Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

(2) Ôi nước Việt ngày nay: Xót xa phận người

Xót xa phận người
Mỗi khi thiếu đói, những cư dân sống trái phép trong các khu rừng phòng hộ chỉ cần vào rừng, ra bãi bươi quào là có thể giải quyết được cái bụng. Thế nhưng, chuyện tìm con chữ hay chống chọi với bệnh tật thì họ chỉ biết phó mặc cho trời.
Ông Tô Văn Chiến (ngụ xóm Mương Bảy, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) nhẩm tính: “Trong 8 đứa con của tôi, chỉ có thằng út Tô Ngọc Đức biết chữ. Gần 20 cháu nội, ngoại nhưng chỉ 2 đứa đang đi học lớp 1, lớp 2; còn lại dốt hết”.

Không được học hành
Trần Thảo Nguyên đã 10 tuổi nhưng chỉ mới học xong lớp 1. Hằng ngày, chị Tô Thị Thắm (mẹ cháu Nguyên) phải dậy sớm nấu cơm rồi cõng con cùng xoong nồi đến trường cách nhà gần 5 km. Chị mắc võng dưới gốc cây cạnh trường. Đến giờ giải lao, 2 mẹ con bày cơm ra ăn, sau đó chị nằm chờ con học xong rồi cùng về.
“Những hôm trời mưa, tôi phải cõng cháu đến trường vì đường lầy lội nhưng đến nơi thì quần áo ướt nhem, ai nhìn thấy cũng chạnh lòng” - chị Thắm kể. Trước đây, người con gái lớn của chị Thắm cũng đến trường trong hoàn cảnh như vậy nhưng chỉ vượt khó được đến năm lớp 3, cháu lại về nhà mò cua, bắt ốc, giăng lưới…


Căn chòi trống huơ trống hoác khuất sâu trong cánh rừng phòng hộ kinh Ba Khâu (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là tổ ấm của vợ chồng anh Tạ Văn Tiện và chị Lê Thị Lan. 30 năm trước, họ rời quê Bến Tre đến miệt mũi Cà Mau lập nghiệp. Cả vợ chồng cùng mù chữ, làm mướn tối mặt cũng không thoát khỏi cái nghèo. Thế là họ dẫn theo 3 đứa con quay về Bến Tre, sống bằng nghề mò nghêu.

Lúc đứa con đầu lòng tên Tạ Văn Tặn được 10 tuổi, anh chị đi làm không ai chăm nom, thằng nhỏ nghịch nên bị rơi xuống sông chết. Đau lòng, họ dẫn 2 đứa con tên Tạ Chí Nguyện và Tạ Hữu Lý trở lại Đất Mũi, sống lang bạt trong rừng phòng hộ.

Khi Nguyện 11 tuổi, anh chị cũng mang con ra xã gửi vào lớp học tình thương. Đến nay, Nguyện đã 20 tuổi mà vẫn chưa biết hết mặt chữ. “Thiếu đói nên đi đâu cũng phải mang con theo kiếm sống, chớ lo học lấy cái gì mà ăn?” - chị Lan giải thích.

Không có thầy thuốc

Ông Tô Văn Hiệp (ngụ xóm Mương Bảy) cho biết kiếm ăn ngoài biển sợ nhất là những ngày mưa gió, biển động, sét đánh đinh tai. Thế nhưng, đứa con trai của ông đã chết oan uổng theo một tình huống khác.

Theo ông Hiệp, 13 năm trước, con trai của ông tên Tô Bé Tám (12 tuổi) đi bắt ốc về, ăn cơm và ngủ. Đến chiều, Tám thức dậy đi ra ngoài lấy quần áo đang phơi. Lát sau, Tám ôm bụng kêu đau rồi ngất đi. Được ông Hiệp và người dân trong xóm cõng ra trạm y tế xã nhưng vì đường quá xa và lầy lội trong mưa nên Tám đã tử vong.

Xóm Rạch Miễu có gần 40 ngôi nhà cất trái phép trong rừng phòng hộ biển Tây, cách thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hơn 1 giờ đi bằng đường sông. Anh Trần Văn Ngọc kể lại chuyện đau lòng hồi cơn bão số 5 (năm 1997) đổ bộ vào đây. Hôm đó, đứa con gái đầu lòng của anh mới 4 tuổi bị nóng sốt, ho hen. Vợ chồng anh chủ quan nên chỉ cạo gió, xức dầu cho con, đợi hôm sau hết bão sẽ đi khám bác sĩ ngoài thị trấn Sông Đốc.

Đến chiều, lúc gió to, sóng nhồi dữ dội, nước ngập tứ bề, không cách nào đi đâu được thì cơn sốt của con gái tăng cao. “Cháu chết lúc nửa đêm, trên cái giường ngủ còn ướt sũng do sóng biển vùi dập” - anh Ngọc nói trong nước mắt.

Dân cư xóm Rạch Miễu còn nhớ câu chuyện gần 10 năm trước: Trần Văn Thích bị té, chấn thương bộ phận sinh dục, bí tiểu. Do quá nghèo, anh Trần Văn Lịnh (cha cháu Thích) không đủ tiền đưa con đi bệnh viện nên chỉ nấu thuốc nam cho uống. Đến khoảng nửa đêm, khi dòng nước kinh Rạch Miễu cạn trơ đáy, cháu Thích đau đớn nên anh Lịnh vội bồng con xuống xuồng máy chở đi bệnh viện.

Đi được một đoạn thì mắc cạn, khi không còn nghe tiếng con rên la nữa, ngỡ Thích chết, anh tuyệt vọng ngửa mặt kêu trời vang động khắp cánh rừng phòng hộ. Không ngờ, chính tiếng kêu trời của anh làm thằng bé giật mình tiểu được rồi tự đứng lên đi lại bình thường!

Kỳ tới: Khó “thoát ly” khỏi rừng
DUY NHÂN


  • Văn Bờm
    19Thích  
    01/07/2013 02:05
    Vậy mà người ta nói sẵn sàng đăng cai thế vận Á Châu?
  • Năm Xà Ben
    11Thích  
    01/07/2013 10:32
    Đất nước mình sống trong hòa bình hơn 38 năm rồi nhưng người dân ở những vùng cao vùng sâu vùng xa còn quá nghèo khổ, mù chữ và thiếu thốn đủ thứ. Đáng buồn thay!
  • Dã Quỳ
    1Thích  
    01/07/2013 13:55
    Đọc đến trường hợp cuối tôi mới nhẹ lòng nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối. Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên giúp đỡ họ có cuộc sống ổn định hơn.
  • 4 Nổ
    9Thích  
    01/07/2013 14:22
    Vậy mà ở Hà Nội lại có nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài triệu mua vé xem ca sĩ Hàn Quốc biểu diễn, chua xót quá.
  • Phèn
    16Thích  
    01/07/2013 14:23
    Người ta có thể kiếm ngàn tỷ trong vài phi vụ, chi chục ngàn tỷ cho một lễ hội nhưng không thể dành vài tỷ để cải thiện điều kiện sống của người dân. Cách biệt giàu nghèo ngày càng xa, đó có phải là bất công của xã hội không?
  • Võ văn sự
    0Thích  
    01/07/2013 16:43
    VN là nước đầu tiên ký "Công ước về Quyền trẻ em" (trong 193 nước). Hai nước không ký là Mỹ và Somali. Nước Mỹ không ký vì thấy khó thực thi. Tuy nhiên, tình hình lao động trẻ em tại Việt Nam đang ở mức báo động. 
  • culi
    0Thích  
    03/07/2013 06:55
    Họ bị đẩy vào đường cùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét