Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chỉ số GDP của Việt Nam bị tính sai?

Hôm qua đọc bài "Bất thường trong thống kê kinh tế Việt Nam", tôi rất đồng tình chuyện số liệu thống kê VN có nhiều điểm bất bình thường. Tuy nhiên, trong bài đó, có nhiều ý kiến chuyên gia tôi không tán thành. Đặc biệt cách phân tích những điểm bất thường của các chuyên gia chưa thuyết phục. Giờ đọc bài dưới đây của BBC, thấy cần làm rõ vài điểm:
1. Bác Doanh và nhiều chuyên gia khác cho rằng tăng trưởng tín dụng gần như 0% mà GDP quý I vẫn đạt gần 5% là vô lý. Tôi thấy chẳng có gì vô lý cả vì nhiều lý do, ví dụ: (i) Tín dụng chỉ là 1 phần để hình thành vốn đầu tư, nó chiếm tỷ trọng không cao trong tổng vốn đầu tư xã hội; (ii) Quan trọng hơn, vốn đầu tư tác động vào GDP bao giờ cũng có độ trễ, sớm nhất cũng 2 quý, còn để phát huy đủ tác động thì cần tới 2-3 năm. Do đó không thể nhìn vào vốn tín dụng hay vốn đầu tư của quý rồi so với tăng trưởng kinh tế của bản thân quý đó.
2. Bác Quang A nói “GDP mà tăng thì phụ thuộc vào vấn đề là tăng cái gì, theo lý thuyết rất cổ điển là phải tăng về vốn, phải tăng về năng suất lao động, số lượng lao động”.
Theo tôi biết không có lý thuyết rất cổ điển mà chỉ có lý thuyết cổ điển và tân cổ điển (bên cạnh còn có các lý thuyết Keynes và tân Keynes...). Lý thuyết cổ điển quan niệm tăng trưởng dài hạn hoàn toàn phụ thuộc vào vốn đầu tư; còn lý thuyết tân cổ điển phát triển lên bằng cách đưa thêm yếu tố lao động và tiến bộ công nghệ. Như vậy, lý thuyết mà bác Quang A nói ở đây là thuyết tân cổ điển, nhưng cách phân tích để chỉ ra cái bất bình thường lại dùng thuyết cổ điển, rất lạc hậu trong thời buổi hiện nay.
3. Bác Quang A nói có hai, ba cách tính GDP, VN theo cách cung mà không làm thêm cách cầu để kiểm tra chéo. Thực ra có 3 cách tính GDP: phương pháp sản xuất (từ kết quả sản xuất của các ngành), phương pháp tiêu dùng (từ sử dụng GDP gồm tích lũy, tiêu dùng và xuất nhập khẩu) và phương pháp thu nhập (từ thu nhập của dân cư, của nhà nước...). Ở VN, chúng ta cơ bản sử dụng phương pháp sản xuất nhưng có tính bổ sung bằng phương pháp tiêu dùng và thu nhập để kiểm tra lại, nếu thấy sai số nhiều thì phải tính lại, nếu sai số ít thì điều chỉnh. Như vậy, ở tầm quốc gia, việc tính toán GDP theo năm là có cơ sở khoa học và theo nhiều cách với mức độ chi tiết khác nhau.
Riêng tính GDP quý thì chỉ là tính sơ bộ, chỉ làm theo phương pháp sản xuất nhằm có thông tin nhanh để điều hành kinh tế trong điều kiện không thể thu thập nhanh và đủ các thông tin về thu nhập và tiêu dùng từng quý để có thể tính thêm theo hai phương pháp còn lại.
4. Bạn Bùi Trinh nói "dư nợ tín dụng tháng 3 không đáng kể, nhưng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước lại tăng tới 11%, vậy doanh nghiệp lấy vốn ở đâu trong khi phần lớn doanh nghiệp đều lệ thuộc vào vốn ngân hàng”. Có mấy ý để giải thích: (i) Ở tầm ngắn hạn, dù không vay được vốn ngân hàng, song để DN tiếp tục duy trì hoạt động, chủ DN vẫn phải xoay sở tìm nguồn vốn đầu tư; đây gọi là "đâm lao thì phải theo lao"; do đó ở tầm ngắn hạn (không chỉ 1-2 quý mà có thể tới 1-2 năm), dư nợ tín dụng ngân hàng không tăng, nhưng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vẫn tăng là chuyện bình thường; (ii) Các DN nhà nước và DN ngoài nhà nước có quy mô lớn thì dựa nhiều vào vốn ngân hàng nhưng các DN ngoài nhà nước có quy mô nhỏ, nhất là trong nông nghiệp và dịch vụ, lại chủ yếu dựa vào vốn tự có, vốn huy động từ người thân, bè bạn, thậm chí qua cả tín dụng chợ đen. Khi gặp khó khăn về vốn, họ thường quay về nguồn vốn này, và do người VN sống chủ yếu dựa trên tình (duy tình - khác với phương Tây dựa trên lý - duy lý) nên vẫn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Gần đây, thị trường BĐS đóng băng, lãi suất tiết kiệm thấp... nên một bộ phận dân cư có tiền tiết kiệm chẳng biết đầu tư vào đâu và để giúp người thân đã dùng nó để hỗ trợ các DN người thân gặp khó khăn...
Chỉ số GDP của Việt Nam bị tính sai?
Một nhà quan sát trong nước nói với BBC, nghi ngờ của các chuyên gia kinh tế đối với con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà tổng cục thống kê đưa ra là có cơ sở.
Trong Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân hôm 08/04, tổng cục thống kê cho biết số GDP quý I năm 2013 của Việt Nam là 4,98%, còn một số chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng gần như không có thì "GDP không thể tăng."
Trả lời phỏng vấn của BBC về vấn đề trên, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một phân tích gia, nói: 
“Con số mà cục thống kê đưa ra như thế, những chuyên gia đặt dấu hỏi cũng có lý vì người ta toàn là những người rất là kỹ về cách tính GDP như thế nào.”
“GDP mà tăng thì phụ thuộc vào vấn đề là tăng cái gì, theo lý thuyết rất cổ điển là phải tăng về vốn, phải tăng về năng suất lao động, số lượng lao động.” Ông nhận xét, những tỷ lệ tăng đó không khớp với tỷ lệ tăng GDP, “Bản thân con số theo công thức đầy mâu thuẫn.”


"Tăng trưởng tín dụng quý I chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều
khó hiểu, chẳng lẽ Việt Nam không cần cung ứng tín dụng vẫn có thể tăng trưởng."
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân

Truyền thông trong nước cũng dẫn lời chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trong diễn đàn, rằng dư nợ tín dụng tháng 3 không đáng kể, nhưng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước lại tăng tới 11%, vậy “doanh nghiệp lấy vốn ở đâu trong khi phần lớn doanh nghiệp đều lệ thuộc vào vốn ngân hàng”.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý I chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều khó hiểu, “Chẳng lẽ Việt Nam không cần cung ứng tín dụng vẫn có thể tăng trưởng,” tờ báo mạng VNExpress dẫn lời ông nói.

Theo Tiến sỹ Quang A, có hai, ba cách tính GDP, “cách tính của Việt Nam người ta gọi là cách tính về phía cung và cách đấy lẽ ra phải nên có kiểm tra chéo bằng cách tính bằng tổng cầu nữa”.

Và lý do của con số không chính xác, theo ông Quang A, là “Tất cả số liệu GDP chỉ xuất phát từ một nơi là tổng cục thống kê, nhưng mỗi một tỉnh có cách tính riêng.

"Và cách tính riêng này của mỗi tỉnh cũng đã bị đem ra mổ xẻ rất là lâu rồi, vì tỉnh nào cũng đều tăng cao hơn mức của cả nước, thậm chí cao hơn rất nhiều.

Ảnh hưởng của việc sai số liệu có thể dẫn tới những chính sách hoạch định sai lầm ở mức chính phủ hoặc các nhà hoạch định chính sách, theo ông Quang A.

Trích ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc dựa trên những con số “ảo tưởng” khiến các quyết định can thiệp thường đưa ra rất muộn, không phản ánh tính cấp bách của thực tiễn, mà ví dụ điển hình là Vinashin.

Còn Giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên đánh giá trong diễn đàn, cho rằng dựa vào con số "không chuẩn" để xử lý vấn đề luôn luôn "chứa đựng rủi ro và nguy cơ rất lớn" cho quá trình phục hồi.

‘Tô son trát phấn con số'

Tiến sỹ Quang A cho rằng, thống kê sai là một cái vòng luẩn quẩn, do nó không được đánh giá đúng nên người làm thống kê ngày càng mai một“.

“Khi người càng mai một, trình độ mai một thì những số liệu đấy lại càng kém chính xác hơn, kết quả có thể lại sai lệch hơn và nó lại dẫn đến những chính sách tồi hơn, và nó lại khuyến khích người ta phải tô son trát phấn để cho số liệu cho nó đẹp.”

“Vòng luẩn quẩn cứ thế là một mối nguy hiểm cho đất nước.”

Chừng nào mà còn có cái chế độ độc quyền, hay là cái chế độ toàn trị hết tất cả mọi thứ
kể cả thông tin, thì những căn bệnh như thế không bao giờ có thể chữa khỏi được cả."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A

Theo ông Quang A, có một số cách khắc phục tình trạng này, trong đó quan trọng nhất là cơ quan về thống kê phải hoàn toàn độc lập với các bộ phận của cơ quan hành pháp, không bị tác động bởi những vấn đề chính trị hàng ngày.

Hơn thế nữa, bản thân những cách tính toán cũng cần phải phổ cập lại cho bản thân họ.

Và điều thứ ba, là cần có các tổ chức độc lập khác nữa để kiểm tra chéo nhằm phát hiện những chỗ không nhất quán trong số liệu để đàm luận.

“Chỉ có trong những lúc tranh luận như thế thì cái phương pháp nó mới được cải thiện hơn, trình độ của người tính toán cũng được cải thiện hơn,” ông nói.

Đương kim Chủ tịch hội Liên hiệp Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary cho rằng, chừng nào mà các nhà hoạch định chính sách "chưa thấy có nhu cầu" phải có những số liệu chính xác thì ngành thống kê khó lòng được coi trọng.

Ông nói: “Chừng nào mà còn có cái chế độ độc quyền, hay là cái chế độ toàn trị hết tất cả mọi thứ kể cả thông tin, thì những căn bệnh như thế không bao giờ có thể chữa khỏi được cả.”

Ông Quang A từng là viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, đồng sáng lập với tám nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội có tên tuổi khác tại Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét