Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Bà mẹ VNAH: Các con đùa phải không?

Bà mẹ VN Anh hùng: Các con đùa phải không?
- 'Mong rằng, khi những việc ồn ào này đến tai các mẹ, các mẹ không ngạc nhiên choáng váng như dư luận, chỉ hỏi: các con đùa phải không?
Không ai trên đời muốn trở thành bà mẹ anh hùng
Chỉ trong 2 ngày, Facebook và mạng xã hội tràn ngập những dấu hỏi và những dấu cảm thán xoay quanh hai chủ trương mới: Bà mẹ Anh hùng đi thi đại học được cộng điểm của Bộ Giáo dục – Đào tạo, và đề xuất phụ nữ từ 33 tuổi trở lên không được mang thai của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin miễn bàn đến đề xuất thứ hai. Sự bất hợp lý của nó đã hiển nhiên cho thấy rằng nó chắc chắn không bao giờ được áp dụng, chỉ thành một cuộc vui cho các chuyên gia chém gió.

Bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thông ngồi 
1 mình bên mâm cơm. Ảnh: Hoàng Hường
Nhưng vấn đề “thi đại học” của Bà mẹ Anh hùng không lại không phải chuyện đùa. Mới đọc những tiêu đề: Bà mẹ Anh hùng được cộng điểm thi đại học, tưởng đâu chỉ là lỗi cấu trúc ngữ pháp của các biên tập viên, ai ngờ đó là nội dung thật.

Câu chuyện tưởng đùa, đã được đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, giải thích rõ ràng: ‘Cộng điểm cho bà mẹ anh hùng là phù hợp'.
Ông Khôi cũng giải thích rõ ràng hơn: Bà mẹ Anh hùng giờ không chỉ là những bà mẹ 80 tuổi, 90 tuổi mà bây giờ theo quy định mới người mẹ có con duy nhất đi bộ đội hy sinh thì cũng được Nhà nước xem xét phong là Bà mẹ Anh hùng, nghĩa là những bà mẹ thời nay có con hy sinh cũng thuộc diện ưu tiên. Mặt khác, các quy chế tuyển sinh không có quy định hạn chế tuổi để mọi người được học suốt đời.

Nếu đề xuất mới đầu gây shock, thì giải thích của ông Khôi càng gây choáng hơn. “Thời nay” là thời nào? Cứ cho là thời nay chúng ta vẫn có những người hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và xây dựng - sản xuất. (Cứ cho là) đó là một đề xuất thể hiện sự nhân văn, biết ơn, thì thử nhẩm tính: tuổi thấp nhất để đi bộ đội là 18, (cứ cho là) anh bộ đội (con duy nhất) đó hy sinh năm đầu tiên (18) và được phong liệt sỹ, mẹ của anh thành bà mẹ anh hùng ngay trong năm. Lại (cứ cho là) mẹ anh sinh con ngay ở tuổi pháp luật cho phép (18), tức là tuổi tối thiểu một Bà mẹ anh hùng (thời nay) phải là 36.

Theo ông Khôi nói rõ: các quy chế tuyển sinh không có quy định hạn chế tuổi để mọi người được học suốt đời, nghĩa là Bà mẹ anh hùng hoàn toàn có điều kiện đi học đại học, và việc cộng điểm là hợp lý.

Có thực sự vậy không? Sau khi kết thúc chương trình học phổ thông khi (gần) 18 tuổi, các thí sinh đều phải thi đại học ngay, nếu không được thì trong cả năm tiếp theo phải tiếp tục ôn luyện để thi lại. Nếu không, những kiến thức sẽ mai một, và khi ra trường thời gian làm việc cống hiến sẽ bị chậm lại. Trên thực tế, có ai chờ đến khi 38 tuổi để thi đại học không? Ngay cả khi được cộng hai điểm, thì họ có đáp ứng được không?

(Cứ cho là) họ thi được, cầm bằng tốt nghiệp ra trường, người tuyển dụng sẽ chấp nhận một sinh viên tốt nghiệp tuổi già và chưa có kinh nghiệm làm việc như họ không…vv..

Những yếu tố được coi là “nhân văn” đó, càng phân tích càng thấy không thực tế. Đến mức phi lý..

Trong khi đối tượng chính của chủ trương này không phải những nhân vật (giả định) ở trên, mà hầu hết là những con người có thật. Họ là ai? Là những người:

- Có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; Có hai con mà cả hai con là liệt sĩ, hoặc chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ; Có ba con trở lên là liệt sĩ; Có một con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.

Nghĩa là những đối tượng hầu hết là cô đơn, vì chồng/con các mẹ đã hy sinh. 


Nếu tính chính xác, chiến tranh chống Mỹ kết thúc năm 1975 đến 2013 = 38 năm + 36 tuổi = 74, là tuổi Bà mẹ anh hùng trẻ nhất của thời chống Mỹ, thời chống Pháp thì nhiều hơn, nhiều cụ đã mất. Vậy đây có phải đối tượng Bộ giáo dục muốn nhắm đến không?

Một khía cạnh khác: khi đề cập đến chuyện “nhân văn” “mọi người được đi học suốt đời”, những người soạn thảo có nhớ rằng trong thời chiến tranh, có những ai được đi học? Trong khi các Bà mẹ anh hùng hầu hết xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, hầu hết họ chưa bao giờ có cơ hội đến trường, không còn cơ hội sống hạnh phúc bên chồng con. Đặt vấn đề “thi đại học” với các cụ, có phải tàn nhẫn?
Tôi vẫn cho rằng, chắc chắn không ai nỡ trêu chọc các Bà mẹ anh hùng, nhưng đây hẳn là một “lỗi đánh máy” vô cùng nghiêm trọng…

Theo quan điểm riêng của người viết, đề xuất này chính xác phải là; cộng điểm thi đại học cho người trực tiếp phụng dưỡng Bà mẹ anh hùng. Vì trên thực tế, con của các Bà mẹ anh hùng (nếu còn) cũng cỡ 60 – 70 tuổi, nếu là cháu thì cháu thế nào? mấy đời? Phải là người trực tiếp phụng dưỡng các mẹ, bất luận người đó có phải con cháu họ hay không. Tôi cho là vậy.

Chỉ mong rằng, khi những việc ồn ào này đến tai các mẹ, các mẹ không ngạc nhiên choáng váng như dư luận, chỉ hỏi: các con đùa phải không?

Hoàng Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét