Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Đám giỗ nhà quê

Đám giỗ nhà quê
Đám giỗ là dịp con cháu tựu về. Tôi thích nhất là có đám giỗ lúc trời vừa có vài cơn mưa, đất, cỏ còn bốc mùi ngai ngái cùng tiếng côn trùng tranh nhau cất tiếng về đêm. Lại có tiếng dế mèn thao thức trong đêm khuya khoắt. Tiếng con vạc sành réo rắt bên vạc gành (nẹp tre đươn lại, kết thành một miếng vách) hồi đầu hôm.
Đám giỗ diễn ra trong thời điểm này cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Buổi sáng, mấy đứa nhỏ tụi tôi đi bẻ bông điệp, bông trang ở ngoài giồng đem vô cho người lớn chuẩn bị chưng bông vào lục bình. Nơi bàn thờ giữa là một lục bình lớn, hai bàn thờ hai bên là hai lục bình nhỏ hơn nhưng bằng nhau. Sau đó, tụi tôi theo người lớn, chia nhau đi mượn bàn ghế vòng vòng trong xóm. Đến một ngôi nhà nào đó, cứ nói: “Tôi là cháu của ông Năm… ngày mai ở nhà có đám giỗ…” thì chủ nhà vui vẻ cho mượn ngay, dù hầu hết mọi nhà đều chỉ có một cái bàn tròn và dăm ba chiếc ghế đẩu để ngồi ăn cơm. Rất nhanh, cứ lật ngược bàn, ghế lên rồi ghi tên hay đánh dấu bằng phấn trắng, xỏ xâu ghế vào cây tre hoặc vác chồng lên nhau năm, bảy chiếc ghế khiêng về. Cũng giống như tại nhà ông bà tôi, sau khi cho nhà khác mượn bàn ghế xong, vài buổi cơm sau đó người nhà phải dọn ra ăn cơm trên bộ ván hoặc xúc một tô ra phía trước nhà ngồi ăn nhưng không buồn bực gì. Hồi đó, đâu có dịch vụ cho mướn bàn, ghế như bây giờ…

Lúc này, nước đá rất hiếm, thường không mua được. Muốn mua nước đá phải đi xa cả cây số, phải mua từ một góc tư trở lên, nước đá vùi trong trấu và quấn thêm bên ngoài miếng lá chuối nhưng đem về đến nhà, nước đá đã tan nhiều.

Những lão nông đi đám giỗ khá sớm, thường mặc áo bà ba trắng, chỉ vài người mặc áo dài đen. Người ta nói những ông mặc áo dài đen là đang có chức sắc trong đình, miễu. Những ông đó đến đám giỗ thường xách theo cái giỏ (bằng tre trúc hoặc bằng mủ) với năm, bảy chai nước ngọt trong đó, chứ không két này, thùng nọ như bây giờ. Nước ngọt chung qui có hai hiệu: Con Cọp và Phương Toàn (con nai). Về Con Cọp có: xá xị, nước cam, Limonade (nước màu trắng) và bạc hà (nước màu xanh). Có người mua chỉ một thứ nước ngọt là xá xị hoặc nước cam. Có người chịu khó hơn, chắc để cho thêm sinh động, họ mua ở tiệm hai chai xá xị, hai chai nước cam, hai chai Limonade và duy nhất chỉ một chai bạc hà. 

Đám nhỏ tụi tôi vẫn thích nhất chai bạc hà. Tôi liên tưởng với ý muốn: “Phải chi mấy ông cụ này đem đến các chai nước ngọt hồi hôm, ta bỏ vào lu nước, chắc trưa lại, nó cũng hơi lạnh lạnh như có nước đá”. Rồi, nghĩ ngợi lung tung: “Không biết ngày xưa, khi chưa có nước đá, mấy ông vua dự yến tiệc, nhắp nhiều rượu rồi sẽ giải nhiệt bằng thứ nước giải khát gì? Nước đá giải nhiệt nhanh nhưng chưa chắc bằng… nước nhãn nhục, sâm nhung…”, tôi suy diễn tiếp. 

Và tại đám giỗ, chủ lực vẫn là món hủ tiếu xào với giá, hẹ. Trong đám giỗ người rất đông, ồn ào nhưng ngoài sân nhà rất rộng thoáng, chỉ thấy vài chiếc xe đạp, chắc chủ nhân của nó ở xa lắm, đến thăm hỏi người thân. Còn hiện nay, mỗi người một chiếc xe máy. Nhà có tổ chức đám này đám nọ mà không có sân cho khách để xe, vất vả lắm. Và đặc biệt nhất là, ai cũng nấn níu chờ để lấy… vỏ chai vì đã thế chân ở tiệm…

Giờ đây hoa, trái bóng loáng, rực rỡ tràn ngập ngoài chợ đã đẩy lùi những trái mãng cầu ta, những nhánh bông điệp, chiếc bàn tròn, cái ghế đẩu, chai nước ngọt thiếu nước đá… về miền quá khứ xa xăm. Bây giờ, đám giỗ xong, nhiều trái bom, trái lê còn thừa lại chừng một tháng nhưng vẫn tươi chong. Ghê thiệt!

HOÀNG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét