông.
Bị dọa cách chức, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng nói gì?
(VTC News) - Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, việc bị Bộ trưởng Thăng "dọa cách chức" là do ông dám nói lên sự thật.
Theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn xảy ra 57 vụ TNGT, làm chết 54 người (giảm 5 người so với cùng kì năm trước), 33 người bị thương. Lực lượng CSGT Hải Phòng kiểm tra, xử lý gần 64.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 25,5 tỉ đồng, tước gần 3.600 giấy phép lái xe, tạm giữ 149 xe ô tô, hơn 3 nghìn xe máy...
Hiện trường vụ TNGT ngày 7/3, làm 2 nữ sinh
Đại học Hải Phòng chết thảm - Ảnh Minh Khang 
Chưa đến 5% doanh nghiệp vận tải có giấy phép
Tất cả mọi nơi đều thế, nhưng chỉ có mình tôi dám nói ra. Tôi tham gia cũng muốn để cho nó tốt lên chứ có ý gì đâu. . Ông Đàm Xuân Lũy
Theo cán bộ Thanh tra giao thông Hải Phòng, hiện mới có 46/1.036 doanh nghiệp (DN) có đăng ký kinh doanh vận tải đến Sở GTVT Hải Phòng xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô cho hơn 600 đầu xe. Tổng số xe ô tô hiện đăng ký tại Hải Phòng là hơn 69 nghìn xe (trong đó có hơn 7 nghìn xe container).

Việc xử lý DN vận tải không phép là rất khó, bởi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô họ để ở DN chứ không mang theo xe. Hơn nữa, không phải lúc nào lực lượng Thanh tra giao thông cũng có thể đột xuất đến DN kiểm tra.

Hiện Thanh tra giao thông Hải Phòng đang tập hợp các loại văn bản liên quan để tiến hành kiểm tra DN theo đúng quy trình. Thực tế, chỉ tính riêng việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhiều DN vẫn chưa làm được với nhiều lý do, trong đó có thiết bị không hợp chuẩn. Bản thân các cơ quan chức năng Trung ương cũng phải lùi mốc ngày kiểm tra, xử lý.

Tới đây, bắt đầu từ ngày 10/7, Thanh tra Giao thông Hải Phòng ra quân đồng loạt kiểm tra, xử phạt các xe không lắp đặt hệ thống giám sát hành trình đúng qui chuẩn.

Nhiều DN vận tải giải thích lý do họ không đến Sở GTVT Hải Phòng xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô là vì ngay trong đăng ký kinh doanh của DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp phép thì DN của họ đã đăng kí kinh doanh vận tải hàng hóa, cho nên thiết nghĩ giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp là không cần thiết.

Hình ảnh này chỉ có thể có ở Việt Nam - Ảnh Minh Khang 

Khó xử lý doanh nghiệp không giấy phép?

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết có đến hơn 90% xe ô tô vận tải hàng hóa ở Hải Phòng không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp.

Hiện, Hải Phòng có hơn 7.000 xe vận tải container thì có đến hơn 6.300 xe của DN không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Số lượng lớn như vậy bởi đơn giản là để được cấp loại giấy phép kinh doanh này thì DN phải đạt được hàng loạt tiêu chí điều kiện như số xe ô tô, bãi đỗ, đảm bảo an toàn, thiết bị giám sát hành trình... mà để đạt được các điều kiện này để được cấp phép thì DN phải lớn, qui mô đầu tư cả trăm tỉ đồng.

Trong khi đó, hầu hết các chủ xe vận tải container, chiếm đến hơn 80% thì chỉ một hay hai xe để kinh doanh nhỏ lẻ thậm chí vài người góp với nhau mỗi người 100-200 triệu đồng để mua một xe container chở hàng kiếm sống thì làm sao đủ điều kiện để xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được.
Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải diễn ra như "cơm bữa" tại Hải Phòng, mặc dù Thanh tra Bộ GTVT, C67 Bộ Công an đã vào cuộc - Ảnh Minh Khang 

Lực lượng CSGT không thể kiểm tra giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, bởi lẽ giấy phép này cấp cho DN chứ không cấp cho từng xe ô tô. Không bị kiểm tra, xử lý nên các DN nhỏ, chủ xe cũng không cần quan tâm đến giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do sở GTVT cấp phép.

Cũng theo ông Tiến, việc DN đến Sở GTVT làm giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô thì chỉ nên vận động họ thôi chứ rất khó xử lý.

Ông Đàm Xuân Lũy - Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng (Ảnh: TPO)

Thượng tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hải Phòng cho biết, lực lượng CSGT chỉ được kiểm tra và xử lý đối với các lái xe ô tô tải vi phạm an toàn giao thông trên đường, chứ không thể đến tận DN vận tải đề nghị kiểm tra giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp.

Theo ông Đàm Xuân Lũy - Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng thì hiện nay tại Hải Phòng hầu hết những DN đã đăng ký là những DN lớn, tự giác chấp hành việc đăng ký hoạt động vận tải. Đặc biệt là đối với các loại xe container vẫn chưa có quy định phải có phù hiệu như xe chở khách nên lực lượng chức năng khó kiểm soát, xử lý.

Liên quan đến câu chuyện Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng "dọa cách chức", ông Đàm Xuân Lũy - Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết: "Bác ý (Bộ trưởng Thăng - PV) là cấp trên nói gì thì tùy bác ý thôi, tôi chả có tâm tư gì. Thực trạng này tôi đã nói cách đây 5 - 6 năm về trước".

Khi PV VTC News nêu vấn đề, trên cả nước, có nhiều địa phương trên 90% DN không đăng ký kinh doanh vận tải tương tự như Hải Phòng, thậm chí có địa phương còn để xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng hơn, tại sao Bộ trưởng Thăng không "dọa cách chức" các giám đốc Sở đó?

Ông Lũy cho biết: "Tất cả mọi nơi đều thế, nhưng chỉ có mình tôi dám nói ra. Tôi tham gia cũng muốn để cho nó tốt lên chứ có ý gì đâu".

Ông Lũy cho biết thêm, ngày 10/7, Đoàn Thanh tra của Bộ GTVT về thanh tra làm rõ thông tin ông Lũy đã báo cáo về thực trạng hiện nay trên 90% DN vận tải ở Hải Phòng hoạt động không phép. Và kết quả thanh tra vào sáng ngày 10/7 đúng như những gì ông Lũy đã nói.

Minh Khang

“Bác Thăng nói như vậy cho vui thôi!”


Sau tuyên bố có thể đề nghị Hải Phòng cách chức Giám đốc Sở GTVT Đàm Xuân Lũy của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại hội nghị trực tuyến giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với các địa phương mới đây, dư luận chờ đợi một cú “trảm tướng” của ông Thăng như từng xảy ra, nhưng chưa thấy có động tĩnh gì.


Ngược lại, phía “bị đề nghị cách chức” lại có động tĩnh, nhưng ngược lại với sự chờ đợi. Đó là ông Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng trả lời báo chí rằng ông không sợ bị đề nghị cách chức. Ông còn nói: “Bác Thăng nói như vậy cho vui thôi, chứ chắc không có ý gì”.
Phát biểu tại hội nghị trên, ông Đàm Xuân Lũy nêu rõ rằng: “Hải Phòng hiện có 1.300 doanh nghiệp vận tải, nhưng 80% số doanh nghiệp chỉ có từ 1-3 xe, mới có 10% số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông”. Rõ ràng, báo cáo này không phải nói cho vui, bởi vì nó liên quan đến tính mạng của con người, tình hình an toàn giao thông của một địa phương.

Ông Đinh La Thăng nghe cấp dưới báo cáo không khỏi giật mình, cho nên lên tiếng công khai giữa hội nghị: “Với cách Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy trình bày như vậy, có thể đề xuất với Hải Phòng cách chức giám đốc sở”. Chắc chắn ông Thăng không phải nói cho vui. Việc nước việc dân chứ đâu phải quan hệ anh em, bạn bè giữa hai cá nhân mà nói cho vui. Hội nghị trực tuyến chứ đâu phải cuộc rượu mà hứng lên thì nói.

Nhưng nghĩ kỹ lại, câu “bác Thăng nói như vậy cho vui thôi” của ông Lũy có ý khác. Nghĩa là, ông Thăng thích thì cứ nói cho vui miệng của ông chứ ăn nhằm gì. Tuy là bộ trưởng, nhưng ông Thăng không có quyền cách chức giám đốc sở. Ông Thăng có quyền đề nghị, nhưng Hải Phòng có nghe theo đề nghị của ông hay không còn là chuyện khác và việc cách chức một ông giám đốc sở là chuyện dài nhiều tập; bởi có thể có quá nhiều ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức, nào là Thành ủy, HĐND, UBND của thành phố Hải Phòng. Cho nên, ông Lũy quản lý ngành kém như vậy hay kém hơn nữa, ông Thăng cũng chẳng làm gì được. Thế thì chẳng phải là “nói cho vui” đó sao?

Còn nhớ khi mới giữ chức vụ bộ trưởng, ông Thăng nổi đình nổi đám với vụ “trảm tướng” ở sân bay Đà Nẵng. Nghe qua ai cũng phát khiếp, nể ông Thăng một phép, nhưng thực ra chẳng tướng tá gì cả, mà là một cán bộ chỉ huy công trình. Với các cán bộ chỉ huy công trình đó, ông Thăng “trảm” mấy mà chả được. Không làm công trình này thì làm công trình khác. Nhưng giám đốc sở GTVT các địa phương mới là “tướng” thứ thiệt của ngành giao thông, ông Thăng có “trảm” được không thì ông thừa biết, nên ông mới nói “có thể đề xuất với Hải Phòng…”.

Buồn cho ông Thăng trong vụ này và cũng là buồn chung cho cái cơ chế quản lý cán bộ nhùng nhằng hiện nay. Ông Thăng muốn cá nhân dưới quyền ông phải chịu trách nhiệm trong công việc của mình, ai không hoàn thành thì cách chức, nhưng ông bất lực vì không được toàn quyền quyết định. Một khi trách nhiệm không rõ ràng, xử lý cá nhân chịu trách nhiệm không dứt khoát thì những tồn tại của ngành giao thông - đặc biệt là căn bệnh trầm trọng có tên “tai nạn giao thông” - sẽ khó bề thuyên giảm. 

Lê Thanh Phong /
Theo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét